Thị trường xi măng Việt Nam hiện đang dư cung. Ảnh: Đức Thanh

Thị trường xi măng Việt Nam hiện đang dư cung. Ảnh: Đức Thanh

LafargeHolcim Việt Nam chưa biết về tay ai

Đã qua hơn 1 tháng, kể từ thời điểm Tập đoàn LafargeHolcim thông báo về việc đã tìm được đối tác mua 65% cổ phần tại LafargeHolcim Việt Nam, tại thời điểm này, Vicem, cổ đông nắm giữ 35% vốn tại doanh nghiệp xi măng này có thực hiện quyền ưu tiên mua lại phần vốn hay không vẫn đang là một câu hỏi lớn.     

Trong thương vụ thoái vốn tại Việt Nam, Vicem với cương vị là cổ đông sẽ được quyền ưu tiên mua trước cả đối tác ngoại đến từ Thái Lan là Siam Cement City Public Company Ltd (SCCC), dù LafargeHolcim và SCCC đã  ký kết biên bản thỏa thuận để SCCC mua lại phần vốn này.

Như vậy, sau thời điểm LafargeHolcim có thông báo chính thức về danh tính nhà đầu tư sở hữu 65% cổ phần với Vicem, trong vòng 60 ngày, nếu Vicem không có động thái mua hết số cổ phần này, SCCC sẽ là doanh nghiệp thay thế cho LafargeHolcim trong Liên doanh tại Việt Nam.

Được biết, giá trị tài sản của LafargeHolcim Việt Nam được định giá trong thương vụ vào khoảng 867 triệu CHF (Franc Thụy Sỹ), tương đương 890 triệu USD. Và  để sở hữu 65% cổ phần, SCCC phải chi khoảng 580 triệu USD nếu muốn là “ông chủ” của LafargeHolcim Việt Nam.

Thành lập năm 1994 với tên gọi Holcim Vietnam, là công ty xi măng có vốn FDI lớn nhất Việt Nam với tổng đầu tư 233,8 triệu USD, trong đó cổ phần của Tập đoàn Holcim chiếm tỷ lệ 65% và Vicem chiếm 35%.

Động thái rút lui của LafargeHolcim tại thị trường Việt Nam do hoạt động không còn thuận lợi như trước, khi cạnh tranh ngày càng gay gắt trong bối cảnh thị trường xi măng Việt Nam bị dư cung. Thêm đó, đây là hoạt động tái cơ cấu hoạt động kinh doanh sau khi sáp nhập với Lafarge vào cuối năm ngoái.

Không nhiều doanh nghiệp trong nước có đủ điều kiện tài chính để sở hữu LafargeHolcim Việt Nam, bởi sẽ phải chi khoảng 580 triệu USD, một con số quá lớn mà nhiều doanh nghiệp khó với tay.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư về quyết tâm tới đâu trong việc thực hiện quyền ưu tiên mua lại phần vốn từ Liên doanh này, đại diện Vicem cho rằng, Vicem vẫn đang nỗ lực ở mức cao nhất để có thể tiến hành mua lại phần vốn trong Liên doanh LafargeHolcim Việt Nam. Tuy nhiên, về kế hoạch chi tiết thì chưa thể công bố thêm.

Nếu Tổng công ty Vicem quyết tâm cao độ để sở hữu LafargeHolcim Việt Nam, đây sẽ là một thương vụ điển hình trong ngành xi măng, khi một doanh nghiệp trong nước mua lại doanh nghiệp nước ngoài. Tất nhiên, điều này đang là giả thiết, bởi kết quả của thương vụ LafargeHolcim thoái vốn hiện vẫn đang là ẩn số.

Ông Lê Văn Tới, Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) cho rằng, LafargeHolcim Việt Nam là một trong những liên doanh có thâm niên hoạt động trong ngành xi măng Việt Nam, với kết quả kinh doanh tốt. Đó cũng là nền tảng cho doanh nghiệp nào quyết tâm mua và có “duyên” trong thương vụ này.

Theo nhận định của các doanh nghiệp trong ngành vật liệu xây dựng, nếu Vicem sở hữu hệ thống các nhà máy sản xuất của LafargeHolcim sẽ có nhiều thuận lợi để gia tăng sản lượng, mở rộng thị phần và có những ưu thế nhất định trong cạnh tranh.

Những năm gần đây, Vicem đã thực hiện thành công một số thương vụ như mua lại CTCP Xi măng Bỉm Sơn, tiếp nhận Trạm nghiền Đại Việt (Quảng Ngãi), mua lại Nhà máy xi măng Áng Sơn (Quảng Bình). Gần đây nhất, Vicem nhận tái cơ cấu Xi măng Sông Thao và Xi măng Hạ Long sau một thời gian dài thua lỗ và nay cả Hạ Long và Sông Thao đều dần hồi phục “sức khỏe”.

Một doanh nghiệp sản xuất xi măng cho biết, không nhiều doanh nghiệp trong nước có đủ điều kiện tài chính để sở hữu LafargeHolcim Việt Nam, bởi sẽ phải chi khoảng 580 triệu USD, một con số quá lớn mà nhiều doanh nghiệp khó với tay. Như vậy, sẽ còn phải chờ thêm thời gian để có được câu trả lời chính thức về “ông chủ” mới của LafargeHolcim Việt Nam.

Tin bài liên quan