Kiến nghị “trớ trêu” của cổ đông PNC

Kiến nghị “trớ trêu” của cổ đông PNC

(ĐTCK) Cuộc chiến giữa nhóm cổ đông nắm quyền điều hành tại CTCP Văn hóa Phương Nam (PNC), mà đại diện là bà Phan Thị Lệ, Chủ tịch HĐQT Công ty, với nhóm cổ đổng lớn nắm hơn 47% cổ phần đang ngày càng kịch tính. 

Nhóm cổ đông lớn đã kiện ra tòa để hủy bỏ Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) thường niên 2017 tổ chức hồi tháng 2 vừa qua, mà nhóm bà Lệ đã đơn phương thông qua và ban hành. Ngược lại, nhóm bà Lệ liên tục triệu tập ĐHCĐ bất thường, bất chấp sự phản đối của cổ đông lớn.

Như Báo Đầu tư Chứng khoán đã phản ánh trong bài viết “HĐQT PNC: Cuộc chiến không khoan nhượng”, HĐQT PNC dưới sự chủ trì của Chủ tịch Phan Thị Lệ đã quyết định triệu tập ĐHCĐ bất thường sau một cuộc họp của HĐQT vào ngày 6/3, mà không có mặt 2 thành viên đại diện cho nhóm cổ đông lớn sở hữu 47% vốn điều lệ là ông Phạm Uyên Nguyên và ông Nguyễn Tuấn Quỳnh, đại diện 2 công ty Thành Vinh và Trường Phát

Mục đích của ĐHCĐ bất thường là để trình lại ĐHCĐ thông qua những báo cáo, nội dung đã bị phủ quyết trong ĐHCĐ thường niên và bầu bổ sung thành viên HĐQT còn thiếu. Trong khi đó, ở thời điểm cuối tháng 3, nhóm cổ đông lớn của PNC đã khởi kiện ra tòa để nghị hủy bỏ Nghị quyết ĐHCĐ số 01 ngày 15/02/2017 của PNC vì Đại hội đã vi phạm nhiều quy định của Luật Doanh nghiệp và Điều lệ Công ty cả về trình tự thủ tục tổ chức, cách thức điều hành và ra quyết định tại Đại hội.

“Tiên liệu” trước việc triệu tập ĐHCĐ bất thường sẽ khó khăn, bà Lệ đã lên kế hoạch sẽ tổ chức 3 lần ĐHCĐ bất thường liên tiếp: lần 1 vào ngày 5/4, lần 2 vào ngày 21/4 và lần 3 vào ngày 5/5/2017.

Không đồng tình với kế hoạch này, ngày 30/3, nhóm cổ đông lớn đã gửi đơn kiến nghị, trong đó nhấn mạnh “nhằm tránh hậu quả không đáng có, hao tiền tốn của Công ty trong trường hợp Nghị quyết 01 của ĐHCĐ thường niên bị hủy bỏ” thì PNC, mà cụ thể là Chủ tịch Công ty nên hoãn tổ chức ĐHCĐ bất thường.

Trong trường hợp vẫn triệu tập ĐHCĐ bất thường, nhóm cổ đông lớn đề nghị bà Lệ bổ sung vào chương trình ĐHCĐ bất thường một số nội dung như: “Điều hành Đại hội biểu quyết theo tỷ lệ sở hữu cổ phần để thông qua chương trình đại hội; điều hành Đại hội biểu quyết theo tỷ lệ sở hữu cổ phần để thông qua nhân sự ban kiểm phiếu, đảm bảo tính minh bạch và công khai; điều hành Đại hội biểu quyết tỷ lệ sở hữu cổ phần thông qua quy chế bầu cử thành viên HĐQT, Ban kiểm soát nhiệm kỳ 2017-2021; bổ sung các văn kiện tờ trình, thông qua toàn văn biên bản họp và Nghị quyết ĐHCĐ; Báo cáo của HĐQT về kết quả hoạt động của HĐQT và từng thành viên; mức cổ tức chi trả cụ thể”.

Đến ngày 18/4, bà Lệ đã ký văn bản gửi nhóm cổ đông lớn, lấy lý do nhận được đơn kiến nghị của nhóm cổ đông lớn vào ngày 3/4/2017 (dù đơn đề ngày 30/3/2017), chỉ trước 2 ngày triệu tập ĐHCĐ bất thường lần 1, đã vi phạm quy định của Luật Doanh nghiệp và điều lệ PNC về thời gian.

“Chúng tôi quyết định từ chối các kiến nghị này do không đáp ứng yêu cầu về thời gian chiếu theo các quy định trên”, công văn bà Lệ ký nêu rõ.

Đọc kỹ các nội dung trong kiến nghị của nhóm cổ đông lớn PNC thấy rằng, các nội dung này đều là những quy định cơ bản được quy định trong văn bản pháp luật để một ĐHCĐ thường niên có thể diễn ra đúng quy định.

Thế nhưng, nhóm cổ đông lớn buộc phải đưa những vấn đề “đúng quy định” này ra tòa vì tại ĐHCĐ thường niên của PNC trước đó, bà Lệ đã điều hành Đại hội không tuân theo đúng những quy chuẩn này.

Cụ thể, thông qua ban kiểm phiếu bằng hình thức giơ tay đếm theo số đông, quy chế tổ chức ĐHCĐ, quy chế bầu cử không được trình ĐHCĐ thông qua; Biên bản ĐHCĐ không được đại hội biểu quyết thông qua, Nghị quyết cũng không được đọc trước Đại hội và không được biểu quyết thông qua, dẫn đến Nghị quyết có những sai lệch về thông tin so với biên bản Đại hội...

Do các nhóm cổ đông không thể đối thoại ở giai đoạn chuẩn bị, nên ĐHCĐ bất thường của PNC lần triệu tập thứ nhất vào ngày 5/4 và lần thứ 2 vào ngày 21/4 bị thất bại là điều được dự báo trước.

Cho đến thời điểm này, PNC đã gửi thư mời ĐHCĐ bất thường lần triệu tập thứ 3 vào ngày 5/5 tới đây. Một điểm đáng lưu ý nữa là trong HĐQT PNC nhiệm kỳ vừa qua, có một thành viên độc lập là Luật sư Nguyễn Ngọc Bích. Gần đây, khi xảy ra mẫu thuẫn, Luật sư Bích thường ủy quyền cho Tổng giám đốc PNC là một thành viên HĐQT, đồng thời cũng là cổ đông thuộc nhóm bà Lệ.

Sự đối đầu giữa 2 nhóm cổ đông quyền lực của PNC được dự báo sẽ còn diễn biến phức tạp. Báo Đầu tư Chứng khoán sẽ tiếp tục thông tin đến độc giả khi có thông tin mới.           

Tin bài liên quan