Biên bản ĐHCĐ bất thường lần 3 của PNC vẫn chưa được thông qua dưới hình thức biểu quyết của cổ đông

Biên bản ĐHCĐ bất thường lần 3 của PNC vẫn chưa được thông qua dưới hình thức biểu quyết của cổ đông

Không tờ trình nào được thông qua, PNC vẫn có đủ... 7 ghế HĐQT

(ĐTCK) Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) bất thường lần 3 của CTCP Văn hóa Phương Nam (PNC) diễn ra hồi cuối tháng 7 vừa qua vẫn nhằm mục đích bầu bổ sung cho đủ 7 thành viên HĐQT nhiệm kỳ mới, để nhóm cổ đông nội bộ có thể toàn quyền điều hành Công ty, qua mặt nhóm cổ đông lớn đang sở hữu 62% cổ phần PNC.

Mặc dù Tòa án nhân dân Quận 11 (TP.HCM) đã chấp thuận yêu cầu hủy bỏ Nghị quyết số 01 ngày 15/2/2017 (Nghị quyết 01) của PNC theo đơn yêu cầu của Công ty Trường Phát, cổ đông lớn sở hữu hơn 24% cổ phần PNC, nhưng tại ĐHCĐ bất thường lần 3, nhóm cổ đông đang nắm giữ quyền điều hành PNC, mà đại diện là bà Phan Thị Lệ, Chủ tịch HĐQT PNC cho biết, đã kháng cáo lên Tòa án nhân dân TP.HCM về quyết định của Tòa án Quận 11.

Cụ thể, PNC không chấp nhận các nhận định của Tòa án Quận 11 về thẩm quyền ban hành Quy chế tổ chức ĐHCĐ 2017 và Quy chế bầu cử thành viên HĐQT và Ban kiểm soát nhiệm kỳ 2017-2021, cũng như không đồng ý với quyết định hủy bỏ Nghị quyết 01.

Tại ĐHCĐ bất thường lần 3, nhóm cổ đông nội bộ PNC tiếp tục không nhượng bộ, hay bày tỏ sự thiện chí để có thể hợp tác với nhóm cổ đông lớn sở hữu 62% cổ phần PNC, đại diện là Công ty Thành Vinh và Công ty Trường Phát.

Điều này thể hiện khi ông Nguyễn Việt Vương, đại diện cổ đông Trường Phát cho biết, ngày 26/6/2017, nhóm cổ đông lớn đã gửi đơn kiến nghị tới HĐQT PNC đề nghị bổ sung một số mục vào nội dung chương trình họp ĐHCĐ bất thường.

Theo quy định tại Luật Doanh nghiệp, người triệu tập ĐHCĐ phải tổ chức họp HĐQT để xem xét các nội dung họp, nhưng 2 thành viên HĐQT đại diện cho nhóm cổ đông lớn Thành Vinh và Trường Phát là ông Phạm Uyên Nguyên và ông Nguyễn Tuấn Quỳnh đã không được mời.

Bà Phan Thị Lệ, Chủ tọa Đại hội giải thích, đã nhận được đơn kiến nghị vào lúc 16h30 ngày 26/6/2017, tức trước ngày dự kiến tổ chức Đại hội chỉ 3 ngày, nên “HĐQT không đủ thời gian để tổ chức họp”, đồng thời bà Lệ cho biết “sẽ đưa các nội dung trong đơn kiến nghị này ra trước ĐHCĐ ngày 30/6/2017 (ngày dự kiến tổ chức Đại hội lần 1)”.

Việc các nhóm cổ đông, mà đại diện là các thành viên HĐQT, không thể ngồi lại với nhau để bàn bạc từng vấn đề liên quan đến PNC cho thấy, cuộc chiến quyền lực tại PNC không có sự khoan nhượng.

Khi các đơn kiến nghị của mình không được xử lý theo đúng quy trình, nhóm cổ đông lớn đã không đến tham dự ĐHCĐ bất thường trong 2 lần triệu tập đầu tiên, nên phải đến lần triệu tập thứ 3, ĐHCĐ PNC mới có thể diễn ra.

Tại kỳ họp này, với vai trò Chủ tọa, bà Phan Thị Lệ đồng ý cho biểu quyết thông qua việc bổ sung 2 (trong nhiều nội dung) kiến nghị của nhóm cổ đông lớn là tờ trình Dự thảo báo cáo HĐQT về quản trị và kết quả hoạt động của HĐQT, cũng như từng thành viên HĐQT và tờ trình về mức cổ tức được thanh toán hàng năm cho mỗi loại cổ phần.

Tuy nhiên, để vô hiệu hóa nhóm cổ đông lớn, việc biểu quyết không được tính theo tỷ lệ cổ phần, mà theo tỷ lệ cổ đông tham dự Đại hội. Kết quả, 2 tờ trình trên không được thông qua để bổ sung vào chương trình Đại hội, khi đa số cổ đông (41/46 cổ đông) đại diện cho số cổ đông dự họp biểu quyết không thông qua. Phần lớn số cổ đông đó là những cổ đông nhỏ, sở hữu chỉ vài trăm đến đến vài nghìn cổ phiếu.

Ngược lại, nhóm cổ đông lớn tiếp tục bỏ phiếu bác tất cả các tờ trình như không thông qua Báo cáo tổng kết hoạt động sản xuất-kinh doanh, Báo cáo của Ban Kiểm soát, Báo cáo Kiểm toán, Tờ trình đơn vị kiểm toán…

Riêng nội dung bầu bổ sung thành viên HĐQT theo phương thức bầu dồn phiếu được thông qua. Ông Nguyễn Hải Sản, do nhóm cổ đông gồm bà Lệ và các cổ đông khác sở hữu hơn 10% cổ phần PNC đề cử đã được bầu vào thành viên HĐQT, với tỷ lệ 37% cổ phần tham dự Đại hội.

Như vậy, bất chấp sự phản đối của nhóm cổ đông lớn, nhóm bà Lệ vẫn kiên quyết thực hiện kế hoạch tổ chức ĐHCĐ để bầu bổ sung cho đủ 7 thành viên HĐQT theo quy định tại Điều lệ Công ty. Tất cả các thành viên HĐQT của PNC nhiệm kỳ mới đều do bà Lệ và cổ đông liên quan tới bà Lệ đề cử.

Khi bầu đủ số lượng thành viên HĐQT, nhóm cổ đông nắm quyền điều hành tại PNC sẽ tiếp tục quản lý và điều hành Công ty trong tình trạng không có bất cứ tờ trình nào được thông qua tại ĐHCĐ, một trường hợp hy hữu trong hoạt động của các công ty niêm yết.

Đáng chú ý, cũng như những lần trước đây, Biên bản ĐHCĐ bất thường lần 3 của PNC tiếp tục được thông qua “bằng lời”, chứ không bằng hình thức biểu quyết của cổ đông, điều này là trái với quy định hiện hành.

Tin bài liên quan