Kết quả kinh doanh của Sabeco trong những năm qua tăng trưởng rất tích cực với doanh thu lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng mỗi năm

Kết quả kinh doanh của Sabeco trong những năm qua tăng trưởng rất tích cực với doanh thu lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng mỗi năm

Khi niêm yết, giá trị thị trường của Sabeco sẽ đạt hơn 3 tỷ USD

Với mức giá đề xuất 110.000 đồng/cổ phiếu khi được niêm yết chính thức trên HOSE, Sabeco được giới phân tích dự đoán sẽ trở thành “công ty tỷ đô” với cổ phiếu có lượng vốn hóa lên tới 70.000 tỷ đồng (hơn 3 tỷ USD) và nằm trong nhóm những doanh nghiệp lớn nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam. 

Không phải đến khi Tổng công ty Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco, mã chứng khoán SAB) chuẩn bị lên sàn, nhà đầu tư mới chú ý tới công ty này. Sabeco luôn là cái tên hấp dẫn bậc nhất trong ngành nước giải khát, được nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước “dòm ngó”.

Sức nóng của thương hiệu này càng mạnh hơn sau khi Bộ Công thương công bố sẽ thoái vốn tại nhiều tổng công ty, tập đoàn trong đó có Sabeco.

Giá cổ phiếu còn tăng mạnh

Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) vừa có quyết định chấp thuận đăng ký niêm yết cổ phiếu cho Sabeco, với mã chứng khoán SAB.

Theo quyết định này, Sabeco có vốn điều lệ trên 6.412 tỷ đồng và sẽ chính thức lên sàn từ ngày 6/12. Giá tham chiếu cho phiên chào sàn đầu tiên của SAB ở mức 110.000 đồng/cổ phiếu. Mức giá này được đánh giá là rất hấp dẫn bởi tiềm năng của Sabeco là rất lớn. Và sau khi niêm yết, Sabeco sẽ trở thành doanh nghiệp với cổ phiếu có lượng vốn hóa trên 70.000 tỉ đồng, nằm trong nhóm 5 doanh nghiệp lớn nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam. 

Dù vậy, phân tích của một số công ty chứng khoán cho thấy mức giá của Sabeco đưa ra trong ngày chào sàn vẫn còn khá rẻ so với các công ty bia khác trên thế giới. Cộng thêm triển vọng thị trường bia Việt Nam là rất lớn nên mức định giá của các doanh nghiệp bia như Habeco, Sabeco vẫn còn ở mức hấp dẫn.

Minh chứng mới đây, khi 231,8 triệu cổ phần của Habeco được chính thức giao dịch trên sàn Upcom với giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên là 39.000 đồng/cổ phiếu. Nhưng sau khi lên sàn, cổ phiếu này đã tăng trần 8 phiên liên tiếp và có lúc được giao dịch ở mức 166.400 đồng/cổ phiếu, và đến ngày 29/11, cổ phiếu này đã hạ nhiệt về quanh mức 107.000 đồng/cổ phiếu. Sức hút từ cổ phiếu của Sabeco sẽ còn lớn hơn rất nhiều nên giới phân tích cho rằng giá cổ phiếu của công ty này chắc chắn sau khi lên sàn sẽ còn tăng mạnh. Hiện Bộ Công thương đang là cổ đông lớn nhất tại doanh nghiệp này với tỷ lệ sở hữu 89,59%.

Mức giá của Sabeco đưa ra trong ngày chào sàn vẫn còn khá rẻ so với các công ty bia khác trên thế giới. 

 - Theo một số công ty chứng khoán

Theo lộ trình dự kiến việc thoái vốn của Bộ Công thương sẽ chia làm 2 đợt, với quy mô thoái vốn tính theo mức giá chào sàn lên tới hơn 63.000 tỷ đồng, tương đương khoảng 2,8 tỷ USD. Với những con số này, không phải ngẫu nhiên hàng loạt đại gia ngành bia trên thế giới đều đánh tiếng muốn trở thành cổ đông chiến lược của Sabeco, khiến cuộc đua sở hữu cổ phần tại công ty này sẽ diễn ra quyết liệt.

Sức hấp dẫn của thương hiệu lớn

Trên thực tế, không phải đến khi Sabeco rục rịch lên sàn và Bộ Công thương có kế hoạch thoái vốn tại doanh nghiệp này, cái tên Sabeco mới được nhà đầu tư quan tâm nhiều đến vậy. Bởi Sabeco hiện là doanh nghiệp bia lớn nhất Việt Nam với thị phần khoảng 43%, bỏ xa các đối thủ như Heniken, Habeco, Sapporo…  

Khi niêm yết, giá trị thị trường của Sabeco sẽ đạt hơn 3 tỷ USD ảnh 1

Thị trường bia Việt Nam là thị trường có mức tiêu thụ trong nhóm đầu của thế giới.

Kết quả kinh doanh của công ty này trong những năm qua tăng trưởng rất tích cực với doanh thu lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng mỗi năm cũng cho thấy hoạt động hiệu quả và phát triển bền vững của Sabeco.

Nhìn vào biểu đồ tăng trưởng doanh thu thuần của Sabeco trong những năm gần đây sẽ thấy tốc độ tăng trưởng ấn tượng. Nếu năm 2008, doanh thu thuần của công ty này ở mức 12.812 tỷ đồng thì đến cuối năm 2015 con số này đã tăng lên mức 27.144 tỷ đồng. Doanh thu và lợi nhuận sau thuế hợp nhất năm 2015 đều tăng trưởng so với năm trước ở mức 2 con số, lần lượt là 10,29% và 28,21%.  

Đến 9 tháng đầu năm 2016, số liệu từ Bản cáo bạch của Sabeco trước khi niêm yết cho thấy, hoạt động kinh doanh tiếp tục đạt kết quả khả quan với 21.809 tỷ đồng doanh thu và 3.658 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, cao hơn 24,4% so với cùng kỳ năm ngoái và hoàn thành mục tiêu lợi nhuận kế hoạch cả năm 2016. Và trong hai năm qua, kết quả kinh doanh của công ty này đều cao hơn trung bình ngành cho thấy quá trình phát triển hiệu quả dưới sự dẫn dắt, điều hành của ban lãnh đạo công ty.  

Ông Võ Thanh Hà, Chủ tịch Hội đồng quản trị Sabeco cho biết, công ty đã tích cực đẩy mạnh các hoạt động tiếp thị sản phẩm, cạnh tranh hiệu quả với các thương hiệu bia quốc tế khác ngay tại thị trường Việt Nam. Ngoài ra, thương hiệu Bia Sài Gòn với các sản phẩm truyền thống, uy tín, chất lượng cao từ lâu, đã nhận được sự tin cậy và ủng hộ của người tiêu dùng.  

"Đối với mặt hàng bia, công ty đã xác định chiến lược dài hơi hơn để cạnh tranh với các đối thủ. Bên cạnh việc giữ vững và tăng trưởng tại phân khúc phổ thông, hãng sẽ tập trung nguồn lực để cạnh tranh tại phân khúc cao cấp và cận cao cấp, trong đó hướng vào tầng lớp khách hàng trẻ và năng động. Báo cáo đo lường bán lẻ của AC Nielsen mới đây cũng cho thấy, trong năm ngoái và 6 tháng đầu năm nay, Sabeco đã có tăng trưởng rõ ở thị phần phân khúc cận cao cấp. Năm 2017, Sabeco cũng sẽ tung các sản phẩm mới nhằm đa dạng hóa các dòng sản phẩm, phục vụ nhu cầu khách hàng”, ông Hà cho biết.

Tin bài liên quan