319 Invest góp vốn liên danh đầu tư Dự án BOT Quốc lộ 1 đoạn Hà Nội - Bắc Giang. Ảnh Internet

319 Invest góp vốn liên danh đầu tư Dự án BOT Quốc lộ 1 đoạn Hà Nội - Bắc Giang. Ảnh Internet

“Khám sức khỏe” 319 Invest trước thềm thoái vốn

(ĐTCK) Ngày 13/9 tới, Tổng công ty 319, Bộ Quốc phòng sẽ bán đấu giá 3,6 triệu cổ phần (tương đương 36% vốn điều lệ) tại CTCP Đầu tư và thương mại 319 - một nhà đầu tư tại Dự án BOT Quốc lộ 1 đoạn Hà Nội - Bắc Giang.

Hiệu quả kinh doanh thấp, nợ vay cao

CTCP Đầu tư và thương mại 319 (319 Invest) là doanh nghiệp hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực kinh doanh vật liệu xây dựng, cho thuê văn phòng và xây dựng (dân dụng và công nghiệp). Công ty có vốn điều lệ 100 tỷ đồng, trong đó Tổng công ty 319 sở hữu 5,1 triệu cổ phần, tương đương tỷ lệ 51%.

Báo cáo tài chính của 319 Invest cho biết, năm 2016, doanh thu của Công ty đạt 295 tỷ đồng, giảm 19,1% so với năm 2015. Doanh thu giảm, nhưng chi phí lại tăng. Cụ thể, chi phí lãi vay năm 2016 là 10,4 tỷ đồng, tăng 2,7% và chi phí quản lý doanh nghiệp 15,4 tỷ đồng, tăng 8,9% khiến lợi nhuận sau thuế giảm mạnh xuống 1,3 tỷ đồng. Tỷ suất lợi nhuận sau thuế/doanh thu chỉ đạt 0,44% (năm 2015 đạt 1,36%).

Xây dựng hiện là mảng hoạt động đóng góp tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu doanh thu và lợi nhuận của 319 Invest, chiếm 67% doanh thu và 85% lợi nhuận gộp trong 2016.

Với biên lợi nhuận gộp (GOS) 11,74%, mảng xây dựng của 319 Invest có hiệu quả kinh doanh khá tốt, thậm chí còn tốt hơn nhiều tên tuổi lớn trong ngành xây dựng… Tuy nhiên, do mảng bán hàng hóa, đóng góp 32,7% doanh thu, có biên lợi nhuận gộp 4,3%, biên lợi nhuận của toàn Công ty năm 2016 chỉ đạt 9,5%.

Năm nay, 319 Invest đặt mục tiêu 373,9 tỷ đồng doanh thu và 3 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, cổ tức dự kiến 3%. Các chỉ tiêu này dù tăng trưởng lần lượt 26,7% và 130% so với thực hiện 2016, nhưng đây vẫn là con số khiêm tốn so với quy mô tài sản, nguồn vốn hiện có của Công ty.

Tại thời điểm 31/12/2016, 319 Invest có tổng tài sản 482,8 tỷ đồng, tăng 11,39% so với đầu năm, chủ yếu do khoản phải thu khách hàng và đầu tư dài hạn vào CTCP Đầu tư BOT Hà Nội – Bắc Giang tăng mạnh. Suất sinh lời trên tổng tài sản (2016) đạt 0,29%, trên vốn chủ sở hữu đạt 1,15%.

Dự án BOT Hà Nội – Bắc Giang được thành lập bởi liên danh CTCP Đầu tư Văn Phú (Van Phu Invest) – Tập đoàn Đại Dương (OGC) – Tổng công ty Vinaconex (VCG) - 319 Invest nhằm thực hiện dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1 đoạn Hà Nội - Bắc Giang theo dạng hợp đồng BOT có tổng mức đầu tư hơn 4.312 tỷ đồng, chiều dài 45,8 km đã chính thức thu phí từ tháng 5/2016. Trong liên danh này, tỷ lệ góp vốn của 319 Invest là 25%.

Tại Đại hội đồng cổ đông tổ chức đầu năm nay, 319 Invest đã thông qua việc chuyển nhượng toàn bộ 25% phần vốn góp cho Van Phu Invest với tổng giá trị (theo mệnh giá) là 124 tỷ đồng do nhận thấy dự án chưa đem lại hiệu quả, thời gian đầu tư dài cùng chi phí lãi vay lớn.

Việc thoái vốn khỏi Dự án BOT Hà Nội – Bắc Giang khó kỳ vọng đem lại lợi nhuận cho Công ty. Tuy nhiên, điểm tích cực của kế hoạch thoái vốn này là có thể giúp Công ty cơ cấu lại tình hình tài chính trong bối cảnh nợ vay gấp tới 3,2 lần vốn chủ sở hữu vào cuối năm 2016, chi phí lãi vay tăng cao, dòng tiền hoạt động kinh doanh liên tục âm, phải bù đắp bằng nợ vay như 2 năm vừa qua.

Giá bán khởi điểm ngang giá trị sổ sách

Cổ đông lớn sẽ thoái 3,6 triệu cổ phần tại 319 Invest tới đây là Tổng công ty 319 (trực thuộc Bộ Quốc phòng). Doanh nghiệp này được biết đến như là một trong số các nhà đầu tư tích cực trong lĩnh vực giao thông đường bộ theo hình thức BOT.

Hiện Tổng công ty có 7 công ty TNHH 1 thành viên, 6 công ty cổ phần nắm quyền chi phối, 7 ban quản lý dự án, 5 ban điều hành xây lắp và 3 công ty liên kết thực hiện 38 ngành nghề kinh doanh. Năm 2016, giá trị sản xuất ước đạt 9.462 tỷ đồng, doanh thu 9.394 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 198 tỷ đồng.

Việc thoái vốn tại 319 Invest được cho là một phần trong kế hoạch tái cơ cấu của Tổng công ty 319 theo Đề án Tái cấu trúc các doanh nghiệp quân đội giai đoạn 2016 - 2020 (theo hướng tập trung xây dựng các doanh nghiệp phục vụ cho phát triển công nghiệp quốc phòng và một số ngành nghề quân đội có thế mạnh) mà Bộ Quốc phòng đã phê duyệt.

Giá chào bán khởi điểm được Tổng công ty 319 đưa ra là 11.800 đồng/cổ phiều, gần với giá trị sổ sách của 319 Invest tại thời điểm cuối năm 2016 (hơn 11.400 đồng/cổ phần). Với hiệu quả kinh doanh thấp (thu nhập trên vốn cổ phần (EPS) năm 2016 chỉ đạt 132 đồng) cùng tình hình tài chính mất cân đối, mức giá này cũng là điều đáng suy nghĩ.

Đó là chưa kể, việc tiếp cận thông tin về doanh nghiệp bị hạn chế. Đến nay, dù đã bước qua hai phần ba chặng đường của năm 2017, nhưng thị trường hầu như chưa ghi nhận thông tin nào về tình hình hoạt động kinh doanh, cũng như các dự án đang hoạt động của 319 Invest.

Thông tin hạn chế, ai sẽ đấu giá doanh nghiệp này?

Tin bài liên quan