Với khối lượng cần bán giải chấp lớn, liệu sau đợt 
tăng giá này có là một đợt bán ồ ạt và giảm sàn của JVC?

Với khối lượng cần bán giải chấp lớn, liệu sau đợt tăng giá này có là một đợt bán ồ ạt và giảm sàn của JVC?

JVC gặp gỡ giới phân tích, lo nhiều hơn mừng!

(ĐTCK) Ngày 6/7/2015, CTCP Thiết bị y tế Việt Nhật (mã JVC) tổ chức cuộc gặp gỡ với một số nhà đầu tư, chuyên gia phân tích các CTCK để chia sẻ định hướng phát triển của Công ty trong giai đoạn tới. Tuy nhiên, với những gì thị trường nhận được, người ta có cảm giác… lo nhiều hơn mừng.

Vì sao nguyên chủ tịch HĐQT bị khởi tố?

“JVC gặp khó khăn và đó là lý do vì sao tôi có mặt ở đây. Chúng tôi đã gặp một số cán bộ cấp cao, nhưng được trả lời là sự việc rất phức tạp. Tôi không hiểu phức tạp nghĩa là gì, có lẽ chỉ là rất phức tạp thôi. Chúng tôi cũng không biết vì sao ông Hướng bị khởi tố, bị khởi tố có đúng không? Tôi có trao đổi với bộ trưởng 2 bộ có liên quan thì chưa có được câu trả lời, nhưng hứa sẽ báo cáo lại vấn đề này lên Thủ tướng”, Giám đốc điều hành DI Asian Industrial Fund - cổ đông lớn nhất tại JVC phát biểu tại cuộc gặp.

Theo vị này, trong 3 ngày tới, JVC sẽ tiếp tục làm việc với các quan chức cấp cao để hy vọng có thêm thông tin và có thể chia sẻ nhiều hơn với thị trường thông tin chi tiết về vấn đề này.

Phát biểu tại sự kiện này, ông Kyohei Hosono, tân Chủ tịch HĐQT JVC cho biết, ngày 8/6, Công an Hà Nội đã mời ông Lê Văn Hướng, khi đó là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty và một số thành viên của Công ty đến hợp tác điều tra một số vấn đề.

Ngày 17/6, cơ quan cảnh sát điều tra TP. Hà Nội gửi thông báo bắt tạm giam với ông Lê Văn Hướng, nhưng phải đến tận ngày 23/6, JVC mới nhận được thông báo này.

Đó là lý do vì sao trước đó JVC vẫn ra thông báo khẳng định mọi hoạt động của Công ty vẫn bình thường. Mặc dù vậy, vẫn có vấn đề đặt ra là, vì sao JVC kịp miễn nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc của ông Hướng ngay trước ngày nhận được thông báo? Có lẽ đây vẫn là ẩn số mà ngoài JVC, chưa ai có thể trả lời thay!

Trong phần hỏi đáp với các khách mời, khi được đề nghị lượng hóa mức độ thiệt hại từ “sự kiện ông Hướng”, ông Kyohei cho rằng: “Chúng tôi chỉ biết phải hợp tác với cơ quan điều tra và tìm cách tối thiểu hóa thiệt hại có thể có cho JVC từ việc ông Hướng bị khởi tố và bắt tạm giam”, dù trước đó trong phần phát biểu của mình, thay mặt cho Ban lãnh đạo mới JVC, vị này cũng đã đưa ra lộ trình khá chi tiết trong việc khôi phục kinh doanh của Công ty: từ đổi mới hệ thống quản trị, tìm kiếm phương án nhân sự chất lượng cao thay thế, gặp gỡ và duy trì niềm tin với khách hàng...

Thế nhưng, đâu mới thực sự là nỗi lo của cổ đông JVC liên quan đến việc ông Hướng bị khởi tố?

Đó chính là việc cần một đáp án cho câu hỏi: “Vì sao ông Hướng bị khởi tố?”, bởi phía sau đó có thể là những hệ quả tài chính khác mà JVC có thể phải chịu.

Câu chuyện ông Hà Văn Thắm tại Ocean Bank và hệ quả nặng nề mà Ocean Group phải gánh chịu về mặt tài chính chắc chắn là một bài học mà NĐT phải rút kinh nghiệm cho những tình huống khác.

JVC sẽ chỉ mất đi một người dẫn dắt kinh doanh - người mà như nhận xét của các cổ đông JVC là có kỹ năng bán hàng rất tốt với quan hệ rộng khắp với các bệnh viện (khách hàng chính của Công ty), hay sẽ phải chịu những tổn thất tài chính phát sinh nào nữa là điều NĐT rất quan tâm? Tiếc là vẫn chưa tìm được câu trả lời, bởi ngay người trong cuộc còn chưa nắm rõ, thì NĐT bên ngoài bao giờ mới biết? 

Nỗi lo thông tin mập mờ

465,787 tỷ đồng tiền mặt tại quỹ thời điểm 31/3/2015 là con số khiến thị trường nghi ngờ, vì nó quá lớn so với nhu cầu tiền mặt và khả năng bảo quản thông thường. Thế nhưng, trả lời câu hỏi của ĐTCK về thực trạng khoản tiền này, tân Chủ tịch HĐQT JVC chỉ cho biết, Công ty đang trong giai đoạn tổng hợp sổ sách và sẽ có báo cáo chi tiết.

Tương tự như vậy, với vấn đề chất lượng, khả năng thu hồi các khoản phải thu của JVC, khi Công ty có tới hơn 650 tỷ đồng khoản phải thu, bao gồm 616,5 tỷ đồng khoản phải thu khác; hay thực trạng các khoản vay (do JVC không công bố tên các chủ nợ), có nguy cơ bị đòi nợ trước hạn hoặc khó vay vốn kinh doanh tiếp hay không, vị này cũng chỉ cho biết rất chung chung về việc đang làm việc với các khách hàng và chủ nợ để thu hồi vốn và tiếp tục vay vốn, thông tin chi tiết sẽ có khi tổng hợp xong vào BCTC.

Chỉ có 1 chi tiết đáng lưu ý là, theo ông Kyohei, một số khách hàng muốn chậm trả nợ vì JVC đang gặp trục trặc, “nhưng chúng tôi đã thuyết phục khách trả nợ vì Công ty vẫn tiếp tục hoạt động”.

Kết quả kinh doanh quý II/2015 (tức quý I năm tài chính 2015 - 2016) của JVC đến thời điểm này vẫn đang nằm trong vòng… bí mật do yếu tố sổ sách giấy tờ. “JVC có hệ thống quản trị kém và chúng tôi sẽ đổi mới điều này”, ông Kyohei nói.

Kết quả kinh doanh thì có thể hiểu là cần thời gian để tổng hợp; khoản phải thu, với tình trạng chỉ lưu trữ thuần dạng file excel mà không có hệ thống, cũng có thể dễ hiểu. Thế nhưng, số dư tiền mặt mà cũng phải chờ đợi, thì rõ ràng JVC chưa thực sự thuyết phục được người nghe về khả năng chèo lái hoặc mức độ minh bạch thông tin của Ban lãnh đạo mới.

Bày tỏ quan điểm của mình, một đại diện cho Vietnam Equity Holding - cổ đông lớn hiện sở hữu 6,29% vốn điều lệ của Công ty cho rằng, JVC đã rất chậm ứng phó với các tin đồn gây thiệt hại cho NĐT.

“JVC đã làm rất tốt công việc huy động vốn của NĐT, nhưng lại thiếu đi cơ chế bảo vệ NĐT. Nếu không bảo vệ tốt NĐT thì lần sau chúng ta có tăng vốn được nữa không? Không thể nói một câu xin lỗi là xong được. Tôi đề nghị Công ty nên có một bộ quy tắc ứng xử, đặc biệt là công bố thông tin với những trường hợp khẩn cấp”, vị này nói.

Trao đổi bên lề cuộc gặp gỡ NĐT, lãnh đạo một công ty quản lý nước ngoài - cũng là cổ đông của JVC cho biết: “Tôi biết rằng đến đây sẽ không thu thập được thêm thông tin gì, vì còn một vài điểm tôi tin phía Công ty vẫn giấu”. 

“Bóng ma” giải chấp vẫn còn lớn

Cổ phiếu JVC bị bán tháo đồng loạt, giảm giá từ mức hơn 22.000 đồng/cổ phiếu (ngày 8/6) về mức thấp nhất là 7.600 đồng/cổ phiếu (kết thúc phiên giao dịch ngày 1/7).

Với sự sụt giảm này, JVC đã bị các CTCK thực hiện bán giải chấp, trong đó riêng vợ chồng ông Hướng bị bán xấp xỉ 4 triệu cổ phiếu. Từ phiên giao dịch ngày 2/7, cổ phiếu JVC bắt đầu tăng trần khiến nhiều NĐT tin rằng, JVC đã qua được áp lực giải chấp và bắt đầu vào giai đoạn hồi phục. Nhưng, điều kỳ vọng này có đúng?

Tìm hiểu của ĐTCK cho thấy, trước sự kiện ông Hướng bị khởi tố và bắt tạm giam, cổ phiếu JVC đã được mang đi cầm cố khá nhiều nơi, trong đó có công ty nhận cầm cố tới 14 triệu cổ phiếu, một vài CTCK có các khoản cầm cố với khối lượng là 7 triệu cổ phiếu, 5 triệu, 2 triệu cổ phiếu…

Thống kê này mới chỉ tính cổ phiếu đi cầm cố, chưa tính cổ phiếu khách hàng lẻ tự vay margin để mua. Điều này có nghĩa là, tổng khối lượng cổ phiếu cần bán giải chấp ở mức rất cao, trong khi khối lượng được bán giải chấp trước ngày JVC tăng giá trở lại chỉ khoảng 10 triệu cổ phiếu.

“Không ngoại trừ khả năng các CTCK có vướng cho vay đầu tư JVC đã đạt được thỏa thuận ngừng bán và chờ đợi giá tăng để tiếp tục bán ra”, Phó tổng giám đốc một CTCK nói.

Trong khi đó, trả lời chất vấn của NĐT, ông Kyohei cho biết, cổ phiếu của vợ chồng ông Hướng được cầm cố ở một số CTCK, JVC đã làm việc và thỏa thuận với các CTCK nhằm dừng việc bán giải chấp này. Vậy, thỏa thuận này sẽ kéo dài được bao lâu? Phía sau đợt tăng giá lần này của JVC có đi kèm với một đợt âm thầm bán hàng giải chấp hay không vẫn còn là 1 ẩn số. Liệu sau đợt tăng giá này có là một đợt bán ồ ạt và giảm sàn của JVC?

Tin bài liên quan