Jetstar Pacific Airlines dần phục hồi sau thua lỗ

Đã xuất hiện những chỉ dấu quan trọng cho thấy quá trình tái cơ cấu Jetstar Pacific Airlines (JPA) - hãng hàng không liên doanh với nước ngoài đầu tiên tại Việt Nam đang đi đúng hướng.

Lợi nhuận của JPA 9 tháng đầu năm 2015 đạt 80 tỷ đồng

Lợi nhuận của JPA 9 tháng đầu năm 2015 đạt 80 tỷ đồng

Lần đầu có lãi

Sau gần 4 năm vật vã tái cơ cấu, các cổ đông của JPA là Vietnam Airlines (67,8% vốn điều lệ), Qantas của Australia (30% vốn điều lệ) và Saigontourist (2,14% vốn điều lệ) đã bắt đầu được thu được những thành quả đầu tiên.

Theo thông tin được 2 cổ đông lớn phát đi hồi đầu tuần này sau cuộc họp cấp cao giữa Vietnam Airlines, Qantas và Jetstar Group - Công ty con của Qantas Group tại Sydney, kết quả kinh doanh của hãng hàng không liên doanh với nước ngoài trong 9 tháng đầu năm 2015 này là rất sáng sủa.

Cụ thể, doanh thu thuần của JPA đã đạt 3.410 tỷ đồng, vượt cả năm 2014 hơn 200 tỷ đồng; lợi nhuận đạt 80 tỷ đồng…, trong khi vẫn còn gần 3 tháng nữa mới kết thúc năm kế hoạch. Mặc dù còn khá khiêm tốn, song đây là dòng lợi nhuận dương đầu tiên của JPA trong gần 10 năm trở lại đây.

Được biết, với đội tàu bay gồm 12 chiếc (tăng 7 chiếc so với năm 2012), trong đó có 2 chiếc A321, 10 chiếc A320 khai thác 32 đường bay nội địa và quốc tế (ghế suất bình quân 89 - 90%);… sản lượng vận chuyển khách của JPA năm 2015 có thể vượt quá 4 triệu lượt khách, tăng 2,3 lần so với năm 2012.

So với kế hoạch sản xuất - kinh doanh 5 năm (2014 - 2018) được cổ đông lớn nhất của JPA là Vietnam Airlines đề ra, thời điểm có dòng lợi nhuận dương của Hãng tuy đến chậm hơn 1 năm, nhưng tổng lợi nhuận năm 2015 có thể cao gấp nhiều lần.

Trước đó, với trách nhiệm quản lý vốn đầu tư ra ngoài doanh nghiệp, Vietnam Airlines đã chỉ đạo người đại diện vốn góp tại JPA xây dựng kế hoạch sản xuất - kinh doanh 5 năm (2014 - 2018) dựa trên kịch bản phát triển của công ty mẹ, dự báo thị trường hàng không trong và ngoài nước cũng như lộ trình tăng vốn điều lệ đã được các cổ đông chính phê duyệt.

Chiểu theo bản kế hoạch từng nhận không ít nghi ngờ đó, JPA đã bắt đầu cắt lỗ và có lãi trở lại với khoản lợi nhuận trước thuế khoảng 0,71 tỷ đồng kể từ năm 2014. Khoản lợi nhuận này sẽ tiếp tục tăng lên 11 tỷ đồng vào năm 2015; 80 tỷ đồng năm 2016… Tính chung cả giai đoạn, tổng lợi nhuận trước thuế của JPA dự kiến đạt khoảng 516 tỷ đồng; tình hình tài chính được cải thiện và đi vào ổn định.

“Ngoài việc được hưởng lợi từ giá dầu giảm, thị trường hàng không nội địa tăng trưởng mạnh trong những tháng đầu năm 2015, quá trình tái cơ cấu toàn diện đúng hướng với sự hỗ trợ lớn từ các cổ đông chính là Vietnam Airlines và Qantas đã mang lại những tín hiệu tích cực trong kết quả kinh doanh của JPA”, ông Lê Hồng Hà, Tổng giám đốc JPA cho biết.

Kỳ vọng bước ngoặt lớn

Cần phải nói thêm rằng, thời điểm trước khi bàn giao vốn nhà nước về Vietnam Airlines (31/12/2011), tài chính của JPA khá khó khăn, với số lỗ lũy kế đã lên tới hơn 2.000 tỷ đồng.

Trên thực tế, bước ngoặt đối với hãng hàng không được thành lập từ năm 1992 này chỉ đến khi Thủ tướng Chính phủ giao Vietnam Airlines tiếp nhận phần vốn nhà nước tại JPA từ Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC).

Theo ông Phạm Viết Muôn, nguyên Phó trưởng ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp, đây là một quyết định chính xác, bởi chỉ có Vietnam Airlines mới đủ uy tín để đàm phán với đối tác ngoại mới nhằm xoay chuyển cục diện kinh doanh của JPA khi đó đã cận kề bờ vực phá sản.

Trước những khó khăn về tài chính của JPA, ngay sau khi tiếp nhận, cùng với sự hợp tác từ phía các cổ đông khác, Vietnam Airlines đã triển khai ngay các giải pháp hỗ trợ để tái cấu trúc toàn diện hoạt động của JPA.

Được biết, nếu như bơm thêm tài chính thông qua 2 đợt tăng vốn điều lệ được coi là động lực quan trọng (tính đến cuối năm 2014, Vietnam Airlines đã bổ sung tổng cộng 921 tỷ đồng), thì việc thay đổi đội tàu bay từ B737 sang A320, tái cấu trúc nhân sự để giảm chi phí và áp dụng chiến lược phát triển thương hiệu kép Vietnam Airlines - JPA là ba giải pháp có nghĩa quyết định mang lại thành công bước đầu trong quá trình tái cơ cấu JPA.

“Khi mới nhận lại JPA từ SCIC, đội bay bao gồm 7 chiếc (2 chiếc A320 và 5 chiếc B737-400). Tổng công ty đã chỉ đạo tiến hành tái cơ cầu đội bay từ đội bay hỗn hợp vừa A320 và B737 bình quân trên 15 năm tuổi sang đội bay chỉ toàn A320 và trẻ hóa đội bay”, đại diện Vietnam Airlines cho biết.

Đối với Qantas, bên cạnh việc giảm 50% khoản nợ tiền hedging; góp vốn bổ sung khi tăng vốn điều lệ năm 2012 và 2014; chịu phần chênh lệch tiền lương trả cho nhân viên là người của Qantas Group…, đối tác nước ngoài này còn hỗ trợ JPA trong việc tư vấn thiết lập hệ thống dịch vụ suất ăn, bán hàng miễn thuế trên các chuyến bay quốc tế…

“Kể từ khi Vietnam Airlines tham gia là cổ đông chính của JPA năm 2012, chúng tôi đã cùng nhau cải tổ lại JPA thành công”, ông Alan Joyce, Tổng giám đốc Tập đoàn Qantas nhấn mạnh.

Được biết, Vietnam Airlines và Tập đoàn Qantas đã đạt được thỏa thuận tăng cường đầu tư để mở rộng quy mô của JPA.

Cụ thể, hai cổ đông lớn đã đạt được thỏa thuận tiếp tục đầu tư phát triển JPA theo mô hình hãng hàng không giá rẻ có quy mô đủ lớn để đảm bảo cạnh tranh với các hãng hàng không giá rẻ khác. Vietnam Airlines sẽ tiếp tục cùng JPA thực hiện chiến lược thương hiệu kép, đa dạng hóa dải sản sản phẩm, đáp ứng ngày một tốt hơn nhu cầu của khách hàng.

Tin bài liên quan