Ông Văn Đức Mười, Tổng giám đốc Vissan tiếp xúc với đại diện các tổ chức đầu tư trước thềm IPO

Ông Văn Đức Mười, Tổng giám đốc Vissan tiếp xúc với đại diện các tổ chức đầu tư trước thềm IPO

IPO Vissan, thấy gì qua khối lượng đăng ký khủng?

(ĐTCK) Không nằm ngoài dự đoán của giới đầu tư, khối lượng đăng ký mua cổ phần của CTCP Kỹ nghệ súc sản Việt Nam (Vissan) trong đợt đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) của công ty này rất cao, gấp tới 6 lần khối lượng cổ phần được đưa ra đấu giá. 

Đáng nói là trong số 142 nhà đầu tư đăng ký mua cổ phần, có tới 13 tổ chức đầu tư; trong đó, có 6 nhà đầu tư tổ chức trong nước và 7 nhà đầu tư tổ chức nước ngoài.

Một cán bộ theo dõi đấu giá cổ phần tại Sở GDCK TP. HCM (HOSE) chia sẻ, hầu hết các cuộc đấu giá cổ phần gần đây, không tính cuộc đấu giá của Cảng hàng không Việt Nam (ACV), khối lượng đăng ký mua thường chỉ gấp đôi ba lần khối lượng đăng ký. Thậm chí, nhiều công ty chỉ mong bán hết lượng cổ phần đấu giá đã là mừng. Tỷ lệ đăng ký mua gấp 6 lần lượng hàng bán trong cuộc IPO vào ngày 7/3 tới của Vissan là hiếm có trên TTCK.

Điểm nổi bật của cuộc đấu giá này là thu hút được nhiều nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là nhà đầu tư tổ chức. Khối lượng đăng ký đấu giá cao vọt chính là do khối lượng đăng ký của nhà đầu tư tổ chức cao.

Các nhà đầu tư tổ chức trong nước và nước ngoài cân bằng lực lượng, khi mỗi bên đăng ký mua tổng số gần 23 triệu cổ phần, cao gấp hai lần số cổ phần được đưa ra chào bán (11,33 triệu cổ phần).

Các nhà đầu tư cá nhân lo ngại, với khối lượng đăng ký như vậy, cơ hội mua cổ phần Vissan của họ trong đợt đấu giá này là rất thấp, nếu không chấp nhận trả giá cao.

Trong khi đó, nhiều nhà đầu tư tổ chức lại có những lo ngại rất riêng, xuất phát từ việc có hai nhà đầu tư là Masan và CJ (Hàn Quốc) ganh đua nhau trở thành cổ đông chiến lược. Tỷ lệ chào bán cho cổ đông chiến lược của Vissan chỉ tương đương 14% vốn cổ phần. Tỷ lệ này rất khó để nhà đầu tư có tiếng nói trong Công ty để thể hiện vai trò chiến lược của mình.

Với quyết tâm trở thành nhà đầu tư chiến lược thực sự, không loại trừ khả năng các ứng cử viên đối tác chiến lược sẽ thông qua một đối tác khác để tìm cách thâu tóm toàn bộ cổ phần bán đấu giá lần đầu, cũng tương đương khoảng 14% cổ phần.

Nếu sở hữu được 28% vốn cổ phần, thông qua IPO và đấu giá trở thành cổ đông chiến lược, sau đó có thể mua thêm phần vốn nhà nước thoái vốn ở các lần sau thì một nhà đầu tư đủ tỷ lệ sở hữu để có tiếng nói có trọng lượng, sau đó tiến đến có tiếng nói quyết định tại Vissan.

Như giới đầu tư quan sát, sau các cuộc M&A của Masan, hầu như tập đoàn này đều sở hữu từ 50% vốn cổ phần trở lên ở đối tượng M&A, chứ ít khi dừng ở mức dưới 50% trong vai trò của nhà đầu tư đơn thuần.

Số lượng đăng ký khủng của các tổ chức đầu tư trong nước và nước ngoài cho thấy, có khả năng xảy ra kịch bản một tổ chức nào đó đăng ký mua toàn bộ cổ phần IPO hoặc làm “sân sau” cho không phải một mà hai, ba ứng cứ viên cổ đông chiến lược. Kết quả cuộc IPO sẽ hứa hẹn nhiều bất ngờ về mức giá cũng như số lượng nhà đầu tư trúng đấu giá.

Chia sẻ cảm nhận về kết quả đăng ký IPO, ông Văn Đức Mười, Tổng giám đốc Vissan nói: “Cũng bất ngờ vì mình có “chảnh chọe” một chút mà khối lượng đăng ký mua vẫn cao”. Trước đó, trong ngày 23 và 24/2, Vissan đã tổ chức 3 cuộc gặp gỡ nhà đầu tư nhằm trả lời các câu hỏi cung cấp thêm thông tin cho nhà đầu tư quan tâm đến cổ phiếu Vissan.

Có hơn 60 người đại diện cho khoảng 20 tổ chức là các quỹ đầu tư, ngân hàng, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đến tham dự.

Ông Mười cho biết, một điểm khiến nhà đầu tư không vui lắm là tỷ lệ sở hữu nhà nước tại Vissan sau cổ phần hóa còn cao tới 65%. Lý do là, Vissan với vai trò là doanh nghiệp chủ lực tại TP. HCM trong hoạt động bình ổn thị trường, đặc biệt là phân khúc thịt tươi sống và thực phẩm chế biến cần duy trì vai trò này trong thời gian nhất định.

Mặt khác, Vissan đang thực hiện đổi mới công nghệ, xây dựng cụm công nghiệp chế biến khi hoàn thành sẽ đem lại giá trị mới cho doanh nghiệp, cho cổ đông nhà nước. Sau này khi thoái vốn tiếp thì khoản đầu tư đó nằm trong giá trị doanh nghiệp.

“Với yêu cầu cải cách đổi mới doanh nghiệp nhà nước hiện nay, tôi tin rằng, lộ trình thoái vốn nhà nước tại Vissan xuống 51% và thấp hơn sẽ không chậm”, ông Mười nói.

Còn nhiều người tin rằng, với Bí thư thành ủy mới Đinh La Thăng thì công tác đổi mới, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước ở TP. HCM nói chung và ở Vissan nói riêng sẽ có nhiều bước tiến nhanh và đột phá về cách làm.

Tin bài liên quan