Hòa Phát sẵn sàng cạnh tranh với thép Trung Quốc

Trong 6 tháng đầu năm, Tập đoàn Hòa Phát (HPG) đã đạt kết quả ấn tượng với 1.874 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế và 13.339 tỷ đồng doanh thu. Trong đó, đóng góp từ mảng kinh doanh liên quan đến thép xây dựng chiếm 48% lợi nhuận và 54% doanh thu.
Hòa Phát sẵn sàng cạnh tranh với thép Trung Quốc

Sản lượng thép xây dựng tiêu thụ của HPG nửa đầu năm 2014 đạt 445.000 tấn và hiện chiếm 18% thị phần, đứng đầu các doanh nghiệp thép.

Cũng trong tháng 6/2014, lần đầu tiên, HPG xuất khẩu thép tròn cuộn vào thị trường Australia và ký hợp đồng cung cấp thép xây dựng cho các đối tác tại Lào. Ngoài ra, đã có 72.000 tấn phôi thép được HPG xuất khẩu vào thị trường ASEAN.

Ông Trần Đình Long, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát (HPG) cho biết, HPG có ý định mở rộng thị phần tiêu thụ của Thép Hòa Phát tại miền Trung và miền Nam, dù những nơi này đã có các doanh nghiệp thép lâu năm và có tên tuổi. Việc này đang được hiện thực hóa mạnh mẽ khi tổng kho mặt hàng thép xây dựng tại thị trường miền Nam của HPG ở KCN Sóng Thần (Bình Dương) đã được mở rộng quy mô trong năm 2013 so với khi bắt đầu hoạt động hồi năm 2009.

Mặt khác, HPG cũng đang cân nhắc tới việc mua lại hoặc đầu tư mới nhà máy cán thép để có sản phẩm cung cấp ngay cho thị trường phía Nam sau khi đã có lợi thế về phôi do mình tự sản xuất ở miền Bắc.

Mục tiêu năm 2014 của HPG là đạt lợi nhuận sau thuế khoảng 150 triệu USD (khoảng 3.200 tỷ đồng) và kinh doanh thép vẫn chiếm chủ yếu. Năm 2013, HPG đã đạt lợi nhuận sau thuế là 2.010 tỷ đồng, trong đó, nhóm ngành sản xuất thép và các lĩnh vực liên quan (như sản xuất quặng, luyện phôi...) đóng góp 1.668 tỷ đồng.

Đến năm 2018, khi Khu vực Mậu dịch tự do ASEAN - Trung Quốc có hiệu lực, thuế nhập khẩu thép xây dựng từ Trung Quốc vào Việt Nam sẽ về 0%, so với mức 15% hiện nay. Để chuẩn bị cho cuộc cạnh tranh này, ngay từ khi đầu tư giai đoạn I và II Khu liên hợp Gang thép tại Hải Dương, HPG đã chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện và mặt bằng để triển khai giai đoạn III không tốn thời gian và vốn đầu tư.

Hiện HPG tập trung cho việc xây dựng lò cao số 3 công suất 750.000 tấn/năm tại Khu liên hợp Gang thép Hòa Phát tại Hải Dương, với kế hoạch hoàn thành dự án vào đầu năm 2016. Sau khi hoàn thành, sản lượng thép xây dựng toàn Tập đoàn ước đạt 2 triệu tấn/năm. Quá trình đầu tư giai đoạn III với quy mô vốn 3.000 tỷ đồng, HPG cũng tự tin không phải vay vốn. “Hàng năm, HPG có lợi nhuận khá, nhưng không chia cổ tức nhiều, mà dành để đầu tư, bởi chúng tôi muốn đi đường dài với sự chắc chắn”, ông Long nói.

Nếu tính thời gian đầu tư 18 tháng và quy mô 3.000 tỷ đồng mà không cần vay vốn, có thể thấy rõ lợi thế của HPG về chi phí tài chính trong sản xuất. Hiện chi phí tài chính cho sản xuất thép của nhiều đơn vị là 800 - 1.000 đồng/kg, nhưng tại HPG, con số này chỉ bằng non nửa.

Mục tiêu của HPG là đạt 25% thị phần thép xây dựng khi lò cao thứ 3 đi vào hoạt động (năm 2016). Mục tiêu này chắc chắn khiến không ít doanh nghiệp thép nội địa hiện nay e ngại, bởi sẽ phải cạnh tranh quyết liệt với HPG, một doanh nghiệp cũng hiểu thị trường và nội địa như mình.

Với việc đầu tư lò cao quy mô 750 m3 (lớn nhất trong các doanh nghiệp nội đang làm thép) để phục vụ sản xuất phôi và cán thép, HPG khá tự tin về việc có chi phí sản xuất tốt để xuất khẩu phôi sang ASEAN, cũng như cạnh tranh với Trung Quốc. Hiện tại, phôi của HPG xuất khẩu sang các nước ASEAN với giá khoảng 510 USD/tấn, trong khi phôi bán ra của Trung Quốc khoảng 490 USD/tấn.     

Tin bài liên quan