Hiệu quả của công bố thông tin chủ động, nhìn từ câu chuyện PNJ

Hiệu quả của công bố thông tin chủ động, nhìn từ câu chuyện PNJ

(ĐTCK) Việc chủ động công bố thông tin sau khi nguyên lãnh đạo bị khởi tố đã xóa bỏ những tin đồn bất lợi cho PNJ. Cổ phiếu này sau vài phiên điều chỉnh đã tăng điểm trở lại trong phiên 14/6.

Cổ đông PNJ và “nỗi ám ảnh” mang tên DAB

Ngày 11/6/2018, CTCP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) đã công bố thông tin về việc bà Nguyễn Thị Cúc xin từ nhiệm khỏi vị trí thành viên Hội đồng quản trị, người công bố thông tin PNJ và chức danh thành viên Hội đồng quản trị tại công ty con theo nguyện vọng cá nhân.

Một ngày sau khi từ nhiệm, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C46) ra quyết định khởi tố bị can, lệnh khám xét và lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với bà Nguyễn Thị Cúc về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng theo quy định tại Điều 360, Bộ luật Hình sự năm 2015 liên quan đến vụ án tại Ngân hàng TMCP Đông Á (DAB).

Thông tin lập tức khiến cổ phiếu PNJ chao đảo với 3 phiên giảm điểm liên tiếp từ 11 - 13/6.

Đây không phải lần đầu tiên cổ đông của PNJ lao đao vì những thông tin liên quan đến biến động tại DAB từ khi ngân hàng này rơi vào diện kiểm soát đặc biệt (tháng 8/2015). Ngày 13/8/2015, khi DAB trở thành ngân hàng thứ 10 trong toàn hệ thống được kiểm soát đặc biệt và bị tái cơ cấu, cổ phiếu PNJ đã đóng cửa giảm kịch biên độ. Tính chung nửa đầu tháng 8/2015, thị giá PNJ giảm 25%, dù doanh nghiệp vừa công bố kết quả kinh doanh đầy tích cực.

Thực tế, trước thời điểm bị kiểm soát đặc biệt, DAB đang là khoản đầu tư tài chính lớn nhất của PNJ (PNJ sở hữu 38,5 triệu cổ phiếu DAB, tương đương 7,7% vốn DAB, giá vốn 395 tỷ đồng). Do vậy, việc giá PNJ giảm mạnh trước biến động tại DAB là hoàn toàn có cơ sở. Trong quý IV/2015, việc tăng cường trích lập dự phòng khoản đầu tư vào DAB đã khiến lợi nhuận sau thuế cả năm của PNJ giảm gần 40% dù lợi nhuận gộp tăng trưởng.

Tuy vậy, trong 3 năm trở lại đây, sự liên quan của PNJ và DAB đã giảm đáng kể. Báo cáo tài chính của PNJ cho biết, đến cuối năm 2016, tỷ lệ trích lập dự phòng khoán đầu tư vào DAB đã đạt 100%. Tại Đại hội đồng cổ đông 2017, lãnh đạo PNJ khẳng định, giữa PNJ và DAB chỉ còn mối liên hệ duy nhất ở khoản vay dài hạn trị giá 40 tỷ đồng và đến 31/12/2017 đã được trả xong.

Như vậy, trong trường hợp kịch bản xấu nhất mà nhà đầu tư lo ngại là DAB có thể bị mua lại với giá 0 đồng như trường hợp của Ocean Bank, CB Bank… PNJ cũng không bị phát sinh thêm chi phí tài chính. Tại Đại hội đồng cổ đông 2018, lãnh đạo PNJ nhiều lần nhấn mạnh, PNJ không có liên quan và bị ảnh hưởng gì từ những vấn đề của DAB.

Thậm chí, trong làn sóng tái cấu trúc hệ thống ngân hàng yếu kém đem lại nhiều kết quả tích cực trong 2017 - 2018, nhiều cổ đông PNJ còn kỳ vọng, trích lập dự phòng tại DAB là “khoản để dành” của PNJ khi các vấn đề tại DAB được giải quyết dứt điểm và cổ phiếu được phép giao dịch trở lại, PNJ có thể thoái vốn với giá tốt để hoàn nhập dự phòng.

Hầu hết báo cáo phân tích của các công ty chứng khoán đồng thuận với quan điểm không xem khoản đầu tư vào DAB là một rủi ro dưới góc độ tài chính của PNJ. Thế nhưng, mỗi biến động liên quan đến DAB thời gian qua vẫn luôn có ảnh hưởng đến giao dịch cổ phiếu doanh nghiệp kinh doanh vàng bạc đá quý này.

Gần đây nhất, trong thời gian từ 2/4 - 9/4/2018, khi thông tin ông Trần Phương Bình, nguyên Tổng giám đốc DAB bị truy tố được công bố (ngày 3/4/2018), cổ phiếu PNJ đã mất 10,2% giá trị với 6 phiên giảm liên tiếp, bất chấp VN-Index liên tục tăng và thiết lập mức đỉnh mới trong lịch sử thị trường chứng khoán Việt Nam tại 1.204 điểm trong phiên 9/4.

Rõ ràng, dù mối quan hệ tài chính đã được xử lý dứt điểm, nhưng mối quan hệ về nhân sự, quản trị với DAB vẫn khiến nhà đầu tư lo ngại nghĩa vụ pháp lý có thể phát sinh với PNJ khi lãnh đạo cấp cao vướng vòng lao lý, cũng như ảnh hưởng lên mảng kinh doanh mà các lãnh đạo bị khởi tố phụ trách.

Chủ động công bố thông tin: Thượng sách

Không chỉ tại Việt Nam, trên thế giới, hoạt động của nhiều doanh nghiệp mang đậm dấu ấn người lãnh đạo, thậm chí tên tuổi cá nhân gắn liền với thương hiệu của doanh nghiệp, mỗi phát ngôn, hành động được nhà đầu tư quan tâm cũng như tác động mạnh đến giá cổ phiếu.

Thực tế, những năm qua, không ít cổ phiếu đang đang được đánh  giá rất tốt  đột ngột lao dốc khi lãnh đạo vướng vòng lao lý.

Chẳng hạn, tháng 8/2012, cổ phiếu ACB của Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) đã mất gần 20% giá trị sau 3 phiên giao dịch khi ông Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị bị bắt. Cú sốc này cùng những khó khăn của ngành ngân hàng và thị trường chứng khoán khiến cổ phiếu ACB phải mất gần 4 năm mới lấy lại được mức giá trước đó.

Không may mắn như cổ đông ACB, với nhà đầu tư vào CTCP Dược Viễn Đông (DVD), CTCP Thiết bị y tế Việt Nhật (JVC), Tập đoàn Đại Dương (OGC)…, khoản đầu tư gần như mất trắng sau khi lãnh đạo doanh nghiệp bị khởi tố.

Năm 2010, cổ phiếu DVD đang là hàng “hot” trên thị trường. Tuy nhiên, việc ông Lê Văn Dũng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc DVD bị phát hiện chủ mưu thao túng cổ phiếu DHT của CTCP Dược Hà Tây và làm giá DVD đã khiến thị giá DVD lao dốc từ hơn 100.000 đồng/cổ phiếu về hơn 3.000 đồng/cổ phiếu trước khi bị hủy niêm yết.

Với OGC, sau khi ông Hà Văn Thắm bị bắt vào tháng 10/2014, thị giá cổ phiếu đã giảm mạnh từ mức gần 15.000 đồng/cổ phiếu về hơn 2.000 đồng/cổ phiếu hiện nay với tình trạng kinh doanh liên tục thua lỗ. Hay cổ phiếu JVC cũng bước vào chuỗi lao dốc không phanh từ hơn 20.000 đồng/cổ phiếu xuống hơn 3.000 đồng/cổ phiếu hiện nay sau khi ông Lê Văn Hướng, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc bị khởi tố vào tháng 6/2015.

Lãnh đạo bị khởi tố cùng hàng loạt vi phạm tài chính, quản trị bộc lộ sau đó khiến niềm tin nhà đầu tư giảm sút, giá cổ phiếu giảm thê thảm.

Trải qua nhiều kinh nghiệm “đau thương”, nhà đầu tư ngày càng nhạy cảm với thông tin lãnh đạo vướng vòng lao lý. Tin đồn liên quan đến lãnh đạo cũng là nhóm thường xuyên được các “đội lái” sử dụng nhằm gây biến động bất thường đến giá cổ phiếu, mà PNJ không phải là ngoại lệ.

Ngay sau thông tin nguyên lãnh đạo bị khởi tố và cổ phiếu chao đảo, PNJ đã gửi thông cáo thông tin chi tiết về vụ việc. Theo đó, PNJ cho biết, bà Cúc đã không còn tham gia vào hoạt động của PNJ kể từ khi từ nhiệm vị trí Tổng giám đốc vào ngày 31/5/2017 và việc tham gia vai trò Trưởng ban Kiểm soát DAB của bà Cúc là với tư cách độc lập, chứ không đại diện cho PNJ. Qua đó, PNJ khẳng định, việc bà Cúc từ nhiệm không ảnh hưởng đến hoạt động điều hành của Công ty và Hội đồng quản trị; đồng thời khẳng định, PNJ không liên quan đến trách nhiệm pháp lý với vụ án tại DAB.

Cũng trong thông cáo này, PNJ đã chia sẻ những thông tin tích cực về kết quả kinh doanh trong 5 tháng đầu năm 2018, với doanh thu đạt 6.489 tỷ đồng, tăng 34,1% so với cùng kỳ; lợi nhuận trước thuế hơn 580 tỷ đồng, lần lượt hoàn thành 46,1% và 52,7% kế hoạch năm.

Cần lưu ý rằng, với việc bà Cúc từ nhiệm vị trí Tổng giám đốc PNJ trước khi bị khởi tố, PNJ không buộc phải công bố thông tin bất thường theo quy định tại Điều 9, Thông tư 155/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính về công bố thông tin trên thị trường chứng khoán. Tuy vậy, động  thái chủ động ra thông cáo của PNJ để trấn an nhà đầu tư được thị trường đánh giá cao.

Trên thị trường, thị giá PNJ khá vững. Trong phiên 14/6, giá cổ phiếu sau điều chỉnh do hưởng quyền nhận cổ tức cũng đã tăng trở lại 2,3%.

Trước đó, hồi đầu tháng 5 vừa qua, CTCP Chứng khoán VNDirect (VND) đã nhanh chóng làm công văn giải trình gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và hai sở giao dịch chứng khoán và lên tiếng trấn an nhà đầu tư sau khi xuất hiện thông tin về việc HOMEDIRECT (công ty có vốn góp của VND) và CTCP Tập đoàn Ðầu tư IPA liên quan đến vụ án tổ chức đánh bạc trực tuyến nghìn tỷ đồng khiến cổ phiếu giảm sàn hai phiên liên tiếp và bị các công ty chứng khoán “cắt margin”. Nhờ vậy, tâm lý của nhà đầu tư ổn định trở lại.

Rõ ràng, xảy ra sự cố bất thường, nhất là liên quan đến vấn đề pháp lý là điều không doanh nghiệp nào mong muốn. Nhưng cách ứng xử của doanh nghiệp (chủ động truyền thông đến nhà đầu tư, giúp họ có cái nhìn toàn diện, kịp thời, chính xác về sự kiện hay để nhà đầu tư tự tìm hiểu, với những đồn đoán mập mờ) sẽ quyết định cái nhìn của nhà đầu tư về sự kiện.

Đặc biệt, với thị trường tài chính như tại Việt Nam, nơi nhà đầu tư cá nhân chiếm ưu thế và giao dịch bị chi phối mạnh bởi yếu tố tâm lý đám đông, việc chủ động minh bạch thông tin sẽ đẩy lui được những tin đồn bất lợi cho doanh nghiệp, tránh thiệt hại không đáng có cho cả doanh nghiệp và cả cổ đông, nhà đầu tư.

Tin bài liên quan