Ông lớn” đang quản lý, khai thác 22 cảng hàng không trong nước

Ông lớn” đang quản lý, khai thác 22 cảng hàng không trong nước

Hé lộ nguyên nhân “ông lớn” ACV “khất” ngày đại hội đồng cổ đông

Việc phải hạch toán lại đối với tài sản khu bay và chờ giới thiệu cho vị trí nhân sự cấp cao nhất, khiến Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam - CTCP (ACV) phải giãn thời hạn tổ chức Đại hội cổ đông thường niên 2017.

Vỡ mốc

Chưa đầy một ngày trước mốc thời gian đã thông báo với các cổ đông (23/5), ACV đã quyết định lùi thời hạn tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2017.

Đây đã là lần thứ 2, “ông lớn” đang quản lý, khai thác 22 cảng hàng không trong nước phải xin giãn thời hạn tổ chức đại hội cổ đông thường niên, tính từ khi chuyển đổi sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần vào năm 2016.

Trong lần gần nhất, ACV dự định tổ chức Đại hội cổ đông thường niên năm 2017 tại trụ sở Tổng công ty tại TP.HCM vào ngày 24/5/2017.

Được biết, lý do mà ACV đưa ra cho việc không thể tổ chức như dự kiến là để có thời gian chuẩn bị các nội dung và các công tác khác cho kỳ họp Đại hội đồng cổ đông thường niên được chu đáo.

“Ngày đăng ký cuối cùng mới để thực hiện quyền tham dự Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2017 và ngày tổ chức Đại hội, ACV sẽ có văn bản thông báo sau”, ông Lê Mạnh Hùng, Tổng giám đốc ACV cho biết.

Mặc dù vậy, theo thông tin riêng của Báo Đầu tư, việc điều chỉnh kế hoạch tổ chức Đại hội là để thực hiện ý kiến của Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT), đại diện cho cổ đông nhà nước đang nắm chi phối tại ACV.

Trước đó, vào giữa tháng 5/2017, Bộ GTVT đã yêu cầu ACV, người đại diện phần vốn Nhà nước tại đây, tiến hành điều chỉnh lại Báo cáo tài chính năm 2016 và kế hoạch sản xuất, kinh doanh năm 2017 cho phù hợp với quy định của pháp luật và phương án cổ phần hóa đã được phê duyệt trước khi thông qua Đại hội đồng cổ đông.

Cụ thể, Bộ GTVT đề nghị ACV thực hiện tách và theo dõi riêng các khoản có liên quan đến hoạt động khu bay khỏi doanh thu, chi phí, lợi nhuận của ACV, bao gồm Báo cáo kết quả sản xuất - kinh doanh, Báo cáo tài chính cho giai đoạn từ 1/4/2016 - 31/12/2016; tờ trình phương án phân phối lợi nhuận, cổ tức, trích lập các quỹ…

Được biết, theo phương án cổ phần hóa ACV được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, kể từ khi ông lớn cảng hàng không chính thức chuyển đổi mô hình hoạt động, tài sản khu bay sẽ được bàn giao cho Nhà nước do Bộ GTVT làm đại diện chủ sở hữu. ACV sẽ được giao thuê lại các tài sản này gồm: đường băng, đường lăn, hàng rào, nhà để xe cứu hỏa (hạ tầng); máy cắt cỏ, máy tẩy vệt cao su trên đường băng (tài sản, trang thiết bị khu bay).

Tính đến ngày 31/12/2016, khối tài sản khu bay tại 22 cảng hàng không có giá trị khoảng 2.500 tỷ đồng, tăng hơn 321 tỷ đồng so với thời điểm ACV chính thức trở thành công ty cổ phần.

Bên cạnh đó, ACV cũng sẽ phải đợi Bộ GTVT chốt phương án nhân sự thay thế ông Nguyễn Nguyên Hùng ở vị trí Chủ tịch HĐQT nghỉ hưu theo chế độ.

Chưa chốt ngày

Nếu như nhân sự thay thế ông Nguyễn Nguyên Hùng đã được xác định tương đối rõ với phương án giới thiệu ông Lại Xuân Thanh, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam ứng cử chức vụ Chủ tịch HĐQT, thì việc phân tách và theo dõi riêng các khoản có liên quan đến hoạt động khu bay khỏi doanh thu, chi phí, lợi nhuận của ACV đòi hỏi rất nhiều thời gian.

Ngoài việc chưa có hướng dẫn cụ thể của Bộ GTVT, khối lượng phân tách số liệu tại 22 sân bay rất lớn, ACV sẽ phải phát hành lại báo cáo tài chính kiểm toán sau khi cập nhật số liệu tài chính. Đây là lý do khiến đơn vị chủ cảng hàng không sẽ phải “vắt chân lên cổ” nếu không muốn bị  lụt thời hạn chót theo quy định là trước ngày 30/6/2017.

Liên quan đến phương án cho thuê khu bay, trong phương án kiến nghị Bộ GTVT vào tháng 8/2016, ACV muốn được thuê lại tài sản của Nhà nước trên cơ sở vận dụng Nghị định 102/2015/NĐ - CP của Chính phủ về quản lý, khai thác cảng hàng không, sân bay. 

Doanh nghiệp này mong muốn thuê lại khu bay của 22 cảng hàng không trong khoảng thời gian 50 năm, kể từ ngày bàn giao tài sản và hợp đồng thuê, đồng thời được tiếp tục thuê khi hết thời hạn. Mức giá cho thuê được xác định trên cơ sở giá trị còn lại của tài sản cho thuê, theo tính toán của ACV khoảng hơn 45,7 tỷ đồng/năm.

Một điểm đáng lưu ý trong đề xuất của ACV là, hoạt động khu bay chưa bảo đảm doanh thu đủ bù đắp chi phí. Năm 2014, tính riêng hoạt động khu bay lỗ 140 tỷ đồng. Sang năm 2015, con số này là hơn 170 tỷ đồng. Những năm tiếp theo, dự kiến tình hình cũng không khả quan hơn.

“ACV đang phải dùng những nguồn lợi nhuận khác để cân đối cho chi phí phát sinh từ hoạt động khu bay, vì đây là hoạt động bắt buộc nằm trong chuỗi dịch vụ cung cấp đối với một cảng hàng không, nhằm đảm bảo sự liên tục, ổn định và an toàn tuyệt đối cho hoạt động bay”, ông Hùng cho biết.

Tin bài liên quan