Nhờ khoản thu nhập lãi cho vay, HAR thoát lỗ trong 6 tháng đầu năm

Nhờ khoản thu nhập lãi cho vay, HAR thoát lỗ trong 6 tháng đầu năm

HAR: dấu hỏi người mua 400 tỷ đồng cổ phiếu mới

(ĐTCK) Tuần qua, HĐQT CTCP Đầu tư Thương mại Bất động sản An Dương Thảo Điền (mã HAR) công bố Nghị quyết HĐQT về việc phân phối thành công 400 tỷ đồng mệnh giá cổ phần bị cổ đông từ chối thực hiện quyền mua. Với thị giá (ngày 28/8/2015) là 6.300 đồng/cổ phiếu, vì sao NĐT lại chấp nhận mua đắt hơn 50% thị giá cổ phần trong khi cổ đông nội bộ đã từ chối mua?

Cổ đông lớn cũng… bỏ quyền

Ngày 2/7/2015 là ngày đăng ký cuối cùng danh sách cổ đông nhận quyền mua ưu đãi tỷ lệ 1:1, giá 10.000 đồng/cổ phiếu để phát hành tăng vốn điều lệ lên gần 1.100 tỷ đồng. Với mức giá trong suốt 3 tháng gần nhất chưa từng chạm ngưỡng 9.000 đồng/cổ phiếu, HAR cầm chắc khả năng thất bại.

Kết thúc kỳ đăng ký, việc chỉ có 1.865 cổ phiếu HAR được cổ đông thực hiện quyền mua là không quá bất ngờ. NĐT nhỏ lẻ chạy theo thị trường, nên việc không thực hiện quyền cũng là điều dễ hiểu. Nhưng với cổ đông lớn duy nhất của HAR, hiện đang nắm giữ vị trí Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty - ông Nguyễn Nhân Bảo (sở hữu 9,8% vốn điều lệ), cũng từ chối thực hiện quyền mua, khiến thị trường có chút khó hiểu.

Thế nhưng, đừng vội nghĩ rằng HAR đã hết cửa tăng vốn. Theo thông báo của Công ty, có tới 400 tỷ đồng mệnh giá cổ phần được các NĐT cùng lúc mua vào ở giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Trong công bố thông tin kết thúc đợt chào bán, không thấy đi kèm với danh tính cổ đông nội bộ, người có liên quan và không thấy sự xuất hiện cổ đông lớn. HAR chỉ cho biết, có 20 NĐT đã mua cổ phiếu của Công ty. 400 tỷ đồng tương ứng với hơn 42% vốn điều lệ mới của Công ty, trong khi theo quy định, NĐT sở hữu từ 5% vốn điều lệ của DN trở lên phải công bố thông tin. 

Điều gì đang xảy ra với HAR?

Với hiện trạng giao dịch của HAR, để cùng lúc mua được 40 triệu cổ phiếu là điều không dễ. Vì thế, nếu NĐT muốn thâu tóm HAR, việc mua vào ở mức giá 10.000 đồng/cổ phiếu là có thể chấp nhận được. Tuy nhiên, không có NĐT lớn nào xuất hiện trong danh sách cổ đông mới của HAR, mà danh sách này được chan đều cho 20 người mua. Vì sao NĐT mới sẵn sàng bỏ tiền mua HAR ở giá 10.000 đồng?

Kết thúc nửa đầu năm 2015, HAR đạt 27,4 tỷ đồng doanh thu thuần, lãi gộp đạt 11,623 tỷ đồng, lãi sau thuế đạt 13,66 tỷ đồng. Kết quả kinh doanh này chủ yếu phụ thuộc vào lãi cho vay phát sinh trong quý II (ghi nhận 10,148 tỷ đồng doanh thu từ lãi tiền gửi, tiền cho vay). Đây chính là yếu tố giúp HAR thoát lỗ trong kỳ, vì nếu chỉ tính riêng thu nhập từ hoạt động chính, sau khi trừ đi chi phí quản lý và chi phí bán hàng, kết quả này là con số âm, khi quý II/2015, doanh thu thuần của HAR đạt 2,577 tỷ đồng.

Điểm lưu ý là, khoản thu nhập từ lãi cho vay phát sinh trong quý II tương đương với việc cần có 400 tỷ đồng tiền gửi, tiền cho vay trong quý I, tính theo mức lãi vay 10%/năm. Trong khi đó, báo cáo tài chính của HAR cho thấy, gần như toàn bộ tài sản của Công ty trên tổng quy mô gần 642 tỷ đồng tài sản thời điểm 30/6/2015 là tài sản dài hạn. Phần còn lại là các khoản phải thu.

Tại ngày 30/6/2015, HAR có hơn 5 tỷ đồng số dư tiền và tương đương tiền, 113 tỷ đồng phải thu ngắn hạn, bao gồm hơn 20 tỷ đồng phải thu khách hàng, 46,7 tỷ đồng trả trước người bán và khoản 46 tỷ đồng phải thu ngắn hạn khác là tiền bán cổ phiếu chưa thu tiền về. Tài sản dài hạn tập trung chủ yếu gồm gần 290 tỷ đồng tài sản cố định vô hình là quyền sử dụng đất, 18 tỷ đồng cho vay dài hạn, 49 tỷ đồng bất động sản đầu tư và 151 tỷ đồng đầu tư vào công ty liên kết. Trong khi đó, trong tổng nguồn vốn hơn 667 tỷ đồng, HAR chỉ có 41 tỷ đồng nợ phải trả, gồm gần 14 tỷ đồng phải trả người bán ngắn hạn, hơn 6 tỷ đồng phải trả Nhà nước, hơn 20 tỷ đồng vay dài hạn.

Điểm sáng của HAR trong nửa đầu năm 2015 chính là việc giảm mạnh khoản phải thu khách hàng từ mức gần 81,6 tỷ đồng đầu năm về 20,7 tỷ đồng. Thu gần 98 tỷ đồng tiền từ bán hàng và cung cấp dịch vụ đã giúp cho HAR có thêm nguồn lực tài chính, nhưng ngay lập tức, khoản thu này được Công ty sử dụng vào mục đích mua công ty liên kết - CTCP Phát triển nhà Ghome, với mức chi 100 tỷ đồng, tương đương với việc sở hữu 30,3% vốn điều lệ.

Báo cáo tài chính của HAR cũng cho thấy, Công ty có cơ cấu tài sản - nguồn vốn khá “sạch”, gần như không có nợ vay. Trong nửa đầu năm, Công ty có quay vòng vốn vay ngắn hạn với khoảng 109 tỷ đồng tiền vay nhận về và trả lại 100 tỷ đồng. Gần như không có khoản vay nào được duy trì lâu dài. Vậy tại sao HAR phải nỗ lực phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ, trong khi còn nhiều dư địa sử dụng đòn bẩy cho các hoạt động đầu tư và kinh doanh?

Ngày 27/6/2015, HĐQT HAR ra quyết định chọn Chi nhánh Công ty TNHH Kiểm toán tư vấn Đất Việt tại Hà Nội làm đơn vị kiểm toán soát xét báo cáo tài chính bán niên và kiểm toán báo cáo tài chính năm 2015. Dư luận đang chờ đợi ý kiến của công ty kiểm toán trong báo cáo kiểm toán của HAR.

Tin bài liên quan