GSP phát hành thêm 10 triệu cổ phiếu: PVT không tham gia

GSP phát hành thêm 10 triệu cổ phiếu: PVT không tham gia

(ĐTCK) Việc không tham gia trong đợt phát hành này của GSP sẽ làm giảm tỷ lệ sở hữu của PVT tại GSP từ 67,74% xuống còn 51%.

Ông Nguyễn Duyên Hiếu, Thành viên HĐQT kiếm Tổng giám đốc CTCP Vận tải sản phẩm khí quốc tế (GSP) cho hay, trong đợt phát hành thêm 10 triệu cổ phiếu tăng vốn điều lệ lên 400 tỷ đồng trong năm nay, PV Trans (mã PVT - cổ đổng lớn nhà nước) sẽ không tham gia, qua đó giảm tỷ lệ sở hữu tại GSP từ 67,74% xuống còn 51% như chủ trương thoái vốn đã được Tập đoàn PVN chấp thuận.

Thông tin trên được đưa ra tại ĐHCĐ thường niên của GSP diễn ra vào sáng nay (5/4).

Dự kiến, trong quý III hoặc quý IV/2018, GSP sẽ trình cổ đông kế hoạch phát hành cụ thể.

Về phương thức bán, ông Hiếu cho biết, Công ty đang xem xét các phương án nhưng khả năng phát hành riêng lẻ cho cả cổ đông hiện hữu và nhà đầu tư chiến lược.

Tổng vốn huy động dự kiến từ đợt phát hành tới đây, GSP sẽ bổ sung nguồn vốn đầu tư cho tàu VLGC, tàu có công suất gấp 20 lần so với tàu chuyên chở hiện tại của GSP. Tổng vốn đầu tư dự kiến 40-45 triệu USD/tàu, tương đương 800-900 tỷ đồng.

Do đó, việc phát hành thêm là cách để huy động vốn của GSP bên cạnh nguồn vốn tự có và vốn vay.

Ông Hiếu kỳ vọng, đợt phát hành này, GSP sẽ tìm kiếm khoảng 2 đối tác chiến lược để hỗ trợ về mặt tài chính lẫn kinh nghiệm trong lĩnh vực vận tải dầu khí.  

“Hiện GSP cũng đã làm việc với một số tổ chức, hiện có một vài nhà đầu tư tiềm năng trong và ngoài nước có ý định tham gia, trong đó một tập đoàn lớn trong ngành dầu khí Hàn Quốc”, ông Hiếu chia sẻ bên lề Đại hội.

Đại hội đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2018 với doanh thu dự kiến 1.260 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 49,6 tỷ đồng, giảm lần lượt 3,6% và 5,7% so với thực hiện năm 2017.

Kế hoạch đưa ra trên cở sở dự kiến sản lượng vận chuyển dự kiến tăng 7% so với năm ngoái do Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đã hoàn thành bảo dưỡng sửa chữa. Bên cạnh đó, sản lượng vận chuyển còn được đóng góp từ 2 dự án khác vận chuyển LPG cho GAS tại Nhà máy GPP Cà Mau và Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn.

Riêng thị trường quốc tế, GSP tiếp tục đẩy mạnh xây dựng thương hiệu và khai thác tại thị trường quốc tế. Theo GSP, giá cước tàu đang có xu hướng “ấm dần lên” là cơ hội tốt cho các doanh nghiệp vận chuyển chuyên chở gia tăng doanh thu.

Trong năm 2017, dự án tàu LPG sức chở 4.000 cbm (1cmb tương đương 1 tấn), tuy nhiên do diễn biến thị trường không thuận lợi, giá cước tàu tăng kéo theo giá mua bán tàu cũng tăng nên công tác giải ngân chưa thực hiện kịp.

Trong năm nay, GSP sẽ tiếp tục dự án này, đồng thời có kế hoạch mua thêm 1 tàu LPG với công suất đến 7.500 cbm để tăng cường phục vụ thị trường quốc tế.

“Công ty sẽ theo dõi sát sao thị trường mua bán tàu và tích cực làm việc với các nhà môi giới để nắm bắt kịp thời thông tin cũng như cơ hội để đầu tư mang lại hiệu quả cao nhất”, ông Hiếu nói.

Đại hội cũng thông qua việc bổ sung một số ngành nghề kinh doanh mới như sản xuất khí đốt, buôn bán nhiên liệu rắn lỏng khí và một số sản phẩm liên quan.

Chủ trương này vấp phải lo ngại của cổ đông về việc đầu tư tràn lan, tuy nhiên ông Hiếu khẳng định, những ngành nghề mà GSP tham gia dựa trên đánh giá năng lực sẵn có của công ty và xuất phát từ nhu cầu của bạn hàng.

Trong bối cảnh hiện nay GSP không giới hạn lĩnh vực đầu tư sẽ xem xét lĩnh vực có liên quan để nối dài chuỗi giá trị của GSP trên nguyên tác là đảm bảo vốn cổ đông và hiệu quả công ty.

Tin bài liên quan