GMD đặt mục tiêu doanh thu 10.000 tỷ đồng vào năm 2020

GMD đặt mục tiêu doanh thu 10.000 tỷ đồng vào năm 2020

(ĐTCK) ĐHCĐ thường niên của CTCP Gemadept (GMD) diễn ra vào sáng nay (25/5) đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2016 với chỉ tiêu doanh thu 3.700 tỷ đồng, tăng 3% so với thực hiện năm 2015, lợi nhuận sau thuế 430 tỷ đồng, giảm 7% so với năm 2015. Tỷ lệ cổ tức duy trì 20%.

Theo đó, năm nay, công ty mẹ GMD đặt chỉ tiêu cho các công ty con và liên kết đạt ít nhất 15% tăng trưởng về doanh thu và lợi nhuận.

Mục tiêu đến năm 2020, GMD sẽ đạt doanh thu 10.000 tỷ đồng.

Ông Đỗ Văn Minh, thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc GMD cho biết, kết quả kinh doanh năm 2015 đã vượt xa kế hoạch của ĐHCĐ giao cho về cả doanh thu và lợi nhuận nên đặt ra áp lực cho HĐQT trong các năm tiếp theo.

Bên cạnh đó, kết quả kinh doanh 4 tháng đầu năm tương đối khả quan và không hề thua kém cùng kỳ năm ngoái, nếu cứ đà tăng trưởng hiện tại, công ty có thể đạt ít nhất 500 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, vượt xa kế hoạch đề ra. Kế hoạch kinh doanh năm nay, HĐQT GMD đã loại trừ những khoản lợi nhuận có thể phát sinh đột biến ngoài dự kiến.

“Kể cả lợi nhuận có vượt kế hoạch hay không thì HĐQT cũng không được thưởng nên các cổ đông không cần lo việc HĐQT đặt kế hoạch thấp để được thưởng vượt kế hoạch”, ông Minh chia sẻ.

Về kế hoạch hoạt động, Ban lãnh đạo GMD cho biết, năm nay công ty sẽ tập trung đầu tư và triển khai 3 dự án lớn bao gồm tái khởi động cảng Gemalink Cái Mép, dự án Nam Hải ICD (Hải Phòng) và dự án Mekong Logistics (Hậu Giang).

Năm 2015, thị phần khai thác cảng chiếm 10%, năng lực khai thác cảng dự kiến tăng gấp 3 lần thông qua các dự án sẽ triển khai trong năm 2016. Mục tiêu trung hạn của GMD sẽ tăng thị phần lên 25%.

Đối với dự án cảng Gemalink Cái Mép, ông Minh cho biết năm 2010, do khủng hoảng nên các hãng tàu cắt hết các chuyến vận chuyển hàng hóa nên dẫn đến tình trạng các cảng đói hàng.

Trước đó, dự án đã được triển khai 39% khối lượng, nhưng do không có khách hàng nên cảng tạm dừng hoạt động. Tuy nhiên đến tháng 4/2015 các hãng tàu đưa hàng trở lại, do đó HĐQT GMD cho biết công ty sẽ tái khởi động dự án này vào năm 2017 và đưa vào khai thác giai đoạn 1 vào năm 2019. Lợi thế cạnh tranh của Gemalink Cái Mép là vị trí đắc địa nằm ngay cửa sông, là cảng duy nhất có công suất có thể đáp ứng tàu có trọng tấn tối đa 200.000 tấn.

Tỷ lệ góp vốn của GMD tại dự án này là 75% và sẽ tìm kiếm đối tác là một hãng tàu để chuyển nhượng lại 25% vốn góp để rút vốn phục vụ công tác đầu tư cho dự án bên cạnh tận dụng lợi thế của hãng tàu để chủ động nguồn cung cho cảng.

Về dự án Nam Hải ICD, tổng thể diện tích dự án 21 hec-ta gồm các depot, kho bãi. Trong đó GMD đã đưa vào triển khai và khai thác giai đoạn 1 với 3,5 hec-ta. Theo kế hoạch, năm nay, công ty sẽ tiếp tục triển khai giai đoạn 2 với diện tích 4 hec-ta và hiện đã thực hiện được 70% kế hoạch.

Cùng với cảng Nam Hải, hoạt động của ICD Nam Hải sẽ góp phần nâng công suất khai thác tại các cảng từ 200 triệu TEU lên 700 triệu TEU, tạo động lực phát triển hoạt động khai thác cảng và logistics của Hải Phòng nói riêng và cả khu vực miền Bắc nói chung.

Về dự án Mekong Logistics, tổng diện tích dự án 15 hec-ta, được chia thành 4 giai đoạn phát triển. Trong đó giai đoạn 1, công ty sẽ triển khai hệ thống kho lạnh để chủ động lượng hàng hóa. Song song đó. Công ty sẽ tiến hành đầu tư giai đoạn 2 đầu tư kho khô. Theo đó, các giai đoạn còn lại GMD sẽ triển khai đầu tư cảng và depot để chủ động nguồn vận chuyển. Dự kiến, dự án sẽ chính thức đi vào hoạt động vào quý IV năm nay.

Theo Ban lãnh đạo GMD, tổng giá trị đầu tư của GMD dự kiến trong năm nay khoảng 600-800 tỷ đồng. Sắp tới khi cảng Gemalink hoàn thành tái khởi động, dòng vốn giải ngân dự kiến của GMD sẽ có thể sẽ tăng mạnh.

Bỏ ngỏ nới room

Trả lời ý kiến cổ đông về vấn đề mở room cho nhà đầu tư nước ngoài, ông Minh cho biết bản thân doanh nghiệp GMD rất mong muốn mở rộng cơ hội hợp tác và đầu tư với nước ngoài, tuy nhiên do tỷ lệ sở hữu của GMD tại các công ty con và các công ty liên kết có bao gồm hoạt động vận tải nội địa, là lĩnh vực giới hạn tỷ lệ sở hữu nước ngoài.

Tuy vậy, tỷ lệ sở hữu của GMD tại các công ty nói trên chỉ khoảng 49%, nên việc có nới room được hay không còn phải chờ đợi những quy định cụ thể của pháp luật.

Về kế hoạch M&A trong tương lai, tầm nhìn đến năm 2020, GMD dự kiến trong 10.000 tỷ đồng doanh thu đã có tính đến doanh thu từ các hoạt động M&A trong ngành khai thác cảng và logistics.

Trước mắt, GMD sẽ tiến hành các thương vụ M&A các doanh nghiệp trong nước trước, sau đó mới đến các doanh nghiệp nước ngoài. Một mặt để bổ sung những lĩnh vực, dịch vụ mà  GMD còn thiếu, mặt khác sẽ góp phần phát triển mạnh hơn hoạt động của công ty.

Tin bài liên quan