FPT thoái vốn mảng bán lẻ: Động lực tăng trưởng mới ở đâu?

FPT thoái vốn mảng bán lẻ: Động lực tăng trưởng mới ở đâu?

(ĐTCK) Việc thoái vốn khỏi mảng bán lẻ (FPT Retail) có thể mang lại lợi nhuận đột biến cho FPT trong năm 2017, tuy nhiên, kết quả kinh doanh sẽ bị ảnh hưởng đáng kể khi mảng này đang đóng góp tới 30% doanh thu, 10% lợi nhuận hợp nhất trong 6 tháng đầu năm của Công ty.

Bán lẻ: Doanh thu lớn, lợi nhuận mỏng

Ngày 1/8, Hội đồng quản trị CTCP FPT đã ra Nghị quyết về việc thoái vốn tại CTCP Bán lẻ kỹ thuật số FPT (FPT Retail) – đơn vị đang quản lý hệ thống FPT Shop và F.Studio của FPT xuống dưới 50% theo lộ trình được chia làm 2 bước, theo đó:

Đầu tiên, FPT sẽ bán 30% vốn cho các nhà đầu tư tổ chức, giảm tỷ lệ sở hữu từ mức 85% hiện tại xuống 55%.

Sau đó, Công ty sẽ bán tối đa 10% cho các nhà đầu tư khác để giảm tỷ lệ sở hữu xuống dưới 50%. Thời gian thực hiện trong năm 2017

Phương án thoái vốn được FPT dự kiến hoàn thành trong năm 2017, sau đó FPT Retail sẽ trình ĐHCĐ niêm yết cổ phiếu trên Sàn giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) trong năm 2018. Thông tin trên lập tức được nhiều nhà đầu tư trên hồ hởi đón nhận, tuy nhiên cũng không ít người thận trọng đặt câu hỏi, thoái vốn khỏi bán lẻ, kết quả kinh doanh của FPT sẽ bị ảnh hưởng thế nào trong thời gian tới.

Bán lẻ hiện là một mảng hợp thành khối Phân Phối – Bán lẻ, cùng với khối Công nghệ và Khối viễn thông là 3 khối hoạt động kinh doanh đóng góp chính vào doanh thu, lợi nhuận của FPT, bên cạnh đó, FPT còn có thu nhập từ hoạt động giáo dục, đầu tư nhưng tỷ lệ thấp.

Thông qua CTCP Bán lẻ kỹ thuật số FPT (FPT Retail) mà FPT sở hữu 85%, FPT cung cấp các sản phẩm kỹ thuật số như điện thoại di động, máy tính xách tay, máy tính bảng, phụ kiện các loại theo hình thức chuỗi cửa hàng bán lẻ mang thương hiệu FPT Shop.

Chính thức gia nhập thị trường bán lẻ di động từ 2012, FPT Retail được coi là bước đi khá mạo hiểm của FPT khi trên thị trường đã xuất hiện nhiều tên tuổi lớn nhỏ, lấp đầy hầu hết các phân khúc khách hàng.

Tuy nhiên, FPT Retail cũng sở hữu lợi thế nhất định khi có “người anh em” là Công ty phân phối FPT(FPT Trading) - Một trong những "ông lớn" trong lĩnh vực phân phối sản phẩm công nghệ tại Việt Nam, đặc biệt là trên phân khúc điện thoại và thiết bị công nghệ thông tin. Sự ra đời của FPT Retail được kỳ vọng sẽ giúp FPT hoàn thiện chuỗi giá trị và gia tăng doanh thu, lợi nhuận.

Với sự hậu thuẫn mạnh về nguồn lực tài chính, nhân sự, kinh nghiệm của FPT, số lượng cửa hàng FPT Shop đã gia tăng nhanh chóng. Ngay năm đầu tiên 2012, FPT Retail đã mở 50 cửa hàng, năm 2013, số cửa hàng tăng lên gấp đôi, năm 2014, đạt số 160, năm 2015, số lượng tăng lên 250 và chạm mốc 400 khi kết thúc năm 2016.

Trong năm 2017, FPT Retail dự kiến mở mới 100 cửa hàng và tính đến đầu tháng 8/2017, website của FPT Shop cho biết, đơn vị này đã có 447 cửa hàng tại 63 tỉnh trên toàn quốc.

Quy mô tăng nhanh, doanh thu của FPT Retail cũng tăng trưởng mạnh, nếu như năm 2012 ở con số 1.000 tỷ đồng thì đến trong 2016, doanh thuđã vượt 10.500 tỷ, xếp thứ 2 thị trường bán lẻ di động chỉ sau hệ thống của Thế Giới Di động (MWG).

Trong Top 10 nhà bán lẻ lớn nhất Việt Nam 2016 do tạp chí bán lẻ châu Á Retail Asia Publishing và Tập đoàn nghiên cứu thị trường Euromonitor Intenational thực hiện, xét về doanh số, FPT Shop xếp thứ 4, sau Thế giới Di động, Saigon Coop và Big C, còn xét về doanh thu/m2 diện tích sàn, FPT Shop là nhà bán lẻ hiệu quả nhất với 15.717 USD/m2.

Chiến lược phát triển nhanh giúp doanh số tăng trưởng, chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong doanh thu hợp nhất của FPT, tuy nhiên tỷ trọng đóng góp lợi nhuận của FPT Retail lại thấp. Sau khi lỗ lần lượt 35 tỷ đồng và 32 tỷ đồng trong năm 2012-2013, lợi nhuận bắt đầu dương từ 2014, đạt 41 tỷ đồng. Năm 2016, lợi nhuận trước thuế của FPT Retail đạt 259 tỷ đồng, nhưng chỉ chiếm 8,59% lợi nhuận của FPT.

Một điểm đáng chú ý là biên lợi nhuận của FPT Retail khá mỏng. Dù không có báo cáo tài chính chi tiết để đánh giá biên lợi nhuận gộp cũng như các loại chi phí của mảng này, tuy nhiên xét riêng biên lợi nhuận trước thuế của FPT Retail đã thấp hơn nhiều so với các mảng khác của FPT.

Năm 2016, biên lợi nhuận trước thuế chỉ đạt 2,5%, trong khi Khối viễn thông đạt 17,97%, Khối công nghệ đạt 11,02% còn chỉ tiêu này của đối thủ cạnh tranh chính là CTCP Thế Giới Di Động (MWG) là 4,4%. 

Mới nhất, trong nửa đầu năm 2017, mảng bán lẻ của FPT Retail đạt doanh thu 6.200 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 141 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 31% và 44% so với cùng kỳ 2015, biên lợi nhuận trước thuế đạt 2,27%, tăng nhẹ so với 2016.

Thoái bán lẻ, tăng sức ép lên các mảng kinh doanh khác

Như vậy, sau hơn 3 năm kể từ khi kế hoạch thoái bớt vốn khỏi mảng phân phối (Công ty phân phối FPT - FPT Trading) và bán lẻ (FPT Retail) được chia sẻ tại ĐHCĐ năm 2014, cũng như sau  nhiều đồn đoán khiến cổ phiếu FPT dậy sóng, thị trường đã ghi nhận những thông tin đầu tiên về lộ trình cụ thể.

Khá bất ngờ là mảng bán lẻ lại ghi nhận nhưng thông tin chính thức trước so với mảng phân phối, trong khi cuối tháng 6 vừa qua, thương vụ thoái vốn khỏi FPT Trading tưởng chừng như sắp hoàn thành khi nhiều nguồn tin đồng loạt đưa tin về khả năng FPT đã hoàn tất đàm phán bán lại FPT Trading cho Synnex - tập đoàn cũng hoạt động trong lĩnh vực phân phối và có quy mô kinh doanh toàn cầu của Mỹ.

Việc thoái vốn khỏi FPT Retail nếu hoàn tất trong năm nay sẽ ảnh hưởng nhiều đến doanh thuhơn lợi nhuận của FPT.

Cụ thể, là đơn vị chiếm 30% doanh thu của FPT, ở tỷ lệ sở hữu dưới 50%, FPT Retail sẽ chỉ là công ty liên kết, doanh thu sẽ không được hợp nhất vào báo cáo của FPT nữa. Trong khi đó, lợi nhuận sẽ là chỉ tiêu ít bị ảnh hưởng hơn do biên lợi nhuận mỏng nên mảng này chỉ chiếm 9,88% lợi nhuận trước thuế hợp nhất và sau thoái vốn,FPT vẫn ghi nhận lợi nhuậntừ FPT Retail theo tỷ lệ sở hữu thực tế tại công ty liên doanh, liên kết.

Dù giảm sút về doanh thu, nhưng lợi ích trực tiếp mà FPT nhận lại khi thoái vốn là một mặt ghi nhận một khoản lợi nhuận bất thường từ bán cổ phần. Mặt khác là các chỉ số tài chính của FPT sẽ tốt hơn, cụ thể là các chỉ tiêu biên lợi nhuận.Bên cạnh đó, tốc độ tăng trưởng của FPT cũng được dự báo sẽ bị ảnh hưởng.

Trong năm 2016  mức tăng trưởng doanh thu của mảng Bán lẻ đạt 35%, vượt trội so với mức tăng trưởng doanh thu của Khối công nghệ (16%) và Viễn thông (22%).

Nếu không có tăng trưởng mạnh tại mảng này, doanh thu hợp nhất 2016 của FPT đã giảm khi mảng phân phối gặp nhiều khó khăn do Apple thay đổi chính sách phân phối Iphone tại thị trường Việt Nam, cho phép các nhà bán lẻ lớn được trực tiếp nhập khẩu sản phẩm đồng thời Microsoft ngừng kinh doanh sản phẩm điện thoại thông minh Lumia khiến doanh thu, lợi nhuận của FPT Trading giảm mạnh.

Tuy nghị quyết của FPT chưa công bố về giá trị thương vụ chuyển nhượng dự kiến, cũng chưa tên tuổi các tổ chức đầu tư quan tâm mua 30% cổ phần của FPT Retail là ai, nhưng theo một số phân tích nhận định, với quy mô và thương hiệu hiện nay, mức định giá tại FPT Retail có thểkhông dưới 3.000 tỷ đồng.

Theo báo cáo tài chính của FPT, tại thời điểm 31/12/2016, FPT Retail có vốn điều lệ 200 tỷ đồng, trong đó giá vốn khoản đầu tư của FPT là 170 tỷ đồng (chiếm 85%).

Như vậy, với quy mô thương vụ thoái 30% vốncho nhà đầu tư tổ chức sẽ có giá trị khoảng 900 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế có thể từ 800 - 850 tỷ đồng, được ghi nhận tại Doanh thu hoạt động tài chính trên BCTC hợp nhấttheo quy định tại thông tư 202/2014/TT-BTC. Ngoài ra, FPT có thể chịu thuế suất do chuyển nhượng vốn theo quy định tại thông tư 78/2014/TT-BTC.

Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2017, FPT đã thông qua kế hoạch kinh doanh với 46,619 tỷ đồng doanh thu, 3,400 tỷ đồng lãi trước thuế, và chưa bao gồm lãi đột biến từ các khoản thoái vốn.

Trong đó, khối phân phối và bán lẻ được giao nhiệm vụ mang về 26,093 tỷ đồng doanh thu,741 tỷ lợi nhuận. Với tính toán ở trên, nếu hoàn tất chao bán 30% cổ phần cho đối tác ngay trong 2017, Lợi nhuận của FPT có thể tăng thêm 20-30% so với kế hoạch.

Trong báo cáo phân tích cập nhật ngày 2/8, ngay sau khi nghị quyết HĐQT của FPT được công bố, CTCP Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam (BSC)ước tính, nếu FPT giảm tỷ lệ sở hữu là 35% tại FPT Retail thì thu nhập trên mỗi cổ phần FPT (EPS) năm naysẽ tăng thêm 1,131 đồng/cổ phiếu.

Thoái vốn thành công, lợi ích trước mắt của FPT là thu được tiền, hạch toán lợi nhuận, nhưng về dài hạn, các mảng còn lại sẽ phải tăng trưởng nhanh hơn, trước tiên là bù đắp sự sụt giảm từ mảng bán lẻ, sau đó là phân phối do không còn được hợp nhất vào báo cáo tài chính hợp nhất của FPT.

Đây cũng không phải là điều bất khả thi khi khối viễn thông của FPT vẫn tăng trưởng đều đặn, khối công nghệ cũng có sự tăng trưởng vượt bậc từ nước ngoài.

Các nhà đầu tư cần đong đếm để quyết định đầu tư vào FPT ở thời điểm hiện tại, khi mà thị giá (sau điều chỉnh cổ tức) đã tăng tới 34% so với thời điểm đầu năm và phần nào phản ánh những kỳ vọng lợi ích về việc thoái vốn khỏi FPT Retail cũng như FPT Trading mang lại.

Tin bài liên quan