FCN phát hành cổ phiếu: Bài toán pha loãng và tăng trưởng

FCN phát hành cổ phiếu: Bài toán pha loãng và tăng trưởng

(ĐTCK) Trúng thầu hàng loạt dự án lớn về hạ tầng giao thông và hạ tầng năng lượng, trong khi vốn lưu động còn hạn chế, Công ty cổ phần Fecon (FCN) đã quyết định phát hành thêm 60,5 triệu cổ phiếu để có vốn đối ứng làm các dự án. 
 

Việc phát hành thêm sẽ tạo rủi ro pha loãng, chưa tính đến số trái phiếu chuyển đổi dự kiến năm 2019, nhưng dường như đây là đánh đổi trong ngắn hạn mà FCN phải chấp nhận để phát triển vững vàng hơn trong dài hạn.

Phát hành tăng vốn: Rủi ro pha loãng

Theo kế hoạch, FCN sẽ phát hành cổ phiếu thành 3 đợt. Cụ thể, đợt 1 phát hành 33 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, giá phát hành 15.000 đồng/cổ phiếu. Kết thúc phiên giao dịch ngày 17/1, thị giá cổ phiếu FCN là 20.350 đồng/cổ phiếu, cao hơn mức giá phát hành nên khả năng thành công khá cao. Đợt 2 phát hành 2,5 triệu cổ phiếu ESOP, giá phát hành bằng mệnh giá. Sau 2 đợt này, vốn điều lệ FCN dự kiến tăng lên 898,5 tỷ đồng, tương ứng tăng 65% so với vốn điều lệ hiện tại.

Ngoài ra, FCN sẽ phát hành 25 triệu cổ phiếu cho đối tác chiến lược, giá phát hành không thấp hơn 22.000 đồng/cổ phiếu. Nhờ vậy, dự kiến vốn điều lệ của Công ty sẽ tăng lên 1.148,5 tỷ đồng, tương ứng tăng 28% sau 2 đợt phát hành ở trên. Tổng cộng các đợt phát hành, FCN có thể huy động được khoảng hơn 1.000 tỷ đồng.

Trong số tiền thu về từ các đợt chào bán, FCN sử dụng 50 tỷ đồng tăng vốn cho CTCP FECON South, chi 112 tỷ đồng tăng vốn cho CTCP FECON UCC, thực hiện góp vốn đối ứng (trước mắt chi 287 tỷ đồng) tại các dự án hạ tầng giao thông và hạ tầng năng lượng theo hình thức BOT, BT, PPP trong giai đoạn 2017 - 2020 và bổ sung vốn lưu động 71 tỷ đồng.

Với số lượng phát hành lớn trong ngắn hạn, FCN đối mặt với rủi ro pha loãng khi lợi nhuận chưa thể lập tức đuổi kịp tốc độ tăng vốn. Chỉ tính riêng phát hành đợt 1, tại ngày giao dịch không hưởng quyền (12/1/2018), thị giá FCN vẫn cao hơn giá phát hành nên bị điều chỉnh kỹ thuật giá tham chiếu.

Ngoài ra, EPS cũng bị pha loãng. Cụ thể, với giả định Công ty sẽ hoàn thành kế hoạch năm 2017 là lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ 180 tỷ đồng, tương ứng EPS khoảng 3.312 đồng/cổ phiếu, EPS năm 2017 dự kiến sau phát hành là 3.152 đồng/cổ phiếu. Đồng nghĩa với việc phát hành thêm đợt 1 khiến EPS giảm gần 5%.

Một điểm khá tích cực cho FCN là tại Đại hội đồng cổ đông 2017, trái chủ là tổ chức Japan South East Asia Growth Fund (JSEAG) còn nắm giữ trái phiếu chuyển đổi của FCN với tổng giá trị hơn 327 tỷ đồng, có mong muốn gia hạn thời gian chuyển đổi trái phiếu (đáo hạn năm 2017 đến năm 2019), vì JSEAG là trái chủ lớn nhất nên nếu chuyển đổi sẽ tạo áp lực lên cổ phiếu FCN trên thị trường.

Ước tính, trong năm 2019, số trái phiếu này với mức giá 20.400 đồng/cổ phiếu sẽ được chuyển đổi thành 16 triệu cổ phiếu, nâng vốn điều lệ FCN lên trên 1.300 tỷ đồng. Việc chia nhỏ các đợt phát hành và chuyển đổi trái phiếu sẽ giúp FCN giảm bớt áp lực về pha loãng.

Trúng thầu nhiều dự án lớn, khoản phải thu gia tăng

Nhìn lại các chỉ tiêu hoạt động của FCN trong giai đoạn 2013 - 2016, doanh thu thuần tăng trưởng khá tốt qua các năm. Trong đó, năm 2016, doanh thu thuần FCN đạt hơn 2.107 tỷ đồng, tăng 27% so với năm 2015.

Khoản phải thu cũng cùng xu hướng tăng, nhưng đáng chú ý, có những năm, tốc độ tăng khoản phải thu lớn hơn doanh thu, chẳng hạn năm 2014, khoản phải thu tăng đến 40% so với năm 2013, trong khi doanh thu chỉ tăng hơn 12%. Ở các năm sau, với việc đẩy mạnh thu hồi công nợ, tốc độ tăng khoản phải thu đã có phần chậm lại.

Đặc thù trong ngành xây dựng nói chung và hoạt động của FCN nói riêng là thời gian thi công công trình thường kéo dài, việc nghiệm thu và bàn giao được thực hiện từng phần, nhiều trường hợp do phát sinh các vấn đề khác khiến tiến độ giải ngân, thanh quyết toán công trình bị chậm sẽ ảnh hưởng đến tình hình tài chính của Công ty.

Ngoài ra, các dự án thường có vốn đầu tư lớn, vốn ứ đọng tại nhiều công trình, khoản phải thu của khách hàng chưa thu hồi được ngay. Chính vì vậy, các doanh nghiệp trong ngành thường gặp áp lực dòng tiền và đương nhiên, lợi thế cạnh tranh thuộc về công ty mạnh về vốn.

Đối với FCN, trong vài năm qua, Công ty không tăng vốn đáng kể và để đáp ứng trước yêu cầu vốn lưu động khi trúng thầu nhiều dự án, FCN buộc phải tính đến bài toán huy động vốn từ bên ngoài, hoặc tăng vốn. Trên thực tế, những năm trước đó, FCN đã phải sử dụng dòng tiền tài chính để tài trợ vốn. Dòng tiền hoạt động kinh doanh âm liên tục trong 3 năm (2014 - 2016).

Theo công bố của FCN, giai đoạn cuối năm 2017, Công ty trúng thầu thêm nhiều dự án mới, đáng chú ý là các dự án lớn như Thép Hòa Phát Dung Quất, Casino Nam Hội An, LG Inotek Hải Phòng, Gamuda Land… với giá trị ký mới các hợp đồng này ước khoảng hơn 440 tỷ đồng.

Công ty cũng tiếp tục thi công cọc và thi công hạ tầng nhiều dự án lớn khác như Lọc hóa dầu Nghi Sơn 2, Nhiệt điện Nam Định… Đây là thông tin tích cực, tạo nguồn công việc ổn định cho FCN trong các năm tiếp theo, nhưng cũng đồng nghĩa, khả năng các khoản phải thu của FCN sẽ tiếp tục gia tăng.

Tin bài liên quan