EVN đầu tư lớn để giảm tổn thất điện

EVN đầu tư lớn để giảm tổn thất điện

Năm 2015, mức tổn thất điện của EVN đã đạt con số 7,94% và mục tiêu của năm 2016 là 7,7%.     

Để đạt được mục tiêu giảm tổn thất điện 6,5% vào năm 2020, EVN đang triển khai hàng loạt giải pháp như củng cố lưới điện đáp ứng tiêu chí n-1 cho lưới điện từ 110-500kV; lựa chọn dây dẫn, máy biến áp đảm bảo mức mang tải của các đường dây không quá 50%, trạm biến áp không quá 75% so với công suất định mức; sử dụng dây dẫn, máy biến áp có tổn hao điện năng thấp; tramg bị thêm phương tiện điều chỉnh điện áp để tăng tính ổn định và khai thác hiệu quả hệ thống điện.

Ông Ngô Sơn Hải, Phó tổng giám đốc EVN cho hay, trong giai đoạn 2010-2015, tổn thất điện năng đã giảm được từ 10,15% (năm 2010) xuống còn 7,94% (năm 2015). Với 160 tỷ kWh điện sản xuất trong năm 2015, việc giảm được 1% tổn thất cũng mang lại hiệu quả rất lớn. Dẫu vậy, không thể đưa mức tổn thất điện năng về 0%, bởi đặc tính kỹ thuật của bản thân hệ thống điện sẽ có một mức tổn thất nhất định.

Trong giai đoạn 2016-2020, EVN đầu tư 24 tổ máy thuộc 13 dự án nguồn điện với tổng công suất là 6.989 MW. Theo Ban kế hoạch sản xuất của EVN, việc đảm bảo tiến độ các dự án nguồn điện trọng điểm và các nguồn điện cấp bách ở khu vực miền Nam như Duyên Hải 3, Duyên Hải 3 mở rộng, Vĩnh Tân 4, Vĩnh Tân 4 mở rộng, cùng với các nguồn điện được đầu tư của các nhà đầu tư khác, sẽ đáp ứng công suất và sản lượng cấp cho phụ tải. Điều quan trọng là việc đảm bảo tiến độ các nguồn điện sẽ giúp cân bằng sản lượng, công suất các miền, để giảm truyền tải xa, làm tăng tổn thất điện năng.

Tại Hội nghị về giảm tổn thất điện năng vừa diễn ra  trong 2 ngày 7 và 8/9, các chuyên gia quốc tế đã đưa ra nhiều kinh nghiệm cụ thể.

Theo Hiệp hội Các nhà sản xuất Dây và Cáp điện Nhật Bản (JCMA), việc giảm tổn thất điện bằng phương pháp lựa chọn dây cáp điện có tiết diện tối ưu theo kinh tế và môi trường thông qua loại cáp hạ áp bóc cách điện XLPE, đã mang lại hiệu quả giảm phát thải CO2, kiểm soát nhu cầu phụ tải đỉnh và tiết kiệm năng lượng.

Theo tính toán của JCMA, khi tất cả cáp lưới điện hạ áp  được chuyển sang dùng theo phương pháp nói trên, tổng số điện năng giảm được trong một năm vào khoảng 21 triệu MWh, tương đương điện năng sản xuất của 4 nhà máy điện cỡ lớn  là 1.000MW. Ngoài ra, tổng số phát thải CO2 giảm được tại Nhật Bản là 11,6 triệu tấn, tương đương 0,9% tổng lượng phát thải (1,261 triệu tấn) của Nhật hàng năm theo cam kết của Công ước Kyoto.

Nhật Bản hiện cũng đang tài trợ Dự án đưa máy biến áp Amorphous vào hệ thống điện, với sự tham gia của Công ty chế tạo Thiết bị Điện và Tổng công ty Điện lực Miền Nam (EVNSPC). Tại dự án này, Bộ Môi trường Nhật Bản sẽ tài trợ đến 50% chi phí mua máy biến áp Amorphous, thời gian từ năm 2015 đến tháng 3/2021 (tổng giá trị các hợp đồng khoảng 4,5 triệu USD).

Theo tính toán của EVNSPC, với 4.070 máy biến áp Amorphous được lắp đặt ban đầu, hàng năm sẽ giảm được 2,2 triệu kWh điện năng tổn hao, tương ứng với 0,004% mức tổn thất điện năng năm 2015 và giảm phát thải 1.200 tấn CO2. Tính đến hết tháng 6/2016, EVNSPC đã lắp được 5.206 máy biến áp Amorphous, giúp tiết kiệm sản lượng điện là 2,4 triệu kWh.

Kinh nghiệm của Tổng công ty Điện lực Thái Lan (PEA), để giảm tổn thất, đơn vị này đã kiểm tra định kỳ công tơ, chú ý những khách hàng có dấu hiệu tiêu thụ bất thường hay tiêu thụ bằng 0.

Ông Nguyễn Văn Lý, Phó giám đốc Tổng công ty Điện lực TP.HCM cho biết, đơn vị đã đặt hàng các nhà sản xuất điện kế để có những mẫu thiết kế phù hợp, chẳng hạn khi có tác động từ bên ngoài vào, điện kế sẽ phát ra những cảnh báo bằng âm thanh, khiến đối tượng có ý định tác động vào điện kế để gian lận sẽ không dám thực hiện, buộc từ bỏ ý đồ gian lận.

Tin bài liên quan