ELC: Kỳ vọng tăng trưởng gặp không ít thách thức

ELC: Kỳ vọng tăng trưởng gặp không ít thách thức

(ĐTCK) Có vị thế trong các lĩnh vực kinh doanh cốt lõi, bao gồm viễn thông, giao thông vận tải, an ninh, quốc phòng, năm 2016 được HĐQT CTCP Công nghệ điện tử viễn thông (ELC) kỳ vọng sẽ có sự đột phá. Tuy nhiên, bên cạnh đó, có không ít thách thức mà ELC phải đối mặt.

Triển vọng 3 lĩnh vực kinh doanh cốt lõi

Năm 2015, ELC đạt doanh thu 723 tỷ đồng, tăng 119% và lợi nhuận sau thuế đạt 73,15 tỷ đồng, tăng 18% so với năm 2014; vốn chủ sở hữu đạt 722,87 tỷ đồng, tăng 3%; tổng tài sản đạt 1.140,55 tỷ đồng, tăng 5%.

Năm 2016, ELC dự kiến doanh thu đạt 998 tỷ đồng, tăng 38% so với năm 2015. Trong đó, lĩnh vực viễn thông đóng góp hơn 449 tỷ đồng (chiếm 45%), lĩnh vực giao thông vận tải đóng góp hơn 299 tỷ đồng (chiếm 30%), lĩnh vực quốc phòng, an ninh đóng góp gần 200 tỷ đồng (chiếm 20%). Theo đó, Công ty ước đạt lợi nhuận 86 tỷ đồng, tăng gần 18% và dự tính trả cổ tức với tỷ lệ 12%.

Chỉ tiêu kinh doanh năm nay xuất phát từ việc ELC đã ký được lượng hợp đồng lớn trong lĩnh vực viễn thông trong năm vừa qua, với tổng giá trị hơn 1.030 tỷ đồng; trong đó, khoảng 50% đã được ghi nhận doanh thu trong năm 2015, phần còn lại dự kiến ghi nhận trong năm 2016 - 2017. ELC có được lợi thế trong lĩnh vực viễn thông là do nhà mạng MobiFone tách ra độc lập với Vinaphone, buộc hai nhà mạng phải đầu tư triển khai hạ tầng mới độc lập, trong khi ELC đã gắn kết với MobiFone từ lâu.

ELC: Kỳ vọng tăng trưởng gặp không ít thách thức ảnh 1

Hiện tại, MobiFone đang thuê hạ tầng để hoạt động, nhưng với xu hướng sở hữu hạ tầng riêng trong ngành viễn thông, nhà mạng này sẽ phải đầu tư thêm lượng lớn tài sản, đặc biệt là các trục cáp Bắc - Nam để phục vụ hoạt động bền vững trong dài hạn. Do ELC gắn kết với MobiFone từ khi DN này còn hoạt động trong mạng lưới của VNPT nên đây sẽ là lợi thế đối với ELC trong việc tiếp cận các dự án hợp tác cùng MobiFone. Theo HĐQT ELC, Dự án Backbone với MobiFone bao gồm 2 phần, Công ty đã ký kết và đang triển khai phần thiết bị, sẽ cố gắng ghi nhận kết quả trong quý II/2016.

Ngoài ra, kể từ tháng 10/2015, một số nhà mạng bắt đầu thử nghiệm mạng viễn thông 4G. Theo lộ trình, năm 2016 sẽ chính thức triển khai mạng 4G tại Việt Nam. Do đó, các nhà mạng sẽ phải nâng cấp và đầu tư mới hệ thống để phục vụ mảng kinh doanh trên nền tảng 4G. Điều này sẽ giúp ELC có thêm công việc trong các năm tiếp theo.

Về lĩnh vực giao thông vận tải, năm 2015, tổng giá trị hợp đồng ký kết của ELC là gần 300 tỷ đồng, với đóng góp từ hai mảng: quản lý hàng hải tàu biển và cân tải trọng. Mảng quản lý tàu biển đã được ELC triển khai nghiên cứu từ năm 2011 và có hợp đồng đầu tiên vào năm 2012 với Dự án cung cấp hệ thống giám sát hàng hải tại Vũng Tàu. Trong năm qua, ELC đã triển khai tiếp tuyến thứ ba (tuyến Cái Mép -Thị Vải) trong hơn 30 tuyến trên cả nước, với giá trị trên 130 tỷ đồng. Dự án này sẽ được Công ty hoàn thiện hạ tầng và đi vào hoạt động sau khoảng 1 năm.

ELC dự báo, giai đoạn 2016 - 2020, quy mô thị trường mảng quản lý hàng hải tàu biển có thể đạt 20.000 tỷ đồng, đây sẽ là cơ hội tốt cho Công ty. Ngoài ra, từ năm 2015, ELC bắt đầu tham gia mảng hệ thống giao thông thông minh. Dự kiến, quy mô thị trường mảng này đạt 28.000 tỷ đồng.

Trong lĩnh vực giao thông vận tại, ELC đã triển khai mảng cân tải trọng. Theo đó, Công ty lắp đặt hệ thống cân tải trọng tự động trên toàn quốc. Mảng này được kỳ vọng sẽ mang lại giá trị hợp đồng ổn định hàng năm, do thời gian thi công dự án cân tải trọng chỉ khoảng 2 - 3 tháng/trạm. Tính chung trên cả nước, hiện có 109 trạm cân (gồm 64 trạm cân lưu động và 45 trạm cân cố định) nên khối lượng công việc tiềm năng trong các năm tiếp theo của ELC là rất lớn.

Về lĩnh vực an ninh, quốc phòng, sau nhiều năm nghiên cứu phục vụ lĩnh vực này như hệ thống UAV trinh sát, các giải pháp công nghệ thông tin giám sát an ninh, công nghệ giám sát vệ tinh VSAT và Inmasat-C, trong năm 2015, ELC đã được Bộ Quốc phòng trao giấy chứng nhận đủ điều kiện tham gia vào hoạt động công nghiệp quốc phòng.

Đây sẽ là lợi thế không nhỏ của ELC khi rất ít DN ngoài quốc doanh tham gia lĩnh vực này. Tuy nhiên, ELC chỉ hoạt động ở mảng công nghệ cao trong lĩnh vực an ninh, quốc phòng. Dự kiến, tỷ trọng doanh thu mảng này trong thời gian tới sẽ tăng lên 12% tổng doanh thu.

Những thách thức phía trước

ELC có khoản đầu tư tài chính khá lớn, với giá trị đầu tư tài chính/tổng tài sản hơn 13%. Do một số khoản đầu tư không hiệu quả nên ELC phải liên tiếp trích lập dự phòng, với chi phí dự phòng tài chính trung bình giai đoạn 2013 - 2014 là 9 tỷ đồng/năm, chiếm khoảng 2,4%/doanh thu. Theo đó, khoản trích lập dự phòng hàng năm khiến ELC mất đi 2 - 3% biên lợi nhuận trước thuế.

Một trong những khoản thoái vốn đầu tư ngoài ngành mà ELC cần giải quyết để tập trung nguồn lực phát triển mảng kinh doanh cốt lõi là dự án bất động sản tại huyện Thanh Trì, Hà Nội.

Cũng cần lưu ý đến việc hầu hết hợp đồng cung cấp hạ tầng cho dự án viễn thông của ELC là các hợp đồng về tích hợp hệ thống, nên trong năm đầu tiên, ELC thường có tỷ suất lợi nhuận/doanh thu khá thấp (do chi phí liên quan đến triển khai, phát triển khá lớn). Tuy vậy, sau khi giành hợp đồng mở rộng tiếp theo, giá vốn hàng bán giảm xuống, lúc đó tỷ suất lợi nhuận trên phần thêm này sẽ tăng lên.

Ngoài ra, do phải mua thiết bị phần cứng của nước ngoài nên ELC gặp rủi ro khi tỷ giá biến động bất lợi. Mặc dù DN có doanh thu bằng ngoại tệ từ xuất khẩu phần mềm, nhưng khoản ngoại tệ này mới chỉ bù đắp được một phần ngoại tệ chi trả cho đối tác cung ứng thiết bị nước ngoài. Thực tế cho thấy, trong quý II/2015, USD tăng giá khoảng 1,3% khiến ELC bị lỗ tỷ giá hơn 6,3 tỷ đồng, chiếm 70% tổng chi phí tài chính của DN. Trong quý III/2015, nhờ ký kết hợp tác với Ngân hàng Quân đội nên ELC đã phòng vệ được một phần rủi ro tỷ giá.

Một vấn đề khác, khách hàng của ELC phần lớn là các DNNN và các bộ, ngành, nên kết quả hoạt động của ELC có thể biến động theo tình hình ngân sách và đầu tư của đối tượng khách hàng này. Trong quá khứ, khi VNPT tái cấu trúc (2013), ELC đã bị suy giảm nghiêm trọng cả về doanh thu và lợi nhuận.

Trên TTCK, cổ phiếu ELC gần đây được giao dịch quanh ngưỡng 23.000 đồng/CP, tương đương P/E khoảng 13 lần, cao hơn mức P/E trung bình giai đoạn 2012 - 2015. Năm 2016, nếu ELC hoàn thành kế hoạch lợi nhuận, lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu (EPS) sẽ duy trì trên mức 2.000 đồng như trong những năm gần đây.

ELC: Kỳ vọng tăng trưởng gặp không ít thách thức ảnh 2

Ông Phan Chiến Thắng 

Ông Phan Chiến Thắng, Chủ tịch HĐQT Elcom (ELC) cho biết, từ cuối năm 2014, ELC đã đánh giá lại các hoạt động đầu tư của DN, trong đó ngoài việc duy trì chiếm lĩnh thị trường trong nước ở các mảng kinh doanh chủ chốt như viễn thông, giao thông vận tải, an ninh quốc phòng, Công ty đồng thời đẩy mạnh phát triển các lĩnh vực tiềm năng mới.

Trong đó, đáng chú ý là việc đẩy mạnh cung cấp dịch vụ, xây dựng, phát triển tập thuê bao riêng của ELC, đưa các sản phẩm công nghệ cao đến người tiêu dùng; thiết kế các giải pháp, sản phẩm, thiết bị trong lĩnh vực chuyển đổi số hóa đáp ứng nhu cầu triển khai công nghệ di động thế hệ thứ 4 - 4G LTE từ năm 2016 tại Việt Nam; tập trung nghiên cứu và xây dựng sản phẩm để giải quyết các vấn đề “nóng” đang đặt ra hiện nay về giao thông nội đô và giao thông đường sắt; tiếp cận thị trường nông nghiệp ở các lĩnh vực như xây dựng giải pháp nhà kính trọn vẹn, hệ thống lọc nước tuần hoàn RAS phục vụ các trại sản xuất giống và nuôi thâm canh các loài thủy sản nước ngọt, lợ, mặn…

Bên cạnh đó, ELC thoái một số khoản đầu tư ngoài ngành nghề kinh doanh cốt lõi. Với khoản đầu tư vào Dự án mỏ đồng tại Bắc Kạn hay Dự án bất động sản tại huyện Thanh Trì, Hà Nội, dù còn vướng mắc tại một số thủ tục, nhưng về cơ bản, dựa trên các đánh giá về yếu tố thị trường, các khoản này đều có thể thoái trên giá vốn.

Tin bài liên quan