Ảnh Internet

Ảnh Internet

DPM thận trọng đặt kế hoạch 2015

(ĐTCK) Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (DPM) cho biết, các chỉ tiêu kế hoạch năm 2015 sẽ tương đồng như năm 2014.

Năm 2015, dự báo môi trường kinh doanh có nhiều khó khăn với doanh nghiệp kinh doanh phân đạm. Cụ thể, chính sách thuế mới từ 1/1/2015 quy định, phân bón là mặt hàng không chịu thuế VAT nên không được khấu trừ thuế VAT đầu vào cho sản xuất - kinh doanh phân bón.

Quy định này sẽ làm tăng giá thành sản phẩm, tương ứng làm giảm lợi nhuận của DPM khoảng 400 tỷ đồng. Nguồn cung phân đạm trong nước tiếp tục dư thừa khi 2 dây chuyền của Đạm Hà Bắc đi vào hoạt động từ tháng 1/2015. Tỷ giá biến động mạnh cũng là khó khăn trong kinh doanh phân bón. Hàng giả, kém chất lượng trên thị trường phân bón chưa được kiểm soát chặt chẽ.

Trong bối cảnh đó, ông Cao Hoài Dương, Tổng giám đốc DPM cho biết, Tổng công ty sẽ đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu. Ngoài các thị trường lân cận như Campuchia, Myanmar - đang chịu ảnh hưởng bởi các sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc, DPM đã mở rộng sang thị trường New Zealand và Jordan. Năm 2014, DPM đã xuất khẩu 878 tấn sản phẩm sang các thị trường này.

Trả lời câu hỏi của ĐTCK về kế hoạch tăng trưởng, ông Dương cho biết, quý IV/2015, Dự án UFC85/Formadehyde dự kiến đi vào hoạt động sẽ góp phần tăng doanh thu cho Tổng công ty khoảng 400 tỷ đồng. Ngoài ra, Dự án tổ hợp NH3 - NPK đang trong quá trình đánh giá hồ sơ thầu, dự kiến ký hợp đồng EPC trong quý I/2015, cho ra sản phẩm vào năm 2017. Dự án này, Tổng công ty tập trung sản xuất các sản phẩm NPK chất lượng cao dùng cho các cây công nghiệp như điều, cao su, tiêu… thay thế hàng nhập khẩu. Cả hai dự án trên dự kiến đóng góp khoảng 4.500 tỷ đồng doanh thu mỗi năm cho DPM.

Liên quan đến việc bị truy thu thuế và phạt chậm nộp thuế mà DPM mới công bố: “Tổng cục Thuế quyết định truy thu thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2013 đối với DPM số tiền 16,5 tỷ đồng và phạt 5,4 tỷ đồng do kê khai sai và chậm nộp thuế. Tổng cộng số tiền truy thu và phạt nộp thuế là 21,9 tỷ đồng”, ông Dương khẳng định, là một Tổng công ty lớn có thương hiệu và uy tín, DPM không có động cơ để trốn thuế.

Số thuế truy thu phát sinh chủ yếu là do sự khác biệt trong cách tính lượng khí C02 dùng trong sản xuất giữa bộ phận chuyên môn của DPM và Thanh tra Thuế. DPM sẽ thành lập một hội đồng kỹ thuật, trong đó có sự tham gia của bên thứ 3 độc lập để xác định mức thuế DPM phải nộp. Tuy nhiên, trước mắt, DPM vẫn chấp hành kết luận của Thanh tra Thuế về nộp thuế truy thu và phạt phát sinh, đồng thời công bố thông tin theo quy định.

Tin bài liên quan