Với thị phần vận tải 5% tại Việt Nam, việc Hanjin phá sản ít ảnh hưởng đến các DN xuất khẩu

Với thị phần vận tải 5% tại Việt Nam, việc Hanjin phá sản ít ảnh hưởng đến các DN xuất khẩu

Doanh nghiệp xuất khẩu ít chịu tác động từ sự kiện Hanjin

(ĐTCK) Việc hãng tàu lớn thứ 7 thế giới Hanjin tuyên bố phá sản đã tạo ra một cú sốc lên thương mại toàn cầu, làm dấy lên mối lo ngại giữa những nhà đầu tư về ảnh hưởng của sự kiện này lên các doanh nghiệp xuất khẩu tại Việt Nam.

Ảnh hưởng trực tiếp không đáng kể

Vụ phá sản của hãng tàu biển đang chiếm 5% thị phần vận chuyển hàng hóa tại Việt Nam, theo nhận định của ông Phạm Quốc Long, Phó chủ tịch Hiệp hội Đại lý và Môi giới hàng hải Việt Nam (VISABA), trước hết thiệt hại thuộc về các doanh nghiệp phụ trợ (vận tải, bốc xếp) cho Hanjin Shipping tại Việt Nam, bởi việc thanh toán tiền cước, tiền bốc xếp của các nhà cung cấp phụ của hãng này phải chờ đợi giải quyết. Các doanh nghiệp xuất nhập khẩu sẽ chịu tác động không quá lớn. Mới đây, nhiều doanh nghiệp dệt may, thủy sản đang niêm yết cũng lên tiếng xác nhận điều này.

Trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, ông Lê Quang Hùng, Chủ tịch HĐQT CTCP Garmex Sài Gòn (GMC) cho biết, hiện Công ty có một container hàng bị kẹt trên đường đến Singapore do khách hàng chỉ định hãng tàu Hanjin vận chuyển và khách hàng này sẽ phải làm các thủ tục để chuyển qua hãng tàu khác. Từ trước đến nay, GMC bán hàng theo hình thức FOB (Free On Board - giao lên tàu, nghĩa là miễn trách nhiệm trên boong tàu nơi đi). Việc thanh toán các khoản chi phí cước vận tải, phí bảo hiểm hàng hóa xuất khẩu của GMC sẽ thuộc trách nhiệm của bên mua hàng, do vậy, GMC không chịu trách nhiệm hay bị ảnh hưởng gì từ vụ phá sản của Hanjin. Nhưng khi khách hàng có khó khăn, GMC có thể xem xét cho phép chậm thanh toán hơn một chút cho container hàng này.

Tuy nhiên, ông Hùng lưu ý, một doanh nghiệp vận tải lớn nhất của Hàn Quốc bị phá sản thì những doanh nghiệp có thị trường xuất khẩu chính là Hàn Quốc cũng cần lưu ý, theo dõi sát sao hơn diễn biến kinh tế, chính trị của Hàn Quốc để phòng ngừa rủi ro. 

Tại doanh nghiệp cùng ngành với GMC là CTCP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (TCM), có thị trường xuất khẩu chính là Hàn Quốc, Mỹ, Nhật, ông Trần Như Tùng, Thành viên HĐQT khẳng định, không chịu ảnh hưởng của sự kiện Hanjin phá sản do Công ty không sử dụng dịch vụ của hãng tàu này.

Tương tự, CTCP Sợi Thế Kỷ (STK) cho biết không sử dụng dịch vụ của hãng tàu Hanjin nên không có sự tác động nào đến Công ty.

Với CTCP Đầu tư thương mại TNG, Chủ tịch HĐQT Nguyễn Văn Thời cho biết, TNG có ký hợp đồng với 4 hãng vận tải quốc tế để chở hàng trực tiếp từ nước ngoài về,  trong đó có Hanjin. “Nhưng rất may, tuyến Hanjin phụ trách, đợt này lại chưa có hàng nên TNG không bị thiệt hại gì. Với tình hình như hiện nay, TNG sẽ thanh lý hợp đồng vận chuyển với Hãng Hanjin”, ông Thời cho biết.

Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Thêu đan TP. HCM cho biết, đến thời điểm hiện tại, Hiệp hội chưa nhận được phản ánh khó khăn nào của các doanh nghiệp thành viên. Theo ông Hồng, vụ phá sản của Hanjin không tác động nhiều tới các doanh nghiệp dệt may trong nước.

Trong nhóm doanh nghiệp thủy sản, CTCP Vĩnh Hoàn, doanh nghiệp có doanh thu xuất khẩu 250 triệu USD trong năm 2015, đã có thông báo chính thức về việc không có bất kỳ lô hàng nào được vận chuyển thông qua Hanjin, nên việc xuất hàng và hàng hóa của Công ty hoàn toàn không bị ảnh hưởng bởi sự kiện hãng tàu này phá sản. Hiện hàng hóa xuất khẩu của Vĩnh Hoàn được vận chuyển thông qua một số hãng tàu nước ngoài như Maersk Line, CMA-CGM Group, APL, COSCO Container Lines, Yang Ming Line,...

“Có nhà đầu tư đặt câu hỏi, Vĩnh Hoàn có đặt ra các giải pháp nào để phòng ngừa hoặc ứng phó tình trạng tương tự xảy ra với các hãng tàu quốc tế khác? Câu trả lời là, chúng tôi ký hợp đồng vận chuyển hàng với các hãng tàu quốc tế, trong trường hợp xấu xảy ra giống như sự việc Hanjin, Vĩnh Hoàn sẽ thương lượng với hãng tàu để tìm cách lấy hàng ra và chuyển sang hãng khác, khi đó hàng sẽ bị chậm một chút, nhưng không ảnh hưởng nhiều”, đại diện Vĩnh Hoàn nói và cho biết thêm, do điều kiện bán hàng của Công ty thường là CPT (cước phí trả tới) hoặc FOB, nên khách hàng sẽ trả bảo hiểm cho các lô hàng mua, Vĩnh Hoàn chỉ trả phần cước tàu, trường hợp như Hanjin thì sẽ được hoàn cước tàu.

CTCP Hùng Vương (HVG), đại diện HVG cho hay, HVG không sử dụng dịch vụ của hãng tàu Hanjin. Đến thời điểm này, Công ty cũng chưa có thêm thông tin về các khách hàng gặp khó khăn trước sự phá sản của Hanjin. 

… nhưng sẽ chịu tác động gián tiếp

Tại doanh nghiệp ngành vật liệu xây dựng nhập khẩu nguyên liệu và xuất khẩu gần như toàn bộ sản phẩm là VCS Stone, ông Hồ Xuân Năng, Chủ tịch VCS Stone cho biết, Công ty sử dụng các hãng tàu quốc tế như Maersk Line và không sử dụng dịch vụ của Hanjin. Theo ông Năng, những doanh nghiệp sử dụng dịch vụ của hãng tàu Hàn Quốc bị ảnh hưởng lớn nhất là tiến độ bán hàng, giao hàng, còn việc các bên có liên quan như bạn hàng nước ngoài có phạt doanh nghiệp Việt do chậm giao hàng không thì sẽ không xảy ra do đây là sự kiện bất khả kháng.

Doanh nghiệp xuất khẩu ít chịu tác động từ sự kiện Hanjin ảnh 1

Tuy nhiên, ông Năng cho rằng, các nhà xuất nhập khẩu có thể chịu tác động gián tiếp của sự kiện này vì giá cước vận chuyển quốc tế có thể tăng. Hiện thị trường đang theo dõi liệu có xảy ra hiệu ứng domino từ sự việc này hay không vì nhiều hãng vận tải quốc tế đang hoạt động yếu kém có thể bị ảnh hưởng theo làm đơn xin bảo hộ phá sản.

Việc Hanjin Shipping phá sản, đặc biệt trong mùa cao điểm vận chuyển hàng hóa chuẩn bị cho các dịp lễ cuối năm đang gây lo ngại về việc giá dịch vụ vận chuyển tăng mạnh trên toàn cầu. Hiện Hanjin Shipping chiếm khoảng 7,8% lượng hàng quá giao dịch qua Thái Bình Dương tới thị trường Mỹ và các khách hàng toàn cầu khác. Theo số liệu của Chính phủ Hàn Quốc, 8.281 chủ hàng hóa đã được Hanjin Shipping vận chuyển tính tới cuối tháng 8, trong đó có 847 chủ hàng Hàn Quốc.

Nerijus Poskus, Giám đốc Giá và thu mua hàng hóa của Flexport cho biết, giá vận chuyển container 40 feet từ Trung Quốc tới Mỹ đã tăng gần 50% trong một ngày. Theo đó, giá chuyển hàng hóa từ Trung Quốc tới các cảng phía Tây tăng từ 1.100 USD/container lên 1.700 USD/container trong ngày 31/8, trong khi giá hàng hóa từ Trung Quốc tới các cảng phía Đông tăng từ 1.700 USD/container lên 2.400 USD/container. Thêm vào đó, Poskus cho rằng, giá vận chuyển sẽ còn cao hơn nữa trong 1 - 2 tháng tới.

Đồ thị chỉ số thuê tàu hàng khô Bantic (BDI) cũng cho thấy, giá cước vận tải biển đang theo chiều hướng đi lên so với cuối tháng 8.

Tin bài liên quan