Doanh nghiệp thua lỗ dần lộ diện

Doanh nghiệp thua lỗ dần lộ diện

(ĐTCK) Trong số gần 300 DN niêm yết đã công bố báo cáo tài chính (BCTC) quý II, có hàng chục DN công bố thua lỗ trong 6 tháng đầu năm 2013.

> Kết quả kinh doanh quý II/2013

 

Những gương mặt thua lỗ

6 tháng đầu năm 2013, CTCP Khoáng sản Bắc Kạn (BKC) đạt doanh thu hơn 12 tỷ đồng, nhưng lỗ hơn 11 tỷ đồng. Quý II/2013 là quý thứ 7 liên tiếp, BKC công bố thua lỗ. Ngoài nguyên nhân khách quan khó khăn chung của nền kinh tế còn xuất phát từ lý do Xí nghiệp khai thác khoáng sản Bằng Lãng phải tạm dừng hoạt động, dẫn đến thiếu nguồn nguyên liệu tại Xí nghiệp tuyển khoáng, trong khi chi phí nhân công, chi phí duy tu bảo dưỡng máy móc vẫn phát sinh.

Năm 2013, CTCP Tấm lợp vật liệu xây dựng Đồng Nai (DCT) đặt kế hoạch lãi 12 tỷ đồng, nhưng kết thúc 6 tháng đầu năm, Công ty lỗ gần 77 tỷ đồng, trong khi doanh thu đạt 139,34 tỷ đồng. CTCP Đầu tư PV2 (PV2) vừa công bố BCTC quý II/2013 với mức lỗ 12,7 tỷ đồng. Đây là quý thứ hai liên tiếp, PV2 báo lỗ, nâng lỗ lũy kế 6 tháng đầu năm lên 14,7 tỷ đồng. Chi phí tài chính và chi phí quản lý của PV2 đều tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái.

Doanh nghiệp thua lỗ dần lộ diện ảnh 1

Đối với các DN sản xuất xi măng, cùng với sự “trầm buồn” của thị trường bất động sản là sự sụt giảm về sản lượng tiêu thụ, tồn kho tăng trong khi giá vật tư và chi phí đầu vào tăng cao, vẽ nên bức tranh lợi nhuận 6 tháng đầu năm của các DN xi măng với nhiều mảng màu xám. Trong quý II/2013, CTCP Xi măng Hoàng Mai (HOM) lỗ gần 13 tỷ đồng, nâng mức lỗ lũy kế 6 tháng đầu năm lên 23,84 tỷ đồng. CTCP Xi măng Sông Đà Yaly (SDY) lỗ 3,54 tỷ đồng trong quý II/2013 (quý thứ ba liên tiếp thua lỗ), nâng mức lỗ lũy kế 6 tháng đầu năm lên 7,56 tỷ đồng. CTCP Xi măng Thái Bình (TBX) lỗ 1,47 tỷ đồng trong quý II/2013, CTCP Khoáng sản Xi măng Cần Thơ (CCM) lỗ 223 triệu đồng trong quý II/2013…

Ở khối CTCK, tỷ lệ công ty thua lỗ trong 6 tháng đầu năm 2013 được dự báo vẫn chiếm ở mức cao, một số công ty đã công bố số lỗ như CTCK Sacombank (SBS) lỗ 33,6 tỷ đồng, CTCK Đại Tây Dương (OSC) lỗ hơn 5 tỷ đồng, CTCK Phú Hưng (PHS) lỗ 6 tỷ đồng, CTCK Hồng Bàng (HBSC) lỗ hơn 21 tỷ đồng.

Hạn cuối cùng công bố BCTC 6 tháng đầu năm là ngày 15/8, danh sách các DN niêm yết thua lỗ được dự báo sẽ kéo dài, có thể lên đến con số hàng trăm.

 

Nhiều nguyên nhân

Nguyên nhân thua lỗ chung của các DN là do doanh thu không đủ bù chi phí. Song đối với từng DN cũng như đối với đặc thù từng ngành, thua lỗ xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó một phần đến từ việc trích lập dự phòng. Theo PV2, nguyên nhân dẫn đến thua lỗ là do Công ty phải trích lập dự phòng giảm giá các khoản đầu tư cùng nợ phải thu khó đòi nên chi phí tài chính, chi phí quản lý đồng thời tăng mạnh.

Với DCT, ông Nguyễn Công Lý, Tổng giám đốc DCT cho biết, hoạt động của Trạm nghiền xi măng Công Thanh tại Nhơn Trạch, Đồng Nai với công suất 1.800.000 tấn/năm bị gián đoạn do sự cố từ cuối năm 2012, khi tàu YM của nước ngoài đâm vào cần cẩu của cảng nhà máy. Tuy nhiên, sau nhiều lần đàm phán, bên nước ngoài đã đồng ý bồi thường 7,5 triệu USD và Công ty sẽ dùng số tiền này để khắc phục sự cố, đồng thời đầu tư phát triển để bù đắp thiệt hại trong thời gian qua. Ông Lý chia sẻ, 6 tháng cuối năm, Công ty sẽ cố gắng bù lỗ và hoàn thành chỉ tiêu lợi nhuận 12 tỷ đồng đã đặt ra.

Còn tại HOM, nguyên nhân thua lỗ là do giá vật tư đầu vào quý II/2013 tăng cao, đặc biệt là giá điện tăng 11,4%, trong khi sản lượng clinke sản xuất giảm 66% và sản lượng xi măng tiêu thụ giảm 11,9% Ngoài ra, HOM đang có lượng hàng tồn kho trị giá 341,7 tỷ đồng.

Nguyên nhân chung dẫn đến tình trạng thua lỗ đối với các DN xi măng là do tiêu thụ mặt hàng xi măng không thuận lợi trong bối cảnh chi phí nguyên liệu đầu vào tăng cao.