Doanh nghiệp phân đạm lo ế hàng

Doanh nghiệp phân đạm lo ế hàng

Các doanh nghiệp sản xuất phân đạm đang lo ế sản phẩm, bởi năng lực sản xuất trong nước đã vượt nhu cầu, trong khi lượng phân đạm nhập khẩu lại không hề nhỏ.

E ngại phân bón nhập khẩu theo đường tiểu ngạch

Với 4 nhà máy phân đạm hiện có, năng lực sản xuất mặt hàng này trong nước đã đạt hơn 2,2 triệu tấn/năm. So với nhu cầu sử dụng cho nông nghiệp ở mức 2 triệu tấn phân đạm/năm, cung trong nước đã vượt cầu. Tuy vậy, vẫn có lượng phân đạm không nhỏ đang được nhập khẩu vào Việt Nam.

Theo đánh giá mới đây của Bộ Công thương, năm 2013, có khoảng 800.000 tấn phân đạm được nhập khẩu vào Việt Nam, trong đó có tới 737.000 tấn đến từ Trung Quốc, chiếm tới 92%.

Do lượng phân bón nhập khẩu năm 2013 lớn, nên lượng phân đạm tồn kho của các doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Nhà máy Đạm Hà Bắc và Nhà máy Đạm Ninh Bình) và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Nhà máy Đạm Phú Mỹ và Nhà máy Đạm Cà Mau) vẫn ở mức cao.

Đại diện Cục Hóa chất (Bộ Công thương) cho biết, hết quý I/2014, giá phân bón thế giới có xu hướng giảm do nguồn cung dồi dào. Giá chào bán phân đạm tại Ukraine là 310-316 USD/tấn, FOB; giá tại Trung Quốc là 295-307 USD/tấn, FOB, Mức giá này giảm 30-40 USD/tấn so với đầu năm và giảm 80-110 USD/tấn so với cùng kỳ năm 2013. Giá phân bón tại Trung Quốc có xu hướng giảm mạnh hơn các thị trường khác, do nguồn cung dồi dào và lượng tồn kho lớn.

“Nhiều dự báo cho thấy, tình trạng cung phân đạm vượt cầu ở Trung Quốc có thể kéo dài tới năm 2017. Điều này là do giai đoạn 2013-2017, trên thế giới sẽ có thêm 55 nhà máy sản xuất phân đạm mới đi vào hoạt động, trong đó có 20 nhà máy tại Trung Quốc. Hiện tại, năng lực sản xuất phân đạm của các nhà máy tại Trung Quốc là 71 triệu tấn, trong khi nhu cầu chỉ khoảng 52 triệu tấn”, đại diện Cục Hóa chất nhận xét.

Với thực tế dư thừa nguồn cung phân bón từ Trung Quốc (thị trường lớn nhất thế giới), các nhà sản xuất phân bón của Việt Nam e ngại, Trung Quốc sẽ có những khuyến khích mạnh để giảm lượng phân bón tồn kho. 

Hiện Bộ Công thương cũng đang nghiên cứu việc hạn chế hoặc tạm dừng nhập khẩu biên mậu (qua các cửa khẩu phụ, lối mở biên giới) với các loại phân bón mà trong nước đã sản xuất đáp ứng đủ nhu cầu, như đạm hay NPK theo từng thời điểm, phụ thuộc vào tình hình sản xuất và nhu cầu trong nước.

Ông Cao Hoài Dương, Tổng giám đốc Tổng công ty Phân bón và Hóa chất dầu khí (PVFCCo), đơn vị quản lý Nhà máy Đạm Phú Mỹ (có công suất 800.000 tấn/năm) cho biết, phần lớn phân đạm nhập khẩu từ Trung Quốc về theo đường tiểu ngạch, chứ không phải chính ngạch. Bởi vậy, nếu áp dụng biện pháp tăng thuế để hạn chế phân đạm nhập khẩu cũng không có ý nghĩa.

Vật lộn với bài toán hiệu quả

Song ngay cả khi chặn được nguồn nhập khẩu, thì việc phát huy hiệu quả của các nhà máy sản xuất phân đạm tại Việt Nam cũng đứng trước những thách thức không nhỏ.

Theo ước tính, năm 2014, nhu cầu phân đạm cả nước vẫn ở mức 2 triệu tấn/năm. Tuy nhiên, năng lực sản xuất trong nước vẫn tiếp tục tăng. Ngoài năng lực sản xuất 2,23 triệu tấn hiện có, Dự án Mở rộng Nhà máy Đạm Hà Bắc sẽ hoàn thành trong cuối năm 2014, tiếp tục tăng thêm 500.000 tấn phân đạm nữa.

Tới hết tháng 4/2014, lượng tồn kho phân đạm của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam đã là 130.000 tấn.

Cũng có thực tế nữa là, Nhà máy Đạm Ninh Bình mới đi vào hoạt động vào cuối năm 2012, nên các chi phí khấu hao, lãi vay chiếm tỷ trọng lớn trong giá thành sản phẩm. Chi phí về than để sản xuất đạm tại đây cũng cao hơn nhiều so với các tính toán trong dự án đầu tư trình Chính phủ vào tháng 2/2007, trong khi giá bán phân đạm thay đổi không nhiều. Cụ thể, giá than tăng từ 119% đến 129%, trong khi giá phân đạm chỉ tăng 11,7%, khiến nhà sản xuất này bị lỗ trong năm 2013 và quý I/2014.

Tại hai nhà máy Đạm Phú Mỹ và Đạm Cà Mau, từ ngày 1/4/2014, giá khí đầu vào cũng đã được điều chỉnh tăng so với trước đó. Mức giá khí mới của Đạm Phú Mỹ là 7,4 USD/triệu BTU, tăng 12% so với mức giá cũ. Tại Nhà máy Đạm Cà Mau, phương án giá khí mới vẫn chưa được chốt, bởi còn liên quan đến hiệu quả sản xuất của năm 2014 và chuẩn bị cho phương án cổ phần hóa.

Tin bài liên quan