SCR đã và đang tái cơ cấu mạnh mẽ các dự án bất động sản

SCR đã và đang tái cơ cấu mạnh mẽ các dự án bất động sản

Doanh nghiệp nỗ lực vào cuộc tái cấu trúc

(ĐTCK) Tồn đọng vốn vào một hoặc một vài dự án khiến không ít DN rơi vào tình trạng gần như đóng băng hoạt động. Quá trình tái cấu trúc có thể nhanh hoặc chậm, nhưng những chuyển biến của một vài DN niêm yết thời gian gần đây cho thấy, nếu có nỗ lực trồng cây thì sẽ có ngày hái quả.

Từ câu chuyện SCR…

Kể từ năm 2011, CTCP Địa ốc Sài Gòn Thương Tín (SCR) chưa năm nào ghi nhận lỗ trong BCTC năm. Thế nhưng, con số lãi của SCR các năm khó có thể nói làm yên lòng cổ đông.

Năm 2011, Công ty lãi sau thuế 16,18 tỷ đồng; năm 2012 lãi tốt hơn, 88,9 tỷ đồng; năm 2013 lại giảm về gần 8 tỷ đồng và năm 2014 là 29 tỷ đồng.

So với con số lãi 426,6 tỷ đồng năm 2010, lợi nhuận SCR 4 năm qua chẳng đáng là bao. Buồn hơn nữa cho cổ đông SCR là lợi nhuận trong suốt thời kỳ này của Công ty chủ yếu đến từ các khoản lợi nhuận khác.

Hàng tồn kho lớn, vay nợ tỷ lệ cao khiến thanh khoản cạn kiệt, hoạt động kinh doanh của SCR cũng như nhiều công ty BĐS khác trở nên khó khăn suốt mấy năm liền. Tái cấu trúc nguồn vốn, tài sản là yêu cầu bắt buộc, nếu SCR không muốn tiếp tục giậm chân tại chỗ.

Tháng 1/2015, SCR có Tổng giám đốc mới, ông Phạm Nhật Vinh, người thổi luồng gió mới vào tiến trình tái cấu trúc của Công ty. Đến thời điểm này, với sự hỗ trợ của các cổ đông chiến lược, HĐQT, kết quả quá trình tái cấu trúc của Công ty đã trở nên khá rõ ràng.

Kết thúc quý I/2015, SCR hoàn thành đợt phát hành 375 tỷ đồng mệnh giá cổ phần; trong đó 350 tỷ đồng thu về được sử dụng cho mục đích tái cấu trúc nợ. Hàng loạt khoản đầu tư vào công ty con, công ty liên kết cũng được SCR tích cực thực hiện, song song với việc hoàn thành thủ tục phát hành riêng lẻ 500 tỷ đồng mệnh giá cổ phần để chuyển đổi nợ thành vốn cổ phần.

Trao đổi với ĐTCK, ông Phạm Nhật Vinh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cho biết, trong thời gian tới đây, cùng với việc hoàn tất việc phát hành riêng lẻ 500 tỷ đồng mệnh giá cổ phần để cấn trừ công nợ và thoái vốn đầu tư tại các công ty con, công ty liên kết, dư nợ vay của SCR sẽ chỉ còn ở mức 500 tỷ đồng.

Giảm 1.600 tỷ đồng nợ vay,  mỗi năm, sau đó, SCR sẽ giảm được tới 160 tỷ đồng lãi vay so với giai đoạn 2011 - 2014. Thêm vào đó, cơ cấu hoạt động gọn nhẹ hơn, tỷ lệ vay nợ thấp là tiền đề để Công ty có thể tăng khả năng tài chính và huy động các nguồn lực khác tài trợ vốn cho các dự án đang triển khai.

Đặc biệt hơn, trong thương vụ gần nhất được hoàn tất ngày 30/6/2015, SCR cùng với CTCP Đầu tư Thành Thành Công thoái vốn hoàn toàn khỏi Dự án Celaron City thu về gần 1.500 tỷ đồng.

“Với số tiền lớn từ thu về từ bán dự án, chúng tôi đang lên kế hoạch thực hiện M&A các dự án bất động sản”, ông Vinh cho biết.

Quý II/2015, SCR đã bắt đầu kế hoạch mở bán ồ ạt các sản phẩm bất động sản, trong đó, lớn nhất là 800 căn hộ Jamona Apartment (quận 7), hơn 200 căn hộ Carillon 2, gần 100 căn hộ Carillon 3, hơn 100 nền đất tại Dự án Jamona City…

Mặc dù kế hoạch tái cấu trúc của SCR đang tỏ ra đi đúng định hướng, nhưng với những gì SCR đã làm trong quá khứ, thì cần thêm thời gian để chứng minh hiệu quả của kế hoạch này với cổ đông, nhà đầu tư.   

… đến câu chuyện UDC

Năm 2009, khi còn chưa niêm yết cổ phiếu trên TTCK, CTCP Xây dựng và phát triển đô thị tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu (UDC) được các NĐT săn đón bởi sở hữu trong tay hàng loạt dự án bất động sản lớn; trong đó, Dự án Bàu Sen là tâm điểm chú ý của nhiều NĐT. Thế nhưng, ít ai ngờ được, dự án này cũng chính là lý do khiến rất nhiều hoạt động của Công ty trở nên đình trệ sau đó.

“Cuối năm 2009, Công ty đã hoàn thành móng và đủ điều kiện bán hàng. Thế nhưng việc ký kết hợp đồng vay vốn ngân hàng, điều kiện để được mở bán không thuận lợi, khiến Công ty bở lỡ cơ hội thị trường tốt nhất”, ông Trịnh Hàng, Chủ tịch HĐQT UDC cho biết.

Không bán được hàng, lãi vay vẫn phát sinh, vốn bị tồn đọng, 4 năm qua, UDC sống cầm chừng với lợi nhuận khiêm tốn. Sở hữu trong tay nhiều dự án, nhưng chỉ với Dự án Bàu Sen, tỷ lệ vay nợ của UDC đã bị đội lên khá cao, khiến Công ty rất khó vay nợ thêm để đầu tư cho dự án khác. Làm cách nào để giải phóng áp lực tài chính khỏi Dự án Bàu Sen là câu hỏi mà Ban lãnh đạo UDC đã đặt trong suốt mấy năm qua. Chỉ đến tận cuối tháng 6, Công ty mới tìm ra lối thoái cho mình.

Ngày 25/6/2015, HĐQT UDC đã thông qua phương án chuyển nhượng dự án Bàu Sen với giá 600 tỷ đồng.

“Dự kiến, trong năm nay, UDC sẽ hoàn tất việc bán này. Lợi nhuận thu về không quá lớn, nhưng điều quan trọng nhất là Công ty sẽ giảm mạnh áp lực vay nợ, giúp Công ty có cơ hội tập trung nguồn lực và huy động vốn cho các dự án khác. Chỉ tính riêng việc giảm lãi vay, mỗi năm, UDC tiết kiệm được hàng chục tỷ đồng”, ông Hàng cho biết.

“Đây cũng là bài học cho Công ty. Trong thời gian tới, UDC vẫn sẽ tiếp tục đầu tư dự án, nhưng chúng tôi sẽ phải xem xét rất kỹ để đảm bảo hạn chế tối đa sự phụ thuộc vào vốn vay ngân hàng”, ông Hàng nói.

Tin bài liên quan