Mật độ xuất hiện các dự án du lịch, 
nghỉ dưỡng tại Phú Quốc ngày càng dày đặc

Mật độ xuất hiện các dự án du lịch, nghỉ dưỡng tại Phú Quốc ngày càng dày đặc

Doanh nghiệp niêm yết “đổ bộ” vào Phú Quốc

(ĐTCK) Nhiều DN bất động sản lớn như VIC, CEO, SunGroup… đã đầu tư và triển khai các dự án tại Phú Quốc, khiến giá đất ở khu vực này có xu hướng tăng. Không ít DN bất động sản nhạy bén khác cũng sớm đón đầu cơ hội tại đây. Một số DN sở hữu sẵn đất giá rẻ tại Phú Quốc bắt đầu hưởng lợi.

Vingroup đã khai trương Khu nghỉ dưỡng Vinpearl Resort đầu tháng 11/2014 với hơn 750 phòng.

CTCP Tập đoàn C.E.O (CEO) có quỹ đất lớn, trong đó khoảng 50% quỹ đất nằm ở các dự án bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng tại Phú Quốc. CEO có 3 dự án lớn tại đây gồm: Sonasea Villas & Resort, Sonasea Residences và Sonasea Golf Estates. Quý IV/2014, Công ty ghi nhận 254,8 tỷ đồng doanh thu và 72,4 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tương ứng tăng 272,2% và 368,4% so với quý trước đó.

Đại diện CEO cho biết, quý cuối của năm 2014 có kết quả kinh doanh đột biến là bởi Tập đoàn đã kinh doanh một phần quỹ đất tại Phú Quốc.

Đối với Tập đoàn Đất Xanh (DXG), công ty thành viên là Địa ốc Long Điền - đã khởi công Dự án Khu du lịch và nghỉ dưỡng cao cấp Palmela Residence, quy mô 85,3 héc-ta tại Phú Quốc, với tổng mức đầu tư 4.365 tỷ đồng.

Tập đoàn LDG Group đã giới thiệu Dự án Khu du lịch và biệt thự nghỉ dưỡng cao cấp Grand World tại Phú Quốc, với mức đầu tư hơn 4.600 tỷ đồng.

Một số DN lớn khác như SunGroup với nhiều dự án ở Đà Nẵng, hay Tập đoàn Mường Thanh cũng đã “đặt chân” đến Phú Quốc.

Tập đoàn FLC được Ban quản lý Đầu tư phát triển Đảo Phú Quốc lựa chọn trình UBND tỉnh Kiên Giang xem xét phê duyệt là chủ đầu tư Dự án Quần thể sân golf và khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp quốc tế Bãi Vòng, quy mô khoảng 28.000 tỷ đồng tại Phú Quốc. Theo kế hoạch, dự án được chia làm 3 giai đoạn, hoàn thành trong 5 năm, trong đó giai đoạn 1 sẽ được đưa vào khai thác sau 16 tháng kể từ khi khởi công.

Thực tế cho thấy, mật độ xuất hiện các dự án du lịch, nghỉ dưỡng tại Phú Quốc ngày càng dày đặc, cộng thêm việc Phú Quốc được công nhận là đô thị loại 2 khiến bất động sản nơi đây tăng giá và thu hút thêm nhiều DN đến tìm kiếm cơ hội.

CTCP Viễn Liên (UNI) có lĩnh vực kinh doanh chính là công nghệ viễn thông, nhưng do cạnh tranh gay gắt, dần bị thu hẹp thị phần nên DN này có định hướng mới: bất động sản Phú Quốc sẽ trở thành hoạt động chủ lực trong 5 năm tới. Mới đây, cổ phiếu UNI đã được đưa ra khỏi diện cảnh báo nhờ lợi nhuận 6 tháng đầu năm 2015 không âm, đạt 6,33 tỷ đồng, tăng mạnh so với con số 282 triệu đồng cùng kỳ năm trước.

Trong 6 tháng đầu năm, UNI bán và hạch toán doanh thu, lợi nhuận từ 83 nền đất có sổ đỏ Khu dân cư 67,5 héc-ta tại Đông Dương, Phú Quốc. Trong 6 tháng cuối năm và năm 2016, UNI sẽ triển khai xây dựng hạ tầng và chào bán các nền đất thổ cư có sổ đỏ Khu dân cư 11,3 héc-ta Hàm Ninh.

Từ năm 2017 - 2020, Công ty triển khai xây dựng hạ tầng và chào bán các nền đất có sổ đỏ Khu dân cư 61 héc-ta Cửa Cạn.

Cũng theo xu hướng đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng, CTCP TIE (TIE) vừa có thông báo nghị quyết HĐQT về việc chấp thuận chủ trương sử dụng thửa đất ở Phú Quốc. Cụ thể, Công ty sẽ sử dụng thửa đất 4.506,2 m2 tại đường Trần Hưng Đạo, khu phố 7, thị trấn Dương Đông, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang để thực hiện đầu tư, xây dựng, kinh doanh khách sạn và dịch vụ du lịch.

Đối với CTCP Căn nhà Mơ Ước (DRH), công ty này đang có Dự án phức hợp khu dân cư và vui chơi giải trí Suối Lớn tại Phú Quốc, quy mô 59 héc-ta. Đây là dự án DRH nhận chuyển nhượng từ Tổng công ty Đầu tư Phát triển nhà và đô thị (HUD) trong năm 2014.

Dự kiến, DRH sẽ tập trung hoàn thiện pháp lý cho dự án này trong năm nay và năm tới. Trong 6 tháng đầu năm 2015, kết quả kinh doanh của DRH không mấy khả quan, nhưng nếu hoàn thành dự án tại Phú Quốc, hiệu quả kinh doanh của DN này chắc chắn sẽ cải thiện đáng kể.                             

Tin bài liên quan