Chỉ có một thương hiệu nhưng giá trị lại được xác định ở nhiều con số khác nhau

Chỉ có một thương hiệu nhưng giá trị lại được xác định ở nhiều con số khác nhau

Định giá thương hiệu: Bao nhiêu cho đủ?

Giá trị thương hiệu và cách thức tạo ra thương hiệu luôn luôn thay đổi theo thời gian, trong khi hoạt động định giá thương hiệu lại không được các DN tiến hành thường xuyên, thậm chí bỏ bẵng.

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Nam Hà, một trong những vấn đề nổi lên trong CPH DN đang nằm ở khâu định giá thương hiệu, xác định giá trị lợi thế kinh doanh. Có DN phải lùi lại thời gian CPH 2-3 năm chỉ vì vướng mắc ở khâu này. Nhiều DN vẫn còn đang rất thờ ơ với việc xây dựng và định giá thương hiệu, chưa quan tâm đến việc xây dựng một hệ thống kiểm soát các thành tựu đã đạt được và số % lợi nhuận mà DN có được nhờ vào thương hiệu. Hiệu quả kinh doanh của DN, giá trị thương hiệu và cách thức thương hiệu tạo ra giá trị luôn luôn thay đổi theo thời gian. Trong khi đó, hoạt động định giá thương hiệu lại bị... bỏ bẵng. Mặt khác, hiện tại, việc định giá thương hiệu của các DN VN vẫn chưa chuyên nghiệp. Thông thường, để việc định giá thương hiệu “đầu xuôi đuôi lọt” thì các DN phải thông qua các công ty tư vấn tài chính, các công ty định giá chuyên nghiệp. Tuy nhiên, hiện nay, do nhu cầu chưa nhiều nên hoạt động của các công ty trong lĩnh vực này còn rất mờ nhạt, chưa có uy tín và năng lực thực hiện.

Còn theo TS Kinh tế Dương Đình Ngọc, hiện nay đang xảy ra tình trạng là chỉ có một DN, một thương hiệu nhưng giá trị của DN lại được xác định ở nhiều con số khác nhau, mỗi người một giá, không có sự thống nhất, hợp lý. Trên thế giới, dù giá trị thương hiệu là tài sản vô hình nhưng vẫn hoàn toàn có thể định giá một cách tương đối chính xác. Nhưng tại VN, việc định giá thương hiệu gặp khó khăn khiến cho hoạt động xác định giá trị của một DN (bao hàm cả giá trị thương hiệu) thường không chính xác, gây nên nhiều tranh cãi trong khi CPH DN. Một trong những trường hợp đó là sự “vênh” nhau về giá trị của Công ty cổ phần Sữa VN (Vinamilk). Tại thời điểm CPH, giá trị của Vinamilk được đánh giá khoảng 100 triệu USD. Nhưng ngay sau đó, thị trường đã định giá lại và con số trên đúng ra phải là 150 triệu USD.

Theo ông Phạm Thanh Hưng, Công ty cổ phần Tư vấn tinh tế và Hỗ trợ đầu tư, hiện nay trên thế giới có 3 phương pháp định giá thương hiệu: phương pháp chi phí quá khứ, phương pháp dòng tiền chiết khấu và phương pháp thẩm định giá tương đối. Trong hoạt động thẩm định giá của một thương hiệu phục vụ cho quá trình CPH DN, mua - bán, nhượng quyền thương hiệu, các DN VN thường sử dụng phương pháp dòng tiền chiết khấu, xác định giá trị thương hiệu bằng cách xác định phần đóng góp của thương hiệu vào dòng tiền DN thu được trong tương lai, tận dụng cả hai yếu tố marketing và tài chính, dựa trên tỷ suất chiết khấu phù hợp để quy về giá trị hiện tại của thương hiệu. Tuy nhiên, nhiều DN vẫn sử dụng phương pháp chi phí quá khứ được coi là không còn phù hợp, dẫn đến định giá sai, bán rẻ thương hiệu của mình.