Chỉ có quy mô vốn hơn 2.000 tỷ đồng, nhưng DIC Corp tham gia hàng loạt dự án, trong đó dự án Nam Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) có quy mô vốn đầu tư lên tới 8.700 tỷ đồng

Chỉ có quy mô vốn hơn 2.000 tỷ đồng, nhưng DIC Corp tham gia hàng loạt dự án, trong đó dự án Nam Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) có quy mô vốn đầu tư lên tới 8.700 tỷ đồng

DIG: Từ đỉnh cao lợi nhuận đến thua lỗ

(ĐTCK) Từ mức giá đỉnh cao 146.000 đồng/cổ phiếu đạt được sau khi niêm yết hơn 1 tháng, 7 năm sau, giá cổ phiếu DIG của Tổng CTCP Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIC Corp) rơi về mức 7.700 đồng trong phiên giao dịch ngày 22/8/2016. 

Loại bỏ đi tác động giá bởi các đợt phát hành, chia cổ tức, thị giá này chỉ bằng hơn 1/6 mức đỉnh quá khứ. Câu chuyện giá tất nhiên chịu ảnh hưởng rất nhiều bởi lý do kết quả kinh doanh sụt giảm, nhưng điều gì đã tạo nên sự sa sút lớn về hiệu quả kinh doanh này tại DIC Corp?

Lợi nhuận giảm không phanh

Năm 2009, khi cổ phiếu DIG lần đầu niêm yết, Tổng công ty ghi nhận mức lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ khá ấn tượng: 573,181 tỷ đồng trên vốn điều lệ 700 tỷ đồng. Năm trước đó, DIC Corp đạt 299,691 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ trên vốn điều lệ 370 tỷ đồng. Với kết quả này, mức giá đỉnh cao 146.000 đồng/cổ phiếu của DIG cũng không phải là vô lý, nhất là trong bối cảnh thị trường chứng khoán năm 2009 có sự hồi phục mạnh mẽ.

Năm 2010, DIC Corp hoàn tất tăng vốn điều lệ lên 1.000 tỷ đồng bằng trả cổ tức, đồng thời tiếp tục lãi lớn: 449 tỷ đồng. Nhưng đây cũng là năm cuối cùng DIC Corp ghi nhận lợi nhuận lớn. Từ năm 2011, kết quả kinh doanh của Tổng công ty liên tục giảm, với lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ năm 2011 là 127,474 tỷ đồng; năm 2012, con số này giảm về 24,154 tỷ đồng; năm 2013 là 54,444 tỷ đồng, năm 2014 đạt 43,920 tỷ đồng.

Năm 2015, lợi nhuận sau thuế DIC Corp rơi thảm về mức 10,461 tỷ đồng. Với con số lợi nhuận giảm không phanh, trong khi vốn điều lệ vẫn liên tục tăng thêm (từ chia cổ tức bằng cổ phiếu đến phát hành riêng lẻ cho đối tác chiến lược), thu nhập cơ bản trên mỗi cổ phiếu DIG năm 2015 chỉ còn 44 đồng; thấp hơn rất nhiều lần so với mức 10.323 đồng của năm 2009.

Mặc dù liên tục sụt giảm, nhưng đà rơi kết quả kinh doanh của DIC Corp có vẻ như chưa dừng lại ở con số hơn 10,461 tỷ đồng của năm 2015. Nửa đầu năm nay, Tổng công ty còn tiếp tục gây sốc cho cổ đông khi công bố kết quả kinh doanh lỗ 3,851 tỷ đồng, thay vì con số lãi 18,866 tỷ đồng cùng kỳ năm trước.

Vì đâu nên nỗi?

Trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, nhận xét về việc suy giảm lợi nhuận từ năm 2009 đến nay, ông Nguyễn Quang Tín, thành viên Hội đồng quản trị, người phụ trách Công bố thông tin của DIC Corp cho rằng, trong việc thay đổi mạnh kết quả kinh doanh của Tổng công ty, yếu tố thời điểm ảnh hưởng không nhỏ.

“Năm 2007, thị trường bất động sản bắt đầu bùng nổ. Trong khi đó, đây cũng là giai đoạn DIC Corp bắt đầu bán sản phẩm của các dự án đã theo đuổi từ năm 2005. Các dự án đến giai đoạn có thể bán, đặc biệt là bán sỉ khối lượng lớn, gặp thị trường thuận lợi và doanh nghiệp cũng có bao nhiêu hạch toán bấy nhiêu, mà không tính đến các giai đoạn sau, dẫn đến lợi nhuận tập trung mạnh vào giai đoạn 2009 đến 2011. Sau đó thì chúng tôi lại bước vào giai đoạn “cày cuốc” mới, phát triển dự án, nên lại cần có thời gian để hạch toán doanh thu, lợi nhuận”, ông Tín nói.

Báo cáo thường niên năm 2015 của Tổng công ty cho thấy, năm 2015, DIC Corp bán được 712,3 tỷ đồng doanh số bất động sản, với tổng mức lợi nhuận dự kiến 100,86 tỷ đồng, nhưng chỉ mới hạch toán 194,3 tỷ đồng doanh thu vào kết quả kinh doanh trong kỳ do quy định về hạch toán doanh thu, lợi nhuận với mảng kinh doanh bất động sản.

Việc các dự án đều trong giai đoạn triển khai dở dang, cộng với thị trường bất động sản gặp khó khăn đã cộng hưởng với khó khăn chung của DIC Corp. Ông Tín nhận xét: “Với các doanh nghiệp khác, 2014-2015 là giai đoạn bắt đầu hồi phục, thì với Tổng công ty, đây mới là giai đoạn đỉnh cao của khó khăn”.

Thế nhưng, câu chuyện của DIC Corp không chỉ đến từ yếu tố thị trường. Còn một vấn đề quan trọng khác tác động đến hoạt động kinh doanh của Tổng công ty, đó là tình trạng đầu tư dàn trải.

Chỉ có quy mô vốn hơn 2.000 tỷ đồng, nhưng DIC Corp có tới trên 1.000 tỷ đồng số dư đầu tư tài chính, tham gia hàng loạt dự án, trong đó dự án Nam Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) có quy mô vốn đầu tư lên tới 8.700 tỷ đồng. Câu chuyện sai lầm trong chiến lược kinh doanh dẫn tới tình trạng, ở quy mô vốn nhỏ (năm 2009 vốn điều lệ chỉ 700 tỷ đồng), DIC Corp đã có hàng loạt cam kết đầu tư và sở hữu nhiều dự án khác có tổng mức đầu tư tới hàng chục nghìn tỷ đồng. Khi đó, sức ép về vốn lớn khiến các dự án phải triển khai nhỏ giọt.

Báo cáo thường niên DIC Corp năm 2011 viết: “Tính đến 31/12/2011, Tổng công ty đã đầu tư vào 10 Công ty con, 14 Công ty liên kết, 14 doanh nghiệp khác, 3 cơ sở kinh doanh đồng kiểm soát và đầu tư khác (mua trái phiếu và công trái) với tổng số vốn là: 1.442.687.471.809 đồng. Thu nhập từ hoạt động đầu tư tài chính: tổng số thực thu trong năm 2011: 12.493.217.200 đồng”.

Đầu tư dàn trải dẫn đến áp lực nguồn vốn của Tổng công ty liên tục tăng theo nhu cầu vốn của các dự án. Năm 2014, DIC Corp giải ngân 390,8 tỷ đồng vốn cho các dự án, nhưng đến năm 2015, nhu cầu vốn của DIC Corp đã tăng lên mức 934 tỷ đồng. Năm 2016, theo kế hoạch đã được phê duyệt, DIC Corp dự kiến giải ngân khoảng 972 tỷ đồng (chưa bao gồm 417 tỷ đồng tiền sử dụng đất tại dự án Khu đô thị mới Nam Vĩnh Yên). Con số 972 tỷ đồng nhu cầu vốn này không hề nhỏ trong bối cảnh tài sản của Tổng công ty hiện nay chủ yếu là hàng tồn kho (hơn 2.692 tỷ đồng, lớn hơn một chút so với vốn chủ sở hữu ở cùng thời điểm 30/6/2016), các khoản phải thu (795 tỷ đồng giữa năm 2016) và số dư tiền rất nhỏ (chỉ hơn 30 tỷ đồng).

Hệ quả của việc đầu tư tràn lan này không chỉ khiến DIC Corp gặp áp lực về thanh khoản, các dự án triển khai chậm dẫn đến hiệu quả kém, mà còn gây cho Tổng công ty những khó khăn khác. Nửa đầu năm nay, DIC Corp hạch toán thua lỗ trong bối cảnh hoạt động công ty mẹ vẫn có lãi (dù không lớn), nhưng lợi nhuận hợp nhất lỗ vì chịu ảnh hưởng của một số công ty con thua lỗ. 

Nỗ lực giải bài toán thanh khoản

Trong bối cảnh các dự án đều dở dang, trước sức ép lớn về thanh khoản khi nhu cầu vốn ngày càng lớn, trong 2 năm 2015, 2016, DIC Corp đặt mục tiêu đẩy mạnh tái cấu trúc tài sản - nguồn vốn. Hàng loạt giải pháp được đưa ra, bao gồm cắt giảm danh mục đầu tư tài chính không hiệu quả, thoái bớt vốn tại các liên doanh - liên kết, kết hợp với đẩy mạnh bán hàng, phát hành riêng lẻ để giảm áp lực tài chính.

Tại Báo cáo thường niên năm 2015, DIC Corp cho biết tổng vốn đầu tư ngoài doanh nghiệp của Tổng công ty thời điểm trên là 1.300 tỷ đồng, phấn đấu sẽ giảm xuống còn khoảng 600 tỷ đồng đến năm 2017, tương đương mức giảm 700 tỷ đồng giá trị danh mục. Trong số này, ngoài các khoản thuần đầu tư tài chính, DIC Corp còn thực hiện giảm đầu tư tại các công ty con, công ty liên kết, trong đó có việc đưa tỷ lệ sở hữu tại Vina Đại Phước về mức 5% vốn điều lệ thay vì con số 28% vốn điều lệ như hiện nay (với số vốn đã góp tại đây là trên 450 tỷ đồng theo tỷ giá USD/VND cũ), thoái vốn tại Việt Thiên Lâm (hiện đang nắm 22% vốn điều lệ), thoái vốn tại FICO Tây Ninh, Tài chính Sông Đà (đã chuyển thành cổ phiếu MBB)… Trong năm nay, DIC Corp đặt mục tiêu thu 500 tỷ đồng từ thoái vốn, thu nhập tài chính và thu nợ.

Đồng thời với việc thoái danh mục đầu tư, công tác bán hàng cũng được Tổng công ty đẩy mạnh. Ông Tín cho biết, do gặp khó về tiến độ triển khai dự án, nên việc bán hàng cũng bị ảnh hưởng. Đồng thời, thị trường giai đoạn này vẫn còn nhiều khó khăn, dẫn tới tình trạng nhiều dự án của Tổng công ty dù giá vốn khá thấp, nhưng không phải muốn là có thể bán rẻ được.

Con số hơn 712 tỷ đồng bán hàng năm 2015 là cơ sở để DIC Corp có thể hạch toán tăng doanh thu năm 2016, cũng là căn cứ quan trọng để Tổng công ty dự báo khả quan về dòng tiền thu về từ bán hàng. Năm 2016, DIC Corp ước thu 1.577,1 tỷ đồng từ bán hàng và các nhà đầu tư cấp 2.

Theo Tổng công ty, đã có nhiều tín hiệu tích cực trong việc bán hàng, trong đó, Cao ốc Thủy Tiên (TP. Vũng Tàu) đã chuyển nhượng thành công 192/194 căn; dự án Khu đô thị mới Nam Vĩnh Yên bán được 271 căn trong đợt 1 chỉ sau 5 tháng mở bán (không tính lượng khách đặt cọc); Dự án DIC Phoenix, Khu trung tâm Chí Linh (Vũng Tàu) ngoài khách mua lẻ, thì đã có khách đặt mua sỉ cả 100 căn… Riêng chỉ có Dự án Khu biệt thự Đồi An Sơn, TP. Đà Lạt thì khó hơn do thị trường khu vực này khá trầm lắng. 

Dù hoạt động mở bán dự án đã khả quan hơn, nhưng có vẻ như Ban lãnh đạo doanh nghiệp này đã có chút lạc quan hơn so với thực tế. Giai đoạn thua lỗ triền miên của DIC Corp thời gian tới có thể sẽ chấm dứt, nhưng để có một kết quả kinh doanh bùng nổ, DIC Corp có thể sẽ phải chờ một giai đoạn “điểm rơi hạch toán” như thời kỳ 2009 - 2011. “Đó có thể là câu chuyện của năm 2017 - 2018”, ông Tín nói.           

Tin bài liên quan