ĐHCĐ thường niên Vietcombank: Vẫn đang tìm ngân hàng để sáp nhập

ĐHCĐ thường niên Vietcombank: Vẫn đang tìm ngân hàng để sáp nhập

(ĐTCK) Tại Đại hội đông cổ đông (ĐHCĐ) thường niên lần thứ 9 của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) diễn ra tại Hà Nội sáng nay (15/4), nhiều nội dung quan trọng đã được công bố.

Nội dung tường thuật

10:39 15/04

Ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT báo cáo của HĐQT về hoạt động kinh doanh năm 2015 và định hướng 2016.

Ông Thành đã điểm qua về đặc điểm tình hình chung kinh tế thế giới tăng trưởng chậm hơn dự báo, không đồng đều, chưa ổn định và thiếu bền vững… Kinh tế Việt Nam năm 2015 đã đạt được những kết quả rất tích cực với tăng trưởng GDP đạt 6,68%, lạm phát ở mức thấp 0,63%...

Hoạt động ngành ngân hàng đã theo đúng định hướng đề ra, chính sách tiền tệ được điều hành linh hoạt theo hướng ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý…

Trong năm 2015, kết quả hoạt động kinh doanh của Vietcombank đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ trên hầu hết các mặt hoạt động; cơ cấu hoạt động chuyển dịch tích cực; an toàn hoạt động được củng cố; hiệu quả hoạt động được nâng cao. Các chỉ tiêu hoạt động kinh doanh đều vượt so với kế hoạch ĐHCĐ giao.

Đối với công tác chỉ đạo, quản trị điều hành, ông Thành cho biết, được HĐQT đặc biệt chú trọng với các hoạt động nổi bật trong năm 2015 như: mô hình tổ chức được chuẩn hóa, công tác phát triển mạng lưới được đẩy mạnh với việc Vietcombank đã quyết liệt chuẩn hóa chi nhánh theo mô hình chức năng chuẩn, hướng Chi nhánh tập trung vào công tác bán hành; đưa vào hoạt động theo 6 chi nhánh mới cùng 17 phòng giao dịch, đẩy mạnh cung ứng sản phẩm dịch vụ hiện đại, tiện ích cho khách hàng và thị trường, gia tăng hiệu quả kinh doanh…

ĐHCĐ thường niên Vietcombank: Vẫn đang tìm ngân hàng để sáp nhập ảnh 1
 

Quan hệ hợp tác trong nước và quốc tế tiếp tục phát triển mạnh mẽ với hàng loạt thảo thuận hợp tác/hợp đồng tín dụng với các Tập đoàn, Tổng Công ty như Vietnam Airlines, Vinatex, EVN, DIV… Công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực được đặc biệt chú trọng và có những chuyển biến rõ nét; triển khai đồng bộ các dự án, chương trình nâng cao năng lực quản trị, nâng cao chất lượng hoạt động và hoàn thiện các quy chế quản trị nội bộ…

Tuy nhiên, ông Thành cho biết, vẫn còn những tồn tại: cạnh tranh ngày càng tăng khiến hệ số sử dụng vốn còn thấp, thị phần thanh toán xuất nhập khẩu và tài trợ thương mại chưa được cải thiện; tăng trưởng tín dụng bán buôn chủ yếu vẫn tập trung vào các khách hàng truyền thống, công tác phát triển khách hàng mới còn chậm; một số dự án nâng cao năng lực quản trị có tiến độ triển khai còn chậm so với kế hoạch đề ra.

Về định hướng hoạt động năm 2016, ông Thành cho biết, HĐQT định hướng chính trên một số lĩnh vực sau: đổi mới mạnh mẽ công tác khách hàng-nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt; tăng trưởng tín dụng đảm bảo an toàn và hiệu quả; tiếp tục chuyển dịch cơ cấu huy động vốn; đẩy mạnh hoạt động kinh doanh vốn, ngoại tệ và tài trợ thương mại; tăng cường hiệu quả hoạt động đầu tư. Đặc biệt, nâng cao năng lực tài chính với việc thực hiện giải pháp tăng vốn điều lệ thông qua phát hành cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ khoảng 35% bên cạnh đó là phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài với tỷ lệ tối đa 10% vốn điều lệ của Vietcombank tại thời điểm chào bán…

“Năm 2015 Vietcombank đã có sự tăng trưởng cao do vậy trình ĐHCĐ lợi nhuận năm 2016 tăng 10% so với năm 2015”, ông Thành nhấn mạnh.

10:40 15/04

Ông Phạm Quang Dũng, Tổng giám đốc Vietcombank báo cáo về kết quả hoạt động kinh doanh năm 2015 và định hướng kinh doanh năm 2016.

Theo đó, Vietcombank đã hoàn thành vượt mức kế hoạch do ĐHCĐ giao đối với các chỉ tiêu kinh doanh trọng yếu

Tổng tài sản đạt 674.395 tỷ đồng, tăng 16,88% so với năm 2014. Vốn chủ sở hữu đạt 45.172 tỷ đồng, tăng 3,9% so với năm 2014 trong đó lợi nhuận chưa phân phối đạt 7.476 tỷ đồng.

Huy động vốn từ nền kinh tế đạt 503.007 tỷ đồng, tăng 18,52% so với năm 2014. Tiếp tục dịch chuyển thu hút nguồn vốn giá rê với kết quả khả quan; huy động vốn không kỳ hạn tăng 26,28% so với năm 2014, chiếm tỷ trọng 29,13%. Dư nợ tín dụng dụng đạt 387.152 tỷ đồng, tăng 19,74% so với năm 2014. Nợ xấu ở mức 1,84%, giảm 0,47 điểm % so với năm 2014, thấp hơn mức khống chế kế hoạch (2,5%). Hệ số an toàn vốn tối thiếu (CAR) khoảng 11,04%. Tỷ lệ quỹ DPRR/nợ xấu được duy trì ở mức cao khoảng 121%.

Hiệu suất sinh lời trên tổng tài sản và hiệu suất sinh lời của vốn chủ sở hữu bình quân đạt tương ứng là 0,85% và 12,03%; tỷ lệ chi phí quản lý/tổng thu nhập khoảng 39,18%; tỷ trọng thu ngoài lãi trên tổng thu nhập khoảng 27,11%; tỷ lệ thu nhập lãi thuần cải thiện so với năm 2014 và duy trì ở mức 2,58%.

Lợi nhuận trước thuế trước dự phòng năm 2015 của Vietcombank đạt 12.896 tỷ đồng, tăng 23,6% so với 2014. Vietcombank đã trích DPRR ở mức 6.068 tỷ đồng, tăng 32,16%. Lợi nhuận trước thuế sau dự phòng năm 2015 đạt 6.827 tỷ đồng, tăng 16,83% so với năm 2014. Thu nhập thuần từ lãi tăng 28,68%, thu nhập ròng về dịch vụ tăng 23,45%.

“Giai đoạn 2014-2015, vốn hóa Vietcombank tăng 88,3% trong khi chỉ số VNI tăng khoảng 14,7%”, ông Dũng nói.

Phương châm hành động năm 2016 được Tổng Giám đốc Vietcombank cho biết là “Tăng tốc-Hiệu quả-Bền vững” với quan điểm chỉ đạo điều hành “Đổi mới-Kỷ cương-Trách nhiệm” với các chỉ tiêu kinh doanh chính: Tổng tài sản tăng 13,5%; Tín dụng tăng 17%; Huy động vốn từ nền kinh tế tăng 15%; tỷ lệ nợ xấu dưới 2,5%; lợi nhuận trước thuế đạt 7.500 tỷ đồng.

10:53 15/04

Đại hội nghe trình bày tờ trình thông qua phương án phân phối lợi nhuận năm 2015 như sau:

Lợi nhuận phân phối là 5.183 tỷ đồng đồng; thù lao thành viên Hội đồng quản trị độc lập 266 triệu đồng; trích lập quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ (5%) 259 tỷ đồng; trích lập quỹ dự phòng tài chính (10%) 518 tỷ đồng; trích lập quỹ khen thưởng, phúc lợi (3 tháng lương thực hiện) 957 tỷ đồng; chia cổ tức năm 2015 10% bằng tiền mặt là 2.665 tỷ đồng. Lợi nhuận còn lại sau thuế, trích các quỹ và chia cổ tức là 783 tỷ đồng.

Tại Nghị quyết ĐHCĐ thường niên lần thứ 8 đã phê duyệt mức thù lao đối với HĐQT và Ban Kiểm soát năm 2015 bằng 0,35% lợi nhuận sau thuế, tương đương 18,66 tỷ đồng, tổng số tiền đến nay đã chi là 8,95 tỷ đồng. Đề xuất ĐHCĐ phê duyệt mức thù lao trong năm 2016 là 0,35% lợi nhuận sau thuế.

11:04 15/04

Trình ĐHCĐ về phương án phát hành cổ phiếu thưởng với tỷ lệ 35% cho cổ đông hiện hữu:

- Mức vốn điều lệ tại thời điểm hiện tại là 26.650.203.340.000 đồng

- Số vốn điều lệ tăng thêm bằng việc phát hành cổ phiếu thưởng: 9.327.571.160.000 đồng

- Mức vốn điều lệ dự kiến, sau khi phát hành thành công toàn bộ số cổ phiếu thưởng: 35.977.774.500.000 đồng.

Phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài với tỷ lệ tối đa 10% vốn điều lệ của Vietcombank tại thời điểm chào bán:

- Mức vốn điều lệ tại thời điểm phát hành riêng lẻ tối đa: 35.977.774.500.000 đồng.

- Số vốn điều lệ tăng thêm bằng việc phát hành riêng lẻ: 3.597.777.450.000 đồng.

- Mức vốn điều lệ dự kiến, sau khi phát hành riêng lẻ toàn bộ số cổ phiếu: 39.575.551.950.000 đồng.

Vốn điều lệ tăng thêm sẽ được sử dụng vào hoạt động kinh doanh của Ngân hàng với cơ cấu hợp lý trên nguyên tắc bảo đảm an toàn, hiệu quả và mang lại lợi ích cao nhất cho cổ đông.

11:10 15/04

Đại hội bước vào phần thảo luận.

Cổ đông: Việc thoái vốn khỏi các ngân hàng như Thông tư 36 tiến hành như thế nào?

Ông Nghiêm Xuân Thành: Năm 2016 là năm mà Chính phủ nhận định nền kinh tế tiếp tục đối mặt nhiều khó khăn thách thức nên tăng trưởng khó đạt mức đầu năm đặt ra. Đối với ngành ngân hàng năm nay tiếp tục duy trì ổn định tăng trưởng hợp lý tăng khoảng 14-15% tín dụng. Hoạt động chưa có nhiều khởi sắc nếu nhìn qua các ngân hàng bạn.

Vietcombank trong bối cảnh chung đã có mức tăng trưởng tích cực, đạt kỳ vọng nguồn vốn tăng 2,7% cao hơn so với mức bình quân toàn ngành. Cơ câu tăng tỷ trọng nguồn vốn giá rẻ, là ngân hàng áp dụng mức lãi suất thấp nhất trên thị trường ở các kỳ hạn. Tín dụng tăng 6,5% cao hơn nhiều so với mức tăng cùng kỳ 2015 đầy đủ cơ sở có thể thực hiện mục tiêu đặt ra từ đầu năm là 17%. Cho phép tăng trưởng cao hơn sẽ trình NHNN

Nợ xấu 1,76% giảm so với tuyệt đối tăng nhẹ do dư nợ tăng. Tỷ lệ này là khá tích cực trên thị trường. Trích lập DPRR do cơ bản được kiểm soát nên trích thấp hơn so với cùng kỳ năm 2015 1.300 tỷ đồng trên kế hoạch cả năm 5.500 tỷ đồng.

Quý I/2016, lợi nhuận trước trích lập dự phòng đạt 3.296 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ của năm 2015, sau khi trích dự phòng 1.300 tỷ đồng lợi nhuận đạt trước thuế là 2.300 tỷ đồng, tăng 61,7% so với cùng kỳ năm trước, đạt 30% kế hoạch của năm 2016.

Cổ phiếu riêng lẻ 10% cho cổ đông nước ngoài chưa có phản hồi chính thức của Mizuho nhưng qua làm việc và có được thông tin khả năng vẫn sẽ bỏ thêm vốn để giữ mức 15% hiện nay

Về tình hình sở hữu 4 ngân hàng, tình hình đã có ý kiến xin NHNN xin giữ lại tỷ lệ tại MB. Hiện Vietcombank có sở hữu cổ phần tại 4 ngân hàng và 1 Công ty tài chính. Cụ thể, 7,16% MB; 8,19% Eximbank; 5,07% OCB; 4,3% Saigonbank và công ty tài chính xi măng 10,41%.

Vietcombank xin giữ cổ phần sở hữu tại MB và giảm tại các tổ chức còn lại. Mức giảm cụ thể tại từng ngân hàng sẽ phải đợi tín hiệu từ thị trường và chính kế hoạch kinh doanh của ngân hàng đó.

Cổ đông: Thông tư 36 có ảnh hưởng đến Vietcombank không?
Ông Nghiêm Xuân Thành: Thông tư 36 gần như không ảnh hưởng, bởi tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn 24,2% nên dư địa còn lớn. Bất động sản tổng dư nợ khoảng 31.000 tỷ đồng, tương đương  8% trên tổng dư nợ tài sản bảo đảm trên 150% nên không ảnh hưởng, chất lượng nợ xấu tốt.

Cổ đông: Ngân hàng có dự định tiến hành mua bán, sáp nhập ngân hàng nào không?

Ông Thành: Vấn đề này, Vietcombank vẫn đang tìm kiếm ngân hàng để sáp nhập, khi nào có kết quả sẽ báo cáo.

11:14 15/04

Đối với câu hỏi về việc nhiều ngân hàng thành lập công ty tài chính tiêu dùng và có lợi nhuận “khủng”, ông Thành chia sẻ, tài chính tiêu dùng là thị trường rất tiềm năng với 90 triệu dân. Do vậy, cách đây 1 tháng, HĐQT Vietcombank đã đã phê duyệt chủ trương thành lập công ty tài chính trên cơ sở đã nghiên cứu thị trường, xu thế, tiềm năng... Trên cơ sở đó, báo cáo với các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

11:31 15/04
Cụ thể, ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT Vietcombank cho biết, Ngân hàng vẫn đang tìm kiếm ngân hàng để sáp nhập.
Về việc thoái vốn khỏi các ngân hàng khác theo Thông tư 36, ông Thành cho biết, hiện Vietcombank đang có sở hữu tại 4 ngân hàng và 1 công ty tài chính. Cụ thể, sở hữu 7,16% MB; 8,19% Eximbank; 5,07% OCB; 4,3% Saigonbank và công ty tài chính xi măng 10,41%.
Theo ông Thành, Vietcombank xin Ngân hàng Nhà nước giữ cổ phần sở hữu tại MB và giảm tại các tổ chức còn lại. Mức giảm cụ thể tại từng ngân hàng sẽ phải đợi tín hiệu từ thị trường và chính kế hoạch kinh doanh của ngân hàng đó.
Cũng theo ông Thành, quý I/2016, lợi nhuận trước trích lập dự phòng của Ngân hàng đạt 3.296 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ. Sau khi trích dự phòng 1.300 tỷ đồng, lợi nhuận đạt trước thuế là 2.300 tỷ đồng, tăng 61,7% so với cùng kỳ năm trước, đạt 30% kế hoạch của năm 2016.
Diễn biến chi tiết của ĐHCĐ Vietcombank
-------------------------
Đại hội đã thông qua các phương án đề ra.
ĐHCĐ thường niên Vietcombank: Vẫn đang tìm ngân hàng để sáp nhập ảnh 2
Tin bài liên quan