ĐHCĐ KIDO (KDC): Nới room lên 100%, mở tiếp mảng dầu ăn, đặt kế hoạch tăng doanh thu 5.000 tỷ đồng/năm

ĐHCĐ KIDO (KDC): Nới room lên 100%, mở tiếp mảng dầu ăn, đặt kế hoạch tăng doanh thu 5.000 tỷ đồng/năm

(ĐTCK) Tại Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) thường niên năm 2018 CTCP Tập đoàn KIDO (KDC) diễn ra sáng 18/4, ông Trần Kim Thành, Chủ tịch HĐQT KDC cho biết, sẽ bổ sung thêm vài ngành mới mỗi năm, doanh thu mỗi năm tăng tối thiểu 5.000 tỷ đồng/năm.

Tại Đại hội, ông Trần Lệ Nguyên, Tổng giám đốc KDC cho biết, Công ty đang tiến hành các thủ tục mua 51% vốn của đối tác nước ngoài tại Công ty Dầu ăn Golden Hope Nhà Bè. Đây là công ty có doanh số hàng năm khoảng 1.600 tỷ đồng.

Golden Hope Nhà Bè là công ty liên doanh giữa Tổng công ty Công nghiệp Dầu thực vật Việt Nam và Sime Darby Plantation - tập đoàn chuyên về đồn điền cao su, dầu cọ.

Sản phẩm chủ lực của Golden Hope Nhà Bè là Dầu ăn Marvela, Dầu đậu nành, Dầu Ông Táo, Dầu Olein,…

Theo ông Nguyên, hiện Golden Hope hoạt động chưa hiệu quả nhưng lại có doanh số, sau khi về một nhà với KIDO sẽ được thay đổi về quản trị, về chiến lược, cũng như TAC về với KIDO cũng đã có sự cải thiện đáng kể, thể hiện rõ qua doanh thu và lợi nhuận của công ty này trong năm 2017.

Năm 2018, KIDO chuyển dịch ngành hàng, đặt mục tiêu thâm nhập và chinh phục thị trường thực phẩm thiết yếu có quy mô 250.000 tỷ đồng.

Bà Nguyễn Thị Xuân Liễu, Phó tổng giám đốc KDC cho biết, lượng tiêu thụ dầu ăn ở Việt Nam chỉ khoảng 11,3 kg/năm, thấp hơn mức khuyến nghị bởi WHO (13,5 kg/năm). Về kem, lượng tiêu thụ kem ở Việt Nam thấp hơn so với các nước trong khu vực Đông Nam Á, chỉ 444 gram/người/năm. Đây là cơ hội cho Tập đoàn thực hiện các ngành hàng chủ lực trong thời gian tới. Năm 2018, quy mô ngành hàng mà KDC lựa chọn đã lớn hơn rất nhiều so với năm 2017.

Theo đó, KDC lên kế hoạch 12.000 tỷ đồng doanh thu, tăng trưởng mạnh hơn 70% (tương đương tăng 5.000 tỷ đồng), lợi nhuận trước thuế 800 tỷ đồng, tăng 40% so với thực hiện năm 2017. Sau 3 năm, KDC chính thức quay lại và vượt mức doanh thu, lợi nhuận như trước khi bán mảng bánh kẹo. Kế hoạch này chưa bao gồm phần M&A mới trong năm.

“KDC mong muốn, mỗi năm sẽ đưa vào Tập đoàn thêm vài ngành mới, doanh thu mỗi năm tăng tối thiểu 5.000 tỷ đồng”, ông Trần Kim Thành, Chủ tịch HĐQT KDC nói.

Trong cơ cấu doanh thu, ngành hàng mới như nước uống, mì gói, nước chấm... chiếm khoảng 10% tổng doanh thu. .

Ban Lãnh đạo KDC cho biết, các ngành hàng trên đều có tiềm năng trưởng rất tốt, nhưng năm 2018, KDC đưa kế hoạch thận trọng, thăm dò thị trường trước.

Chiến lược của KDC sẽ không phải là nhà phân phối các nhãn hiệu nước ngoài vào Việt Nam, mà là hợp tác sản xuất tại Việt Nam. Nhưng ở giai đoạn đầu, KDC muốn sản xuất tại nhà máy của đối tác trước, sang giai đoạn 2, sau khi đo được nhu cầu thị trường, Công ty sẽ sản xuất ngay tại Việt Nam.

Tại đại hội, HĐQT KDC tiếp tục trình cổ đông thông qua việc điều chỉnh tỷ lệ sở hữu tối đa nhà đầu tư nước ngoài lên 100%.

Chia sẻ với các cổ đông, ông Nguyên cho biết, nhiều đối tác đang quan tâm đến cổ phiếu của KDC và Tập đoàn muốn mở room để các nhà đầu tư nước ngoài, các quỹ đầu tư có cơ hội đầu tư cổ phiếu KDC.

Sắp tới, KDC sẽ chi trả cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 16%. 

Năm 2017, KDC đạt doanh thu 7.016 tỷ đồng, đến từ các mảng chính như ngành lạnh, dầu ăn... Trong đó, có sự tăng trưởng mạnh của mảng dầu ăn từ 778 tỷ đồng lên 5.434 tỷ đồng, tức gấp 7 lần. Mảng kem cũng tăng từ 1.019 tỷ đồng lên 1.178 tỷ đồng. 

Năm 2017, KDC đã nâng tỷ lệ sở hữu tại VOC lên 51%, mua 50% cổ phần Dabaco và chính thức IPO, đưa cổ phiếu KDF lên UPCoM vào tháng 8.

Tin bài liên quan