ĐHCĐ C21: cổ đông gay gắt phản đối hủy niêm yết

ĐHCĐ C21: cổ đông gay gắt phản đối hủy niêm yết

(ĐTCK) Tại ĐHCĐ CTCP Thế kỷ 21 (C21) diễn ra sáng 12/4, nhiều cổ đông phản đối gay gắt về tờ trình hủy niêm yết tự nguyện và cho rằng, đây là bước thụt lùi của Công ty, kém minh bạch và không ngoại trừ khả năng vì lợi ích nhóm.

Ngay trước đại hội, C21 khiến NĐT bất ngờ khi có tờ trình hủy niêm yết tự nguyện với lý do là qua 4 năm niêm yết, gần như không có thanh khoản và giá dưới giá trị sổ sách. Công ty không thể huy động vốn bằng cách phát hành cổ phiếu trên sàn. Theo đó, HĐQT C21 đề xuất sẽ sử dụng nguồn quỹ của công ty để mua lại 4,8 triệu cổ phiếu quỹ với giá 22.000 đồng/cp, trong đó HĐQT được quyết định mua lại 200.000 cp của cổ đông nhỏ lẻ.

Các cổ đông đều cho rằng, lý do không hợp lý, chẳng hạn công ty chưa từng có kế hoạch tăng vốn thì tại sao lại cho rằng tăng vốn sẽ gặp khó khăn. Ngoài ra, công ty đang làm ăn tốt, có thặng dư vốn lớn, chia cổ tức một phần cho cổ đông, một phần giữ lại đầu tư. Nay lại dùng chính tiền của cổ đông để mua lại cổ phiếu quỹ là hết sức phi lý.

Trong khi đó, nếu hủy niêm yết, công ty sẽ phải chuyển sang giao dịch trên sàn UPCoM, nếu xét về mức độ minh bạch, thanh khoản chắc chắn sẽ không bằng trên HOSE. “C21 có đường hướng kinh doanh tốt nhưng phương án mua lại cổ phiếu quỹ này là sai lầm, là sự chạy trốn”, cổ đông bức xúc phát biểu.

Ông Louis T. Nguyễn, thành viên HĐQT, đại diện hơn 19% vốn góp của cổ đông lớn Vietnam Property Holding  không đồng tình với phương án hủy niêm yết của công ty.

Ông Louis T. Nguyễn cho biết, 5 năm trước, quỹ đầu tư đã rót 5 triệu USD vào công ty vì nhìn thấy tiềm năng phát triển công ty, quỹ đất hấp dẫn, và yếu tố hàng đầu chính là doanh nghiệp phải niêm yết nhằm đảm bảo thông tin minh bạch. Tuy nhiên, bây giờ C21 lại có ý định hủy niêm yết khiến cổ đông bất ngờ, việc này có thể trờ thành tiền lệ gây cái nhìn không tốt của NĐT nước ngoài đầu tư vào doanh nghiệp Việt Nam. “Tôi kêu gọi không bỏ phiếu đồng ý”, ông Louis T. Nguyễn nói.

Cũng không ủng hộ với phương án hủy niêm yết, đại diện Quỹ đầu tư Mutual Fund Elite, sở hữu hơn 6% vốn C21cho rằng, vấn đề thị giá thấp có nhiều nguyên nhân, trong đó còn do cung cầu trên thị trường, có rất nhiều doanh nghiệp bị thị trường định giá thấp hơn giá trị thực…nhưng đó mới là cơ hội để những NĐT nhạy bén tìm ra cơ hội để đàu tư. Trong khi các doanh nghiệp khác đang nỗ lực để bám trụ sàn, thì C21 lại tìm cách rời sàn, chẳng khác nào bước lùi về minh bạch, về thương hiệu công ty.

Bban lãnh đạo C21 vững vàng trong khó khăn nhưng còn lấn cấn khi thị trường phát triển, có nhiều cơ hội mở ra. Các kế hoạch cần được đẩy mạnh, các dự án bất động sản cũng phải quyết tâm tái khởi đông nhanh hơn”, cổ đông này nói.

Theo nội dung tờ trình của C21, rời sàn để tạo cơ hội khi niêm yết trở lại với giá trị cao hơn. Tuy nhiên, cổ đồng Mutual Fund Elite nhận định, đã rời đi rồi quay lại rất mất thời gian, tính khả thi trong việc tìm được đối tác phát hành giá tốt của C21 ra sao và hiên công ty có đang có cổ đông/hay nhóm cổ đông đề  nghị mua giá cao hơn nào hay không?

Ông Trần Minh Đức, Chủ tịch HĐQT C21 cho biết, hiện chưa có đối tác nào.

Một nội dung được các cổ đông quan tâm chính là mức giá chào mua 22.000 đồng/cp, bởi theo tính toán của cổ đông, PB của C21 cao hơn 27% so với giá chào mua và  ước tính giá trị tài sản ròng của Công ty còn cao hơn rất nhiều so với giá trị sổ sách tới 40-50% nhờ tài sản lớn và quỹ đất sạch, vị trí đẹp.

Ông Đức ghi nhận các ý kiến đóng góp và khẳng định không vì lợi ích nhóm, nội dung do HĐQT đề xuất được các cổ đông bỏ phiếu biểu quyết bình đẳng.

Còn về mức giá bán, C21 áp dụng theo đúng quy định không thấp hơn giá tối thiểu và không cao hơn giá cao nhất trên thị trường.

"Nhìn lại lịch sử giao dich của C21, chỉ có thời điểm quỹ SAM bán 1,5 triệu cổ phiếu theo phương thức thỏa thuận thì thị giá C21 mới được 21.000 đồng/cp. Còn cuối tuần này thì giá hơn 22.000 đồng, nhưng tôi cho rằng đây không phải là giá thị trường”, ông Đức nói.

Trong suốt 4 năm nay, cổ phiếu C21 có 2 đợt tăng giá liên tục trong vòng 2-3 tháng, có lúc tăng lên 23.000 đồng/cp (khi quỹ của Phần Lan mua vào), nhưng khi quỹ này không mua nữa thì thị giá của C21 lại loanh quanh 17.000-18.000 đồng. “Nếu thanh khoản tốt, diễn biến giá tốt như 2 đợt tăng trên thì cần gì phải hủy niêm yết”, ông Đức chia sẻ.

Dù đa phần các ý kiến đều phản đối phương án hủy niêm yết nhưng kết quả về nội dung tờ trình này vẫn được thông qua với hơn 75% tỷ lê tham dự có quyền biểu quyết.

Năm 2015, C21 đặt kế hoạch công ty mẹ doanh thu 111 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 18,6 tỷ đồng, giảm một nửa so với thực hiện 2014. Ông Đức cho biết, năm 2015, nhiều dự án được khởi động hoặc chuyển nhượng nhưng chưa ghi nhận doanh thu ngay trong năm mà sẽ ghi nhận trong năm 2016.

Tin bài liên quan