Năm 2015, các DN cần nỗ lực cải thiện chất lượng quản trị

Năm 2015, các DN cần nỗ lực cải thiện chất lượng quản trị

Đề xuất nâng chất lượng hàng hóa trên TTCK

(ĐTCK) Kiến nghị với ngành chứng khoán năm 2015, Công ty Kiểm toán PwC cho rằng, chất lượng hàng hóa là yếu tố quan trọng,  nhằm giảm rủi ro và tăng giá trị cho nhà đầu tư, do đó, giải pháp cốt yếu cho TTCK là tăng chất lượng hàng hóa để tăng sức hấp dẫn với nhà đầu tư trên thị trường.

PwC kiến nghị ngành chứng khoán cần tập trung vào 3 mảng việc là minh bạch và công bố thông tin; quản trị doanh nghiệp và báo cáo hệ thống kiểm soát nội bộ. Theo công ty kiểm toán này, UBCK cần cân nhắc, ban hành quy định chặt chẽ về vai trò, trách nhiệm của lãnh đạo DN, đơn vị bảo lãnh và tổ chức kiểm toán bản cáo bạch khi DN lên sàn hay phát hành chứng khoán huy động vốn.

Cùng với đó, cần có chế tài xử lý nghiêm minh những DN không tuân thủ chuẩn mực kế toán, trình bày báo cáo tài chính để buộc các DN có ý thức cao hơn trước công chúng khi công bố loại thông tin này. Nhà quản lý cũng cần thúc đẩy việc các DN công bố thông tin về xung đột lợi ích, giao dịch với các bên liên quan, các sự kiện bất thường tại DN, để nhà đầu tư có đầy đủ thông tin về DN.

Một kiến nghị rất đáng quan tâm của PwC là việc UBCK nên cân nhắc đưa ra các quy định yêu cầu tổ chức niêm yết công bố báo cáo về hiệu quả của hệ thống kiểm soát nội bộ và phương hướng khắc phục những tồn tại. Báo cáo kiểm soát nội bộ cung cấp cho nhà đầu tư thông tin hữu ích, đánh giá rủi ro liên quan đến cổ phiếu. Việc công bố báo cáo này sẽ thúc đẩy lãnh đạo DN chú trọng khắc phục và hoàn thiện điểm yếu trong hệ thống kiểm soát, giảm thiểu rủi ro sai sót hoặc gian lận tại DN.

Về hoạt động quản trị công ty, PwC cho rằng, hoạt động này cần cải thiện từ Ban lãnh đạo cấp cao của DN. Theo đó, cần gia tăng tính độc lập của HĐQT và các ủy ban HĐQT, trong đó cần lựa chọn các thành viên Hội đồng có chuyên môn, kỹ năng tốt. DN cũng cần phân tách ủy ban lương thưởng với ủy ban bổ nhiệm để đảm bảo đánh giá công bằng và tạo động lực thúc đẩy các nhân sự chủ chốt.

Cũng liên quan đến chất lượng hàng hóa niêm yết, trao đổi với ĐTCK mới đây, ông Nguyễn Hoàng Hải, Tổng thư ký VAFI cho rằng, việc thúc đẩy cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) gắn với niêm yết trên TTCK là hợp lý. Tuy nhiên, cần tránh xu hướng dễ dãi trong cho phép DN lên niêm yết trên TTCK, bởi nếu không cẩn thận sẽ dẫn đến nguy cơ xuất hiện… hàng chợ, hàng kém chất lượng. “Một trong những mục tiêu của tái cấu trúc TTCK là nhằm nâng cao chất lượng hàng hóa, nên không có lý do gì việc phát triển hàng hóa cho thị trường lại đi ngược lại mục tiêu này”, ông Hải nói.

Theo VAFI, ngành chứng khoán cần tiếp tục nâng cao điều kiện niêm yết trên HOSE và HNX. Các tiêu chuẩn này không chỉ áp dụng đối với DN niêm yết mới, mà cả các DN đang niêm yết trên HOSE và HNX. Sau một thời gian mà các DN này không đáp ứng được các điều kiện niêm yết mới, thì cần phải bị đào thải khỏi thị trường.

Dài hơi hơn, để tiến tới hợp nhất hai Sở, ngay từ bây giờ, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) cần nghiên cứu các tiêu chí để phân định chất lượng cổ phiếu, qua đó, hỗ trợ NĐT nhận diện được chất lượng hàng hóa, tránh vàng thau lẫn lộn.

Điều quan trọng nhất là UBCK cần tăng cường hoàn thiện cơ chế, cũng như gia tăng các hoạt động hậu kiểm đối với các thông tin mà DN công bố có khả năng ảnh hưởng trọng yếu đến giá cổ phiếu, đến tạo ra những nguy cơ gây rủi ro lớn cho NĐT, nhất là NĐT cá nhân nhỏ lẻ như: giao dịch của cổ đông lớn, cổ đông nội bộ; mua bán, sáp nhập DN; kết quả kinh doanh…

Thông qua tăng cường hoạt động hậu kiểm, khi phát hiện DN công bố thông tin không đúng sự thật, thì cần xử phạt nặng, đồng thời công khai kết quả xử lý rộng rãi trên thị trường, qua đó giúp NĐT nhận diện được những rủi ro. Ở TTCK nhiều nước, hành vi DN niêm yết công bố thông tin sai sự thật, bị xử phạt rất nặng. Trong khi ở nước ta, từ cơ chế, cho đến cách thức xác minh DN công bố thông tin sai sự thật… hiện vừa thiếu, vừa chưa rõ ràng, nên cần khắc phục tình trạng này trong thời gian tới.

Tin bài liên quan