Vinatex xin bán hết vốn nhà nước tại tập đoàn để tìm cổ đông mới.

Vinatex xin bán hết vốn nhà nước tại tập đoàn để tìm cổ đông mới.

Đề xuất bán hết hơn 2.600 tỷ đồng vốn nhà nước tại Tập đoàn Dệt may

6 bộ ngành trung ương vừa được Văn phòng Chính phủ gửi công văn lấy ý kiến về đề xuất của Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) xin hoái hết vốn nhà nước hơn 2.600 tỷ đồng tại đây và lấy cổ phiếu của tập đoàn làm tài sản đảm bảo để Bộ Tài chính giải ngân thêm vốn vay từ nước ngoài.
Xung quanh các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (DN) ngành dệt may trong nước, Vinatex đã có kiến nghị gửi Thủ tướng và Chính phủ về những giải pháp cụ thể cho toàn ngành và cho các DN dệt may.

Bán hết vốn nhà nước để tìm cổ đông mới

Trong văn bản gửi Thủ tướng, Vinatex đề nghị cho phép tập đoàn này được thoái hết vốn nhà nước để củng cố năng lực và phát triển trong thời gian tới.

Cụ thể, Vinatex đã chính thức cổ phần hóa từ tháng 1/2015, với vốn điều lệ hơn 5.000 tỷ đồng, song tỷ lệ sở hữu vốn nhà nước hiện vẫn chiếm hơn 53,49% (khoảng 2.675 tỷ đồng) trong DN này.

Theo Quyết định của Thủ tướng năm 2016, Vinatex không thuộc đối tượng Nhà nước nắm giữ vốn. Vì thế, trong bối cảnh hội nhập và cạnh tranh quyết liệt như hiện nay, để tăng tính cạnh tranh trên thương trường quốc tế, đòi hỏi Vinatex phải đưa ra những khoản đãi ngộ phù hợp, không theo thang bảng lương do Nhà nước quy định để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao.

Vinatex rất cần có các cổ đông có năng lực quản trị chuyên nghiệp và nắm giữ, phát triển thị trường để hỗ trợ Tập đoàn về công tác quản trị và tiêu thụ sản phẩm.

Chính vì vậy, tập đoàn này đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét cho thoái toàn bộ phần vốn nhà nước tại Vinatex cho các cổ đông bên ngoài.

Xin thế chấp cổ phiếu để vay tiền ADB

Một vấn đề khác liên quan đến nguồn vốn vay từ Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho Vinatex cải cách quản trị công ty theo diện bảo trợ vốn của Chính phủ năm 2015, nhưng đến nay Bộ Tài chính vẫn chưa giải ngân cho tập đoàn này hết vì vướng tài sản đảm bảo.

Tổng giám đốc Tập đoàn Vinatex cho hay: Theo Hiệp định của Chính phủ với Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cuối năm 2015, Vinatex được tham gia chương trình "Cải cách DN Nhà nước và hỗ trợ quản trị công ty - dự án 2", được ADB cho vay 100 triệu USD từ nguồn vốn vay thông thường (có lãi suất) và 5 triệu USD từ nguồn vốn vay đặc biệt, Bộ Tài chính là cơ quan quản lý khoản vay.

Đến nay Vinatex mới giải ngân được 61 triệu USD, phần còn lại chưa giải ngân được vì vướng mắc về tài sản đảm bảo.

Vinatex nhiều lần đề xuất được dùng cổ phiếu làm tài sản đảm bảo, trong đó cổ phiếu của Vinatex sở hữu như May Việt Tiến, May Hòa Thọ và Dệt may Huế... có mệnh giá cao và tỷ suất lợi nhuận trên vốn cao trong nhiều năm liên tiếp để giải ngân hết phần vốn còn lại nhưng Bộ Tài chính không chấp nhận.

Theo Vinatex, việc Bộ Tài chính không chấp nhận tài sản đảm bảo bằng cổ phiếu đã gây nhiều khó khăn cho đơn vị này. Việc không giải ngân được nguồn vốn vay được chấp nhận trên đã ảnh hưởng đến hoạt động của DN và các DN thành viên.

Vinatex kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép sử dụng cổ phiếu làm tài sản đảm bảo cho khoản vay như hiệp định đã được ký để làm cơ sở giải quyết khó khăn cho DN trong thời gian tới.

Tin bài liên quan