Dược Cửu Long từng bị nghi vấn mua bán lòng vòng tạo doanh thu ảo

Dược Cửu Long từng bị nghi vấn mua bán lòng vòng tạo doanh thu ảo

DCL: Bấp bênh nợ tiềm tàng 3,8 triệu USD

(ĐTCK) Rắc rối với khoản nợ 3,8 triệu USD của CTCP Dược phẩm Cửu Long (mã DCL) đã diễn ra từ lâu và được Công ty “coi như không tồn tại” từ năm 2011, nhưng nay đang được cơ quan chức năng xem xét lại. Điều gì sẽ diễn ra với Dược Cửu Long, nếu Công ty bị buộc phải trả số nợ này?

Thanh tra lại việc quản lý, sử dụng 3,8 triệu USD

Sáng 26/9/2014, Báo Tuổi trẻ đưa tin, Cơ quan điều tra đã vào cuộc điều tra nhằm xác minh làm rõ việc quản lý, sử dụng hơn 3,8 triệu USD để ngoài báo cáo tài chính của CTCP Dược phẩm Cửu Long (DCL).

Việc điều tra này được thực hiện theo kiến nghị của Thanh tra Chính phủ tại kết luận thanh tra việc mua thuốc Tamiflu và thuốc có hoạt chất oseltamivir phosphate phòng chống dịch cúm A (H5N1).

Bên cạnh đó, Thanh tra Chính phủ cũng yêu cầu các công ty Stada VN, Imexpharm, Pymeharco nộp lại khoản tiền hơn 2,1 triệu USD vào tài khoản tạm giữ của Thanh tra Chính phủ.

Như vậy, với thông tin trên, câu chuyện lùm xùm xung quanh số tiền 3,8 triệu USD vụ mua bán, dự trữ tamiflu của Dược Cửu Long cùng 3 DN khác (trong đó có Imexpharm là DN đã niêm yết trên sàn) sẽ được làm sáng tỏ.

Cũng theo Báo Tuổi trẻ, khoản tiền hơn 3,8 triệu USD đã bị DCL giữ lại không thanh toán cho đối tác, được hạch toán ngoài báo cáo tài chính, được Thanh tra Chính phủ xác định là vi phạm Luật Kế toán.

Trước đó, trong kết luận năm 2010, cơ quan này đã yêu cầu Dược Cửu Long nộp số tiền trên vào tài khoản tạm giữ của Thanh tra Chính phủ, nhưng sau đó vụ việc đã tạm lắng xuống. Cho đến ngày 29/9/2014, Dược Cửu Long vẫn chưa có lời giải thích thông tin nêu trên với cơ quan quản lý và nhà đầu tư trên TTCK Việt Nam. 

Bấp bênh khoản nợ tiềm tàng 3,8 triệu USD

Với vốn điều lệ gần 100 tỷ đồng, con số 3,8 triệu USD chiếm tới hơn 80% vốn điều lệ hiện nay của Dược Cửu Long. Cùng trong vụ lùm xùm mang tên tamiflu, Imexpharm đã nộp vào quỹ tạm giữ của Thanh tra Chính phủ 15 tỷ đồng, còn với Dược Cửu Long, điều gì sẽ xảy ra?

Trong lần thông tin gần nhất với cổ đông tại BCTC kiểm toán năm 2012, Dược Cửu Long cho rằng, từ năm 2011 đến thời điểm lập BCTC, Dược Cửu Long không nhận được bất kỳ văn bản nào của cơ quan quản lý về việc xử lý số tiền hơn 3,8 triệu USD nên Ban Tổng giám đốc tin rằng, khả năng phải trả số tiền nói trên là thấp, nên không ghi nhận nợ phải trả trên BCTC. Nay, với trường hợp của Imexpharm, liệu Dược Cửu Long có phải ghi nhận nợ? Nếu ghi nhận đủ số nợ trên, vốn chủ sở hữu của Công ty sẽ sụt giảm khoảng 80 tỷ đồng (tính theo tỷ giá hiện nay là hơn 21.000 đồng/USD) trên vốn điều lệ gần 100 tỷ đồng! 

Trở lại với cách hạch toán tại Dược Cửu Long

Chưa rõ số phận khoản tiền hơn 3,8 triệu USD tại Dược Cửu Long sẽ được cơ quan chức năng kết luận và xử lý như thế nào, nhưng điều mà công chúng đầu tư có thể đặt câu hỏi ngay lập tức, là mức độ minh bạch trong hạch toán và thực thi chế độ kế toán của Dược Cửu Long - một nội dung điều tra theo đề nghị của Thanh tra Chính phủ. 3,8 triệu USD là khoản tiền không hề nhỏ, nhưng theo Thanh tra Chính phủ, lại được Công ty hạch toán ngoài BCTC, được theo dõi riêng.

Câu chuyện này logic với những nghi vấn quanh thông tin giấu nợ xấu, nghi vấn mua bán lòng vòng tạo doanh thu ảo của Dược Cửu Long mà Đầu tư Chứng khoán phản ánh gần đây. Nghi vấn thiếu minh bạch của Dược Cửu Long trong hạch toán tài chính, vốn đã lớn, nay càng lớn hơn, nhất là khi Công ty có một số bản giải trình lòng vòng, né tránh nghi vấn mà báo chí đã đặt ra.

Cùng với nghi vấn hàng chục tỷ đồng nợ xấu chưa được hạch toán, nếu khoản 3,8 triệu USD bị thanh tra làm rõ và truy thu, vốn chủ sở hữu của Dược Cửu Long sẽ rớt mạnh. Những hệ lụy về tài chính nếu có, cho các NĐT đang sở hữu cổ phiếu DCL niêm yết trên HOSE sẽ do ai chịu trách nhiệm?

Đầu năm 2005, Dược Cửu Long đã ký kết hợp đồng mua bán với Ban quản lý thực hiện kế hoạch phòng chống cúm A sản xuất và cung cấp thuốc phòng chống dịch cúm A (H5N1). Cuối 2005, Dược Cửu Long đã ký hợp đồng mua nguyên liệu với Mambo Overseas Limited (Singapore) mua nguyên liệu trị giá 9,1 triệu USD, nhưng chỉ trả 5,252 triệu USD, còn nợ lại 3,838 triệu USD. Phía Dược Cửu Long cho rằng khoản này là khoản nợ, nhưng lại không thanh toán cho đối tác, và sau đó thì… không phải trả. Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ năm 2010, khoản tiền này được đề nghị nộp vào tài khoản tạm giữ của Thanh tra Chính phủ để chờ xử lý, xác minh bản chất kinh tế, đối chiếu các quy định về tài chính, kế toán và chờ xử lý. Tuy nhiên, trong các BCTC năm 2011, 2012, 2013, DCL đều không ghi nhận nghĩa vụ nợ này.

Tin bài liên quan