Dấu hỏi về mục tiêu tăng vốn phía sau lợi nhuận “khủng” của Phú Tài (PTB)

Dấu hỏi về mục tiêu tăng vốn phía sau lợi nhuận “khủng” của Phú Tài (PTB)

(ĐTCK) Công ty cổ phần Phú Tài (PTB) có vốn điều lệ 259,2 tỷ đồng, 9 tháng đầu năm 2017 đạt 271,5 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Trong quý IV, Công ty dự kiến đạt 152 tỷ đồng lợi nhuận hợp nhất trước thuế.

Kết quả kinh doanh liên tục tăng

Năm 2005, Phú Tài có vốn điều lệ 9 tỷ đồng, đạt 422 tỷ đồng doanh thu và 9 tỷ đồng lợi nhuận. Các năm tiếp sau, Công ty liên tiếp tăng vốn điều lệ và đi kèm với đó, doanh thu, lợi nhuận tăng cao.

Năm 2011, Phú Tài niêm yết cổ phiếu trên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE), với mã chứng PTB. Trong năm này, Công ty tăng vốn điều lệ lên 120 tỷ đồng và ghi nhận kết quả kinh doanh với doanh thu 1.758 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 73 tỷ đồng.

Giai đoạn 2012 - 2014, Phú Tài giữ nguyên vốn điều lệ, nhưng doanh thu và lợi nhuận tiếp tục tăng. Năm 2014, lợi nhuận trước thuế cán mốc 150 tỷ đồng, lớn hơn vốn điều lệ của Công ty.

Từ năm 2015 đến nay, kết quả kinh doanh của Phú Tài có mức tăng trưởng cao. Năm 2016, Công ty đạt 3.662 tỷ đồng doanh thu, lợi nhuận trước thuế 338 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ là 265 tỷ đồng, trên vốn điều lệ 216 tỷ đồng.

9 tháng đầu năm 2017, Phú Tài cho biết, Công ty đạt 2.928 tỷ đồng doanh thu hợp nhất, lợi nhuận trước thuế hơn 271 tỷ đồng. Trong quý IV, Công ty dự kiến đạt 1.460 tỷ đồng doanh thu, lợi nhuận trước thuế 152 tỷ đồng; lũy kế cả năm đạt 4.388 tỷ đồng doanh thu, 423 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng gần 20% về doanh thu và 25,3% về lợi nhuận so với năm 2016.

Động lực tăng trưởng đến từ đá

Phú Tài có 3 lĩnh vực kinh doanh chủ yếu là: Sản xuất và kinh doanh sản phẩm đá như đá ốp lát, đá xây dựng; sản xuất và kinh doanh các sản phẩm gỗ; Kinh doanh, cung cấp dịch vụ xe ô tô.

Về mảng đá, Công ty có nhà máy chế biến đá ốp lát công suất trên 4,3 triệu m2/năm, đang quản lý 9 mỏ đá granite, basal, đá nghiền sàng, với trữ lượng trên 21 triệu m3 và có thời gian khai thác lâu dài. Năm 2016, ngoài bán trong nước, khoảng 21% doanh số đến từ xuất khẩu qua thị trường châu Âu, Nhật Bản.

Với mảng gỗ, Phú Tài có nhà máy chế biến công suất trên 20.000 m3 gỗ/năm, chưa tính các nhà máy xây mới và mua thêm.

Với mảng ô tô, Công ty có lượng phân phối xe khoảng 2.000 chiếc (năm 2016), sửa chữa trung bình 36.000 lượt xe/năm.

Dữ liệu của Phú Tài cho thấy, trong các năm qua, doanh thu của Công ty tăng trưởng mạnh ở tất cả các mảng kinh doanh, đặc biệt là mảng đá và gỗ. Hai mảng này đóng góp khoảng 27% doanh thu, nhưng mảng kinh doanh đá đang bứt phá mạnh mẽ về khả năng đóng góp lợi nhuận cho Công ty.

Cụ thể, tỷ lệ lợi nhuận gộp trên doanh thu của mảng đá năm 2014 là 28,04%, đến năm 2016 tăng lên xấp xỉ 35%, trong khi doanh thu mảng này tăng trên 22% so với năm 2016, tăng 64,3% so với năm 2014. Trong cùng khoảng thời gian, mảng gỗ có tốc độ tăng doanh thu trung bình tương đương mảng  đá, nhưng tỷ lệ lợi nhuận gộp/doanh thu chỉ tăng nhẹ từ mức 14,7% lên 16,8%. Ngược lại, mảng ô tô tăng được doanh số, nhưng tỷ lệ lợi nhuận gộp/doanh thu giảm.

Việc Phú Tài tăng hiệu quả kinh doanh trong mảng đá là điều thị trường có thể nhìn thấy, bởi trong thời gian gần đây, với tình trạng khan hiếm các mỏ đá khu vực phía Nam, nhu cầu đá phục vụ xây dựng tăng mạnh, giá nguyên vật liệu tăng liên tục, các doanh nghiệp lĩnh vực này đều được hưởng lợi.

Dấu hỏi về mục tiêu tăng vốn phía sau lợi nhuận “khủng” của Phú Tài (PTB) ảnh 1

Giá cổ phiếu tăng ấn tượng

Ngày 22/7/2011, cổ phiếu PTB chào sàn HOSE, với mức giá đóng cửa 16.000 đồng/cổ phiếu, giảm sàn so với giá tham chiếu, với 44.620 đơn vị được khớp lệnh. 3 phiên sau đó, giá cổ phiếu PTB đều giảm sàn, đóng cửa ngày 26/7 ở mức 14.500 đồng/cổ phiếu.

Ngày 2/8/2011, giá cổ phiếu này giảm còn 13.300 đồng/cổ phiếu, nếu tính các yếu tố điều chỉnh do nhận cổ tức, quyền mua... thì tương đương mức 3.510 đồng/cổ phiếu ở thời điểm hiện tại. Nhưng kết thúc phiên giao dịch ngày 20/10/2017, PTB có giá 133.400 đồng/cổ phiếu.

Điều này có nghĩa, những nhà đầu tư mua cổ phiếu PTB hơn 6 năm trước, sau đó “ngồi im" và thực hiện quyền, đạt được mức lợi nhuận 3.700%. Nếu may mắn chốt lời ở vùng giá đỉnh (cách đây 1 tháng), mức sinh lời của nhà đầu tư lên tới hơn 4.000%.

Dấu hỏi về mục tiêu tăng vốn phía sau lợi nhuận “khủng” của Phú Tài (PTB) ảnh 2

Dấu hỏi về mục tiêu tăng vốn

Ngày 11/8/2017, Phú Tài tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2017, thông qua phương án tăng vốn điều lệ. Theo đó, Công ty sẽ thực hiện phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 5:1, với giá 35.000 đồng/cổ phiếu; chào bán hơn 1,296 triệu cổ phiếu cho cán bộ, công nhân viên theo chương trình ESOP, với giá 35.000 đồng/cổ phiếu, hạn chế chuyển nhượng 2 năm.

Đợt phát hành cho cổ đông hiện hữu dự kiến thu về 181,441 tỷ đồng, trong đó hơn 53 tỷ đồng sẽ được Công ty mua máy móc, thiết bị cho Nhà máy chế biến gỗ Phù Cát, hơn 27 tỷ đồng cho Nhà máy chế biến đá Diên Tân - Khánh Hòa, hơn 101 tỷ đồng còn lại bổ sung vốn lưu động.

Với phần phát hành cho cán bộ, công nhân viên, số tiền dự kiến thu về 45,36 tỷ đồng, Công ty sẽ chi 9,763 tỷ đồng mua máy móc cho Nhà máy chế biến gỗ Phù Cát, 8,45 tỷ đồng  mua máy móc cho Nhà máy chế biến đá Diên Tân - Khánh Hòa,  27,146 tỷ đồng còn lại bổ sung vốn lưu động.

Với phương án này, nếu giả định giá cổ phiếu PTB sẽ đi ngang tại vùng giá hiện tại, thì ngay sau khi phát hành, nếu những người được mua cổ phiếu ESOP bán đi một lượng cổ phiếu thường tương ứng sẽ có được khoản chênh lệch hơn 96 tỷ đồng cho cán bộ, công nhân viên.

Thêm vào đó, câu hỏi đặt ra là, vì sao Phú Tài lại hiện phát hành cổ phiếu ở giai đoạn này?

Chưa có báo cáo tài chính quý III/2017, nhưng báo cáo tài chính bán niên  cho thấy, Công ty đang có hơn 64 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng, trong đó gần 33 tỷ đồng là tiền gửi có kỳ hạn, bên cạnh khoản 172 tỷ đồng tiền cho các công ty con vay ngắn hạn.

Nửa đầu năm, Công ty thu ròng từ hoạt động sản xuất - kinh doanh (hợp nhất) là 123 tỷ đồng, chi đầu tư xây dựng cơ bản 165 tỷ đồng trên tổng kế hoạch 306 tỷ đồng. Như vậy, toàn bộ nửa cuối năm, theo kế hoạch, nhu cầu vốn xây dựng cơ bản của Phú Tài ở mức xấp xỉ 140 tỷ đồng. Con số này nhỏ hơn nhiều so với số tiền Công ty dự kiến thu được từ hoạt động kinh doanh nửa cuối năm, với khoảng 252 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế (bao gồm ít nhất 73 tỷ đồng khấu hao tài sản cố định).

Tại thời điểm 30/6/2017, Phú Tài có hơn 600 tỷ đồng vay vốn ngắn hạn. Thế nhưng, mức lãi vay phát sinh thực tế 6 tháng đầu năm chỉ hơn 16 tỷ đồng, cho thấy các khoản vay này chủ yếu là vay vốn lưu động. Với dòng doanh thu, lợi nhuận, khấu hao lớn, dư địa của Công ty còn rất lớn. Vậy động cơ tăng vốn của Phú Tài thực sự là gì? Bởi ngay trong năm 2017, bản thân doanh  nghiệp cũng đã thực hiện chia cổ tức cho cổ đông, tỷ lệ 10% vốn điều lệ bằng tiền.

Tin bài liên quan