ông Lê Tùng, Chủ tịch HĐQT thành viên Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (SATRA).

ông Lê Tùng, Chủ tịch HĐQT thành viên Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (SATRA).

Đấu giá thành công, Vissan lý giải vụ Proconco “tố” CJ

Cuộc đấu giá cổ phần chiến lược của Công ty TNHH một thành viên Kỹ nghệ súc sản (Vissan) diễn ra sáng nay 24/3 tại TP.HCM đã bán đấu giá thành công 100% số cổ phần cho nhà đầu tư là Công ty cổ phần Dinh dưỡng Nông nghiệp quốc tế - Anco (thuộc Masan) với giá trúng thầu 126.000 đồng/cổ phần. Chốt phiên đấu giá cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược, Vissan thu về 1.427 tỷ đồng (cho tỷ lệ nắm giữ vốn là 14%).

Đối thủ của Massan trong cuộc đấu giá này là Công ty CheiJedang của Hàn Quốc bỏ mức giá sít sao là 120.600 đồng/cổ phần. Công ty cổ phần Việt - Pháp sản xuất thức ăn gia súc (Proconco, cũng thuộc Massan) bỏ giá 125.000 đồng/cổ phần.

Như vậy, sau IPO và đấu giá cổ phần Vissan, nhà đầu tư chiến lược CJ sở hữu hơn 4% cổ phần của Vissan, còn Massan, thông qua các công ty con và đối tác của mình, sở hữu gần 24%. Dự kiến ngày 29/4 tới, Vissan sẽ tổ chức đại hội đồng cổ đông đầu tiên và hoàn thành thủ tục đăng ký đi vào hoạt động theo hình thức cổ phần vào tháng 6/2016.

Sau cuộc đấu giá, phóng viên Báo Đầu tư điện tử - Baodautu.vn đã trao đổi với ông Lê Tùng, Chủ tịch HĐQT thành viên Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (SATRA), Trưởng ban chỉ đạo cổ phần hóa Vissan về việc trả lời kiến nghị của Công ty cổ phần Việt - Pháp sản xuất thức ăn gia súc (Proconco) “tố” Công ty CJ CheilJedang của Hàn Quốc không đạt chỉ số nợ trên tổng tài sản để đủ điều kiện trở thành cổ đông chiến lược của Vissan.

Thưa ông, trước khi diễn ra phiên đấu giá một ngày, Ban chỉ đạo cổ phần hóa đã họp với Proconco để trả lời thắc mắc của họ. Vậy câu trả lời như thế nào và nhà đầu tư có thỏa mãn không?

Có 5 tiêu chí để trở thành nhà đầu tư chiến lược của Vissan, mỗi tiêu chí có nhiều nội dung. Không bắt buộc 100% nội dung các tiêu chí phải đạt. Ví dụ, Proconco và Anco không đạt tiêu chuẩn 3F (Feed – Farm – Food) - “từ trang trại tới bàn ăn", họ chỉ có 1F.

Khi xem xét tiêu chí nợ trên tổng tài sản của CJ, chúng tôi dựa trên báo cáo tài chính chính thức có kiểm toán quốc tế của CJ gửi, là 1,15 lần đạt tiêu chí đặt ra. Còn số liệu Proconco lấy trên mạng chúng tôi không thừa nhận vì không có tính pháp lý.

Khi xét chọn nhà đầu tư chiến lược đăng ký tham gia đấu giá, thì có 3 nhà đầu tư, có nhà đầu tư trong nước, có nhà đầu tư nước ngoài chúng tôi chọn cả 3, là công bằng. Có nhà đầu tư ở nội dung này chưa đạt nhưng ở các nội dung khác lại vượt lên.

Các tiêu chí trọng yếu là nhà đầu tư chiến lược phải cam kết không bán cổ phần trong nhiều năm, giữ vững và phát triển thương hiệu Vissan, tránh việc họ mua công ty rồi đưa thương hiệu của họ vào thay thế.

Proconco họ khiếu nại, nhưng họ vẫn tham gia cuộc đấu giá hôm nay, đó là câu trả lời.

Ông có hài lòng với kết quả đấu giá này không?

Sau cuộc đấu giá này, sẽ về 1.427 tỷ đồng cùng với 906 tỷ đồng thu từ  IPO. Toàn bộ số tiền 2.500 tỷ đồng này nộp về ngân sách nhà nước. Tới đây, cả cổ đông Massan và CJ sẽ tham gia vào Vissan, đó là có sự cạnh tranh và hợp tác thì rất tốt cho công ty.

Ông có thể chia sẻ lộ trình thoái  tiếp vốn nhà nước ở Vissan?

Sau cổ phần hóa, các bên sẽ hợp tác vài năm để hoạt động ổn định, nhà đầu tư chứng minh năng lực thực sự có làm được hay không, hai bên có hợp tác tốt với nhau hay không khi đó mới tính tiếp.

Ông có thể cho biết, lộ trình đầu tư nhà máy chế biến mới của Vissan và kế hoạch sự dụng khu đất cũ ở nội thành sau khi di rời nhà máy?

Vissan đang thiết kế dự án trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt dự án nhà máy chế biến thực phẩm khoảng với vốn đầu tư 80 triệu USD, mỗi năm tiêu thụ 1 triệu con heo, hỗ trợ trang trại heo của Đằng bằng sông Cửu Long có nơi tiêu thu ổn định và phát triển Vissan trong 5 - 10 năm sau có thị phần bền vững. Dự án tại Khu công nghiệp Thủ Thừa Long An khoảng 10 ha dự kiến đến năm 2020 thì xong, di dời nhà máy Vissan về đó, trả lại khu đất ở nội thành cho Tổng công ty Thương mại Sài Gòn (SATRA).

Tin bài liên quan