Đặt kế hoạch lỗ 18,5 tỷ đồng, lãnh đạo VPK nói đây là kế hoạch sát với thực tế nhất

Đặt kế hoạch lỗ 18,5 tỷ đồng, lãnh đạo VPK nói đây là kế hoạch sát với thực tế nhất

(ĐTCK) Tại ĐHCĐ thường niên năm 2017 của CTCP Bao bì dầu thực vật (VPK) diễn ra sáng nay (14/4), nhiều ý kiến chất vấn của cổ đông xoay quanh kế hoạch kinh doanh năm 2017 với doanh thu dự kiến 250 tỷ đồng, lỗ 18,5 tỷ đồng

Ông Lê Hoàng Vũ, Giám đốc điều hành VPK cho biết, đây là kế hoạch sát với thực tế nhất, bởi hiện nay, Công ty đang trong giai đoạn tìm kiếm khách hàng cho nhà máy mới tại Khu công nghiệp Nam Tân Uyên, Bình Dương, dự kiến đưa vào hoạt động từ quý II/2017.

"Do là năm đầu tiên đi vào hoạt động nên chưa khai thác được thị trường, công suất chỉ mới đạt khoảng 35% công suất thiết kế", ông Vũ cho hay.

Tổng vốn đầu tư cho dự án nhà máy mới này là khoảng 300 tỷ đồng, trong đó vốn vay chiếm 70% và 30% vốn tự có, do vốn đầu tư chủ yếu là vốn vay dài hạn nên VPK phải chịu chi phí tài chính cao và chi phí trước hoạt động phải phân bổ vào hoạt động sản xuất kinh doanh theo quy định.

Tính đến hết quý I/2017, tổng giá trị công trình đã thực hiện 230 tỷ đồng, tương đương 72% tổng vốn đầu tư dự kiến đã được ĐHCĐ phê duyệt.

Đặt kế hoạch lỗ 18,5 tỷ đồng, lãnh đạo VPK nói đây là kế hoạch sát với thực tế nhất ảnh 1

Bên cạnh việc xây dựng nhà máy mới, VPK dự kiến sẽ di dời nhà máy các trang thiết bị nhà máy cũ tại quận 12 (TP.HCM) về nhà máy tại Bình Dương. Đồng thời, sẽ có kế hoạch chuyển nhượng hoặc cho thuê mặt bằng tại nhà máy cũ nhằm giảm bớt một phần áp lực về chi phí tài chính cho công ty.

Ông Vũ cho biết, việc di dời nhà máy quận 12 ra Bình Dương nằm trong chủ trương tái cấu trúc hoạt động của Công ty. Tuy nhiên trong giai đoạn hiện nay, khi nhà máy cũ chưa chuyển giao xong và nhà máy mới chưa thể chạy hết công suất, chi phí quản lý doanh nghiệp dự kiến tăng, sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch kinh doanh của công ty trong năm nay.

Cuối cùng, Đại hội đã nhất trí thông qua kế hoạch doanh thu dự kiến 250 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế âm 18,5 tỷ đồng.

Mặc dù không chia cổ tức cho năm 2017, nhưng HĐQT VPK dự kiến thưởng cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 1:0,875 thông qua phát hành 7 triệu cổ phiếu. Thời điểm thực hiện sẽ ủy quyền cho HĐQT quyết định. Tổng vốn điều lệ dự kiến sau phát hành tăng lên gần 150 tỷ đồng.

Tính đến cuối năm 2016, tổng tài sản của VPK đạt 407 tỷ đồng, tăng 36% so với thời điểm đầu năm. Trong khi đó, nợ phải trả tăng 116 tỷ đồng, tương đương mức tăng 89% do vay dài hạn đầu tư cho nhà máy bao bì carton mới tại Bình Dương.

Theo HĐQT VPK, năm 2016, sức cầu thị trường bao bì yếu trong khi nguồn cung tăng mạnh do có nhiều nhà cung cấp tham gia vào thị trường khu vực phía Nam, bên cạnh đó áp lực gia tăng quy mô sản xuất của nhiều doanh nghiệp dẫn đến sự cạnh tranh gay gắt về giá bán và thị phần. Do đó, năm 2016, doanh thu và lợi nhuận của VPK không đạt kế hoạch năm.

Cụ thể doanh thu VPK đạt 201 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 1,6 tỷ đồng, hoàn thành lần lượt 58% và 6,8% chỉ tiêu đề ra.

Tin bài liên quan