Đại hội cổ đông BIDV lên kế hoạch 7.900 tỷ đồng lợi nhuận 2016

Đại hội cổ đông BIDV lên kế hoạch 7.900 tỷ đồng lợi nhuận 2016

(ĐTCK) Hôm nay (24/4), Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV – mã: BID) tổ chức Đại hội đồng Cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2016.  Ngoài thông qua kế hoạch 2016, BIDV cũng lên kế hoạch việc mua lại phần vốn góp của Vietnam Partners trong liên doanh quản lý quỹ.

Ngoài các nội dung được trình đại hội như báo cáo tài chính đã được kiểm toán năm 2015, phương án trích lập các quỹ, phân phối lợi nhuận và chi trả cổ tức năm 2015; báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh 2015 và kế hoạch kinh doanh 2016; ngân sách và thù lao của HĐQT, phương án tăng vốn điều lệ năm 2016… thì ĐHĐCĐ lần này sẽ thông qua một nội dung quan trọng như: Thành  lập Công ty con của BIDV trong lĩnh vực quản lý quỹ đầu tư trên cơ sở việc mua lại phần vốn góp của Vietnam Partners tại BVIM; Thực hiện hoạt động cung cấp dịch vụ bù trừ, thanh toán giao dịch chứng khoán phái sinh.

Theo báo cáo của BIDV, năm 2015 vẫn giữ vị thế là Ngân hàng TMCP đứng đầu trên thị trường Việt Nam. Đặc biệt đã thực hiện sáp nhập thành công Ngân hàng TMCP Phát triển Nhà Đồng bằng sông Cửu Long (MHB) chỉ sau 55 ngày từ khi có chủ trường; dự báo và tư vấn tham mưu cho các cấp lãnh đạo Đảng, Nhà nước được đánh giá cao, thể hiện tốt vai trò Chủ tịch hiệp hội các nhà đầu tư tại Lào, Campuchia, Myanmar và đi đầu tại các thị trường như Nga, EU, Đài Loan…

Về kết quả kinh doanh, tính đến cuối năm 2015, BIDV có quy mô tổng tài sản đạt gần 851 ngàn tỷ đồng, tăng trưởng 24% so với đầu kỳ, trở thành Ngân hàng TMCP có quy mô dẫn đầu thị trường. Bên cạnh đó, BIDV nằm trong Top 6 các công ty có vốn hóa lớn nhất thị trường chứng khoán Việt Nam với tổng khối lượng cổ phiếu lưu hành đến thời điểm 31/12/2015 là hơn 3,4 tỷ cổ phiếu, tổng giá trị vốn hóa cổ phiếu BID đạt hơn 70 ngàn tỷ đồng, tăng 90% so với mức vốn hóa đầu năm 2015.

Hiện nay, BID vẫn đang nằm trong top 10 cổ phiếu có vốn hóa dẫn đầu thị trường, chiếm hơn 6% tổng mức vốn hóa toàn thị trường.

Nguồn vốn huy động tới cuối năm 2015 đạt 790.580 tỷ đồng, tăng trưởng 24% so với năm trước, cao hơn mục tiêu đã được ĐHĐCĐ giao (tăng 16,5%); dư nợ tín dụng và đầu tư đạt 806 ngàn tỷ đồng, trong đó dư nợ cho vay tổ chức kinh tế và cá nhân đạt 622 ngàn tỷ đồng, tăng trưởng 22,3% so với cuối năm trước; tỷ lệ nợ xấu giảm mạnh còn 1,68%, thấp hơn tỷ lệ nợ xấu tối đa do ĐHĐCĐ năm 2015 đặt ra là dưới 3%.

Lợi nhuận trước thuế năm 2015 của BIDV đạt 7. 473 tỷ đồng, tăng 18,67% so với năm trước. Các chỉ tiêu về cơ cấu, tỷ lệ an toàn hoạt động về cơ bản đều đáp ứng mục tiêu kế hoạch: ROA, ROE lần lượt đạt 0,79% và 15,5%. Hệ số CAR đạt trên 9%, đảm bảo chỉ tiêu an toàn thanh khoản, giới hạn đầu tư theo quy định của NHNN. BIDV cũng đã hoàn thành việc chi trả cổ tức năm 2014 theo phương án được ĐHĐCĐ thông qua và chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước, theo đó thực hiện chi trả cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 10,2%/cổ phiếu.

Trong quý I/2016, các chỉ tiêu quy mô hoạt động tiếp tục tăng trưởng ổn định ngay từ đầu năm và đến hết Quý I dư nợ tổ chức, cá nhân tăng trưởng 4,3%, tốc độ tăng trưởng nguồn vốn huy động đạt gần 4%, tổng tài sản đạt trên 867 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng gần 2%, duy trì là Ngân hàng TMCP có quy mô đứng đầu thị trường. Lợi nhuận trước thuế đạt 1.900 tỷ, tăng trưởng trên 3% so với cùng kỳ, hoàn thành 24% kế hoạch năm.

BIDV đặt lộ trình thực hiện đến năm 2018 cơ bản đạt được nền tảng của một “ngân hàng đạt chuẩn ASEAN” (Qualified ASEAN Banks - QABs).

Tại ĐHĐCĐ của BIDV hôm nay cũng thông qua các nội dung miễn nhiệm chức danh thành viên HĐQT của bà Nguyễn Thị Kim Thanh kể từ ngày 01/4/2016, miễn nhiệm chức danh thành viên HĐQT của ông Lê Đào Nguyên kể từ ngày 01/5/2016 (nghỉ hưu theo chế độ).

Đồng thời ĐHĐCĐ thông qua một số nhiệm vụ, chỉ tiêu kế hoạch 2016, cụ thể: nguồn vốn huy động tăng trưởng 21-22%; dư nợ tín dụng tăng trưởng 18%, lợi nhuận trước thuế: 7.900 tỷ đồng; tỷ lệ nợ xấu dưới 3%, phấn đấu dưới 2%; tỷ lệ chi trả cổ tức trên 7%.

BIDV cũng đặt lộ trình thực hiện đến năm 2018 cơ bản đạt được nền tảng của một “ngân hàng đạt chuẩn ASEAN” (Qualified ASEAN Banks - QABs) – gói cam kết thứ 6 (Tự do hóa dịch vụ tài chính – Cộng đồng kinh tế Asean AEC).

Ngày 4/3/2016 vừa qua, hội đồng cấp phép thành lập chi nhánh Ngân hàng nước ngoài tại Myanmar đã chính thức công bố, BIDV được lựa chọn cấp phép sơ bộ thành lập Chi nhánh tại Myanmar. Việc BIDV được lựa chọn lần này chứng tỏ vị thế, năng lực, uy tín của BIDV đã được Chính phủ Myanmar ghi nhận và đánh giá cao.BIDV đã trở thành Ngân hàng Việt Nam đầu tiên được cấp phép thành lập chi nhánh tại Myanmar. Theo kế hoạch, chi nhánh BIDV tại Myanmar sẽ chính thức khai trương đi vào hoạt động trong năm 2016.

Tin bài liên quan