Cổng vào Dự án Tháp Kim Cương

Cổng vào Dự án Tháp Kim Cương

“Đại chiến” PVL kết thúc: Trong rác có vàng?

(ĐTCK) Cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên lần 2 của Công ty cổ phần Bất động sản Điện lực Dầu khí (PVL) ngày 22/6 đã bầu ra 3 thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT) mới. Động thái này mở đường cho một cuộc tái cấu trúc toàn diện PVL. Át chủ bài của PVL là nắm trong tay quỹ “đất vàng” tại các vị trí đắc địa ở Hà Nội và TP.HCM.

26 cổ đông và người đại diện được ủy quyền, đại diện cho 37,3 triệu cổ phần, chiếm 74,66% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết của PVL đã bãi nhiệm 3 thành viên HĐQT cũ của Công ty và bầu ra 3 gương mặt mới. Trước đó, các nhóm cổ đông lớn đã kiến nghị bãi nhiệm toàn bộ 5 thành viên HĐQT đương nhiệm, tuy nhiên không được HĐQT PVL chấp thuận. Đại hội lần 1 đã thất bại do cổ đông lớn không đến tham dự.

Lần này, các gương mặt mới trong HĐQT PVL là những cái tên không mấy xa lạ trên thị trường, gồm ông Đỗ Văn Bình, ông Trần Quốc Huy, ông Nguyễn Hưng Bường.

Trong đó, ông Bình hiện là Phó chủ tịch HĐQT Sudico, một trong những nhân vật chủ chốt thực hiện tái cấu trúc Sudico và ông Trần Quốc Huy, Chủ tịch Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển công nghệ Việt Nam.

Bên cạnh những gương mặt mới, đại hội đã thông qua việc đổi tên Công ty (trước đây PVN là cổ đông lớn, cổ đông sáng lập, nhưng đến thời điểm này PVN đã thoái hết vốn tại PVL nên giữ tên cũ không còn phù hợp, song giữ nguyên mã chứng khoán).

Đặc biệt, đại hội đã hé lộ số phận khu đất vàng 10.000 m2 trên đường Phạm Hùng (Hà Nội). Cụ thể, cổ đông thông qua phương án nhận lại cổ phần PVT và thực hiện nghĩa vụ thanh toán theo phán quyết của Tòa án nhân dân cấp cao, ủy quyền cho HĐQT Công ty tiếp tục làm việc với các cấp có thẩm quyền và chủ động ra quyết định về việc trên, sau đó có báo cáo với Đại hội đồng cổ đông tại kỳ họp gần nhất, hoặc thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Dự án tổ hợp công trình tháp Kim Cương có chủ đầu tư là Công ty cổ phần Địa ốc Dầu khí Viễn thông (PVT), PVL chiếm 24,24% vốn điều lệ (tỷ lệ thực góp 47,25%), đã hoàn thành công tác phê duyệt điều chỉnh quy hoạch tỷ lệ 1/500 và được cấp giấy phép xây dựng.

Năm 2010, PVL đã ký hợp đồng chuyển nhượng toàn bộ 12,12 triệu cổ phần tại PVT cho Công ty cổ phần Xây dựng Minh Ngân (Minh Ngân). Tổng giá trị hợp đồng là 192 tỷ đồng, Minh Ngân đã thanh toán cho PVL 100 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau đó hai bên đã hủy một phần hợp đồng chuyển nhượng cổ phần và PVL nhận lại 5,817 triệu cổ phần (tương đương số tiền chưa thanh toán của hợp đồng mua cổ phần), chiếm 24,24% số lượng cổ phần cam kết góp vốn tại PVT.

Ngày 15/3/2017, Tòa án nhân dân cấp cao Hà Nội đã mở phiên tòa phúc thẩm vụ án “Lừa đảo, chiếm đoạt tài sản” tại Minh Ngân.

Tại bản án, Tòa án đã phán quyết buộc PVL phải nộp lại 100 tỷ đồng mà Minh Ngân đã thanh toán cho PVL theo hợp đồng chuyển nhượng cổ phần để đảm bảo thi hành án về bồi thường.

Theo đó, PVL sẽ nhận lại 6,3 triệu cổ phần PVT từ Minh Ngân. Sau khi bản án có hiệu lực thi hành, số cổ phần của PVL tại PVT sẽ tăng lên 12,1 triệu đơn vị, chiếm 50,5% tổng số cổ phần PVT.

Vào tay những ông chủ có tiềm lực, khu đất có vị trí đắc địa mặt đường Phạm Hùng, rộng gần 10.000 m2 gần ngay công viên hồ điều hòa 32 ha, gần tòa nhà Keangnam dự kiến sẽ là một “mỏ vàng”.

Trong quá khứ, PVL có nhiều “lùm xùm” về các vụ chiếm đoạt tài sản, tiền bạc tại Công ty.

Ngoài khu đất trên, PVL còn có Dự án Trung tâm thương mại dịch vụ văn hóa thể thao và văn phòng tại đường Lê Đức Thọ (Mỹ Đình, Hà Nội) đã được Sở Quy hoạch Kiến trúc phê duyệt quy hoạch tổng mặt bằng tỷ lệ 1/500 và phương án kiến trúc sơ bộ. Hiện Công ty đang làm việc với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội để xin gia hạn thời gian lập dự án đầu tư xây dựng.

Khu đất có diện tích hơn 2,4 ha  nằm gần các trung tâm thương mại, khu vui chơi giải trí, khách sạn, trường học như Keangnam, The Manor, Marriott, không khó để đầu tư cũng như chuyển nhượng thời điểm này.

Tại TP.HCM, ngoài Dự án Linh Tây Tower chuẩn bị bàn giao nhà và đã bán thành công 410/420 căn hộ, PVL còn có Dự án Khu nhà ở phường Trường Thạnh, quận 9. Dự án do Công ty cổ phần Địa ốc Dầu khí Sài Gòn (PVLSG) làm chủ đầu tư, có diện tích 2,6 ha. Hiện PVL chiếm 97,65% vốn điều lệ của PVLSG.

Dự án đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và đã được Ủy ban nhân dân quận 9 phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị tỷ lệ 1/500. Cuối năm 2016, PVL đã lập phương án điều chỉnh tỷ lệ 1/500 theo phương án mới để tiếp tục triển khai dự án.

Trong quá khứ, PVL có nhiều “lùm xùm” về các vụ chiếm đoạt tài sản, tiền bạc tại Công ty. Giá cổ phiếu PVL đã trượt dốc một cách thảm hại (năm 2010 lên sàn, thị giá có thời điểm đạt 39.000 đồng/cổ phiếu, cho đến tháng 2/2016 có phiên chỉ còn 1.600 đồng/cổ phiếu).

Dường như "sinh khí" mới từ sự tham gia của các cổ đông lớn, các tên tuổi khá thành danh trên thị trường đã tạo nên hy vọng cho cổ đông PVL. Giá cổ phiếu PVL từ hơn tháng nay có chuyển động tích cực, hiện đạt 3.800 đồng/cổ phiếu.

Tin bài liên quan