CTCP Dược phẩm Bắc Ninh: Phát hành chui vẫn tăng vốn… bình thường là sao?

CTCP Dược phẩm Bắc Ninh: Phát hành chui vẫn tăng vốn… bình thường là sao?

(ĐTCK) Dùng Quỹ phúc lợi tại Công ty để chi cho khoản phạt hành chính 340 triệu đồng do vi phạm phát hành chui, sau đó Công ty không trả lại tiền cho nhà đầu tư và vẫn tăng vốn bình thường là những chuyện xảy ra tại CTCP Dược phẩm Bắc Ninh. 

Câu chuyện này được nhóm cổ đông sở hữu 11% vốn phản ánh đến Báo Đầu tư Chứng khoán, từ đó hé lộ ra một vấn đề pháp lý đáng quan tâm bàn thảo.

Phát hành chui nhưng vẫn tăng vốn… bình thường là sao?

Mua cổ phần của Công ty Dược phẩm Bắc Ninh từ hồi Nhà nước thoái vốn, bán đấu giá cổ phần, nhóm cổ đông do ông Nguyễn Đắc Hướng đại diện đã sở hữu 11% vốn điều lệ tại doanh nghiệp này.

Tại thời điểm Đại hội đồng cổ đông 2015, vốn điều lệ của Dược phẩm Bắc Ninh là 30,03 tỷ đồng, HĐQT đề xuất việc tăng vốn lên 40 tỷ đồng.

Tuy nhiên, vào thời điểm đó, nhóm cổ đông do ông Hướng đại diện đã nêu ý kiến rằng, họ sẽ chỉ tham gia góp vốn nếu Công ty tuân thủ đúng pháp luật, tức là xin phép Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) về đợt phát hành, do Công ty đã đủ điều kiện là công ty đại chúng, nhưng lại chưa đăng ký với nhà quản lý.

Dù có sự phản đối của nhóm cổ đông lớn, nhưng năm 2015, Dược phẩm Bắc Ninh vẫn quyết định tăng vốn điều lệ bằng cách phát hành cổ phiếu mà không xin phép UBCK. Hậu quả là ngày 19/7/2016, UBCK đã ban hành Quyết định số 712/QĐ-XPVPHC xử phạt Dược phẩm Bắc Ninh về hai sai phạm chính.

Thứ nhất, nộp hồ sơ đăng ký công ty đại chúng quá thời hạn quy định trên 12 tháng (từ ngày 6/4/2012, Dược phẩm Bắc Ninh đã trở thành công ty đại chúng  do có 302 cổ đông với số vốn điều lệ là 15 tỷ đồng), nhưng đến ngày 12/5/2016, UBCK mới nhận được hồ sơ công ty đại chúng của Công ty. Lỗi này bị phạt 40 triệu đồng.

Lỗi thứ hai, nặng hơn, là chào bán chứng khoán ra công chúng nhưng không đăng ký với UBCK. Theo UBCK, từ ngày 18/4/2015 đến ngày 20/7/2015, Dược phẩm Bắc Ninh đã thực hiện chào bán cổ phiếu ra công chúng cho hơn 100 nhà đầu tư để tăng vốn điều lệ từ 30,033 tỷ đồng lên 36,536 tỷ đồng (Nghị quyết tăng lên 40 tỷ đồng, nhưng chỉ huy động thêm được gần 6,6 tỷ đồng), nhưng không đăng ký, vi phạm quy định tại Nghị định số 108/2013/NĐ-CP.

Lỗi này Công ty bị phạt 340 triệu đồng, đồng thời UBCK yêu cầu: “Công ty phải thu hồi chứng khoán đã chào bán, hoàn trả cho nhà đầu tư tiền mua chứng khoán hoặc tiền đặt cọc (nếu có) cộng thêm tiền lãi tính theo lãi suất tiền gửi không kỳ hạn của ngân hàng mà cá nhân, tổ chức vi phạm mở tài khoản thu tiền mua chứng khoán hoặc tiền đặt cọc tại thời điểm quyết định áp dụng biện pháp này có hiệu lực thi hành trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu của nhà đầu tư. Thời hạn nhà đầu tư gửi yêu cầu là 60 ngày kể từ ngày quyết định áp dụng biện pháp này có hiệu lực”.

Cổ đông bên ngoài như chúng tôi thiệt quá. Buộc  doanh nghiệp làm đúng luật thì cuối cùng chúng tôi bị đẩy ra ngoài. Doanh nghiệp vẫn phát hành, vẫn tăng vốn và chúng tôi không biết phải làm thế nào để thúc đẩy doanh nghiệp hoạt động đúng luật, mà quyền lợi của mình không bị ảnh hưởng

- Nhà đầu tư Nguyễn Đắc Hướng

Như ông Hưởng cho biết, nhóm cổ đông phản đối việc phát hành chui, phát hành không xin phép năm 2015 đương nhiên không nộp tiền mua thêm cổ phiếu, còn những cổ đông ủng hộ phương án này (chủ yếu là lãnh đạo doanh nghiệp) thì đã nộp tiền mua và sau quyết định xử phạt của UBCK, họ cũng đương nhiên… không yêu cầu Công ty hoàn trả tiền. Vì vậy, hình thức xử phạt bổ sung mà UBCK nêu ra, tuy rất mạnh mẽ, nhưng thực tế lại không có tác dụng xử lý hành vi sai luật của Dược phẩm Bắc Ninh.

Tại ngày 31/12/2016, Báo cáo tài chính kiểm toán của Dược phẩm Bắc Ninh vẫn hạch toán vốn điều lệ mới là 36,536 tỷ đồng. Hành động này khiến sở hữu của nhóm cổ đông trên 11% vốn rơi xuống chỉ còn 9,6%. Ở mức sở hữu mới, nhóm cổ đông ngoài doanh nghiệp không còn quyền đề cử người vào Hội đồng quản trị (không còn quyền lợi của nhóm cổ đông trên 10%).

Những câu hỏi nhà quản lý cần trả lời

Chia sẻ với Đầu tư Chứng khoán, ông Nguyễn Đắc Hướng cho biết: “Cổ đông bên ngoài như chúng tôi thiệt quá. Buộc DN làm đúng luật thì cuối cùng chúng tôi bị đẩy ra ngoài (cuộc phát hành tăng vốn). DN vẫn phát hành, vẫn tăng vốn và chúng tôi không biết phải làm thế nào để thúc đẩy DN hoạt động đúng luật, mà quyền lợi của mình không bị ảnh hưởng".

Tình huống của Dược phẩm Bắc Ninh khiến nhóm cổ đông bên ngoài nêu ra 3 câu hỏi, rất cần các chuyên gia và nhà quản lý trả lời. Thứ nhất, Công ty không thu hồi chứng khoán đã chào bán và vẫn hạch toán, đăng ký vốn điều lệ mới là 36,536 tỷ đồng có hợp lý không và trên cơ sở nào? Cổ đông bên ngoài doanh nghiệp phải căn cứ vào đâu để buộc Công ty tuân thủ việc thu hồi chứng khoán đã chào bán?

Thứ hai, ông Hướng cho biết, khi hỏi khoản phạt 340 triệu đồng này lấy từ đâu, Công ty đã thản nhiên trả lời rằng, lấy từ… Quỹ phúc lợi. Vậy Công ty dùng Quỹ phúc lợi để chi cho khoản bị phạt 340 triệu đồng có hợp lệ không? Câu hỏi này đặt ra trong bối cảnh theo quy định pháp luật về chứng khoán, các doanh nghiệp phải chấp hành quyết định xử phạt, nhưng khoản tiền phạt phải quy trách nhiệm cá nhân làm sai và phải chi trả khoản này.

Thứ ba, sau khi bị phạt 40 triệu vì chậm nộp hồ sơ DN đại chúng, Công ty đã “nhập, tách” cổ đông và giảm lượng xuống dưới 100 người, không còn đủ điều kiện là DN đại chúng nữa. Như vậy, cơ quan nào sẽ tiếp tục giám sát, thúc đẩy DN tuân thủ luật pháp về phát hành, bảo vệ quyền lợi của cổ đông đại chúng?

Câu chuyện tại Dược phẩm Bắc Ninh có lẽ cũng là hiện tượng chung tại nhiều DN đại chúng. Tuy đã bị phạt nặng về phát hành chui, bị yêu cầu thu hồi chứng khoán đã chào bán, nhưng DN vẫn… tăng vốn bình thường.

Vấn đề dường như nằm ở câu chữ  trong Nghị định 108: “Thu hồi chứng khoán đã chào bán, hoàn trả tiền… trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu của nhà đầu tư”. Trớ trêu là, nhà đầu tư phản đối đợt phát hành thì đã không nộp tiền, họ đâu có quyền để yêu cầu DN hoàn trả?

Như chia sẻ của ông Hướng: “Thiết nghĩ, nếu cứ phạt DN rồi DN lại lấy tiền từ các quỹ ra nộp cho xong và DN vẫn hợp thức hóa được việc tăng vốn, sử dụng phần góp vốn của nhóm cổ đông chi phối để tăng tỷ lệ sở hữu, tỷ lệ biểu quyết, đồng thời gạt bỏ quyền lợi cổ đông nhỏ ra ngoài thì các hình thức phạt có hàng tỷ đồng cũng không có tác dụng. Cổ đông nhỏ sẽ không còn cách để đảm bảo quyền lợi của mình”.

Vậy pháp luật nên sửa để lấp lỗ hổng phát hành chui nêu trên, hay các cổ đông đại chúng nên dừng phản đối này, cứ nộp tiền mà mua cổ phiếu để khỏi phải bị gạt ra ngoài như trường hợp nhóm cổ đông trên tại Dược phẩm Bắc Ninh?

Ngày 11/9, trên trang web của Dược phẩm Bắc Ninh chỉ có thông tin về Biên bản họp cổ đông thường niên 2017 và Nghị quyết Đại hội do Chủ tịch kiêm Giám đốc Nguyễn Quang Bang ký. Không có bất kỳ báo cáo tài chính nào được tìm thấy trên trang web của Công ty này.

Tin bài liên quan