Constrexim: Áp lực thanh khoản và nỗi lo hiệu quả kinh doanh

Constrexim: Áp lực thanh khoản và nỗi lo hiệu quả kinh doanh

(ĐTCK) Nửa đầu năm 2016, Tổng CTCP Đầu tư Xây dựng và Thương mại Việt Nam (Constrexim, mã CTX) ghi nhận kết quả kinh doanh lỗ 16,4 tỷ đồng cổ đông công ty mẹ, tương đương mức thu nhập trên mỗi cổ phiếu là -622 đồng nửa đầu năm. Nhưng kết quả kinh doanh này chưa phản ánh hết những câu chuyện mà Constrexim gặp phải.

Lợi nhuận èo uột và giảm sốc

Nửa đầu năm nay, con số lỗ 16,4 tỷ đồng được công bố đã đưa giá cổ phiếu CTX của Tổng công ty giảm về mức thấp nhất trong vòng hơn 1 năm qua. Con số này gần như thổi bay cả lợi nhuận đạt được của năm 2015 là hơn 18 tỷ đồng. Kết quả kinh doanh này, theo giải trình của Ban lãnh đạo Constrexim chủ yếu là do chi phí lãi vay ngân hàng tăng và Công ty phải hạch toán giá vốn các công trình xây lắp đã quyết toán. Nói khác đi, áp lực lãi vay và xây lắp không hiệu quả đã thổi bay công sức phấn đấu của Constrexim cả 1 năm trước đó.

Theo báo cáo phân loại chi tiết, mảng xây lắp nửa đầu năm nay được Tổng công ty hạch toán doanh thu hơn 180 tỷ đồng và lỗ lên tới 24,861 tỷ đồng. Mảng bất động sản khả quan hơn, với con số lãi 8,866 tỷ đồng, mảng thương mại lãi 1,29 tỷ đồng đã giúp Constrexim bớt lỗ. Chi phí lãi vay ghi nhận trong kỳ là gần 9 tỷ đồng, tăng xấp xỉ 3,8 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước.

Nhìn vào bảng phân tích hiệu quả kinh doanh theo từng mảng hoạt động thì có lẽ, bất động sản đang là mảng cứu thua cho Constrexim, nhưng thực tế không phải.

Từ năm 2014 đến nay, Constrexim gần như không có doanh thu bất động sản. Năm 2014, doanh số mảng này là gần 2,8 tỷ đồng, năm 2015 là gần 5,9 tỷ đồng. Nửa đầu năm nay là 0 đồng. Lợi nhuận sau thuế từ mảng này có nguồn gốc từ khoản tiền hoàn nhập chi phí bảo hành, bảo lãnh, chi phí lệ phí trước bạ trích trước cho công trình Tòa nhà PVI, với khoản trích trước làm giảm giá vốn bất động sản tương ứng 23,58 tỷ đồng năm 2014; 36,25 tỷ đồng năm 2015 và nửa đầu năm 2016 là 12,2 tỷ đồng. Nhờ hoàn nhập các chi phí này, Constrexim lãi sau thuế 15,87 tỷ đồng lợi nhuận từ bất động sản năm 2014 trên tổng lợi nhuận 28,4 tỷ đồng; 20,5 tỷ đồng năm 2015 trên tổng lãi sau thuế 18 tỷ đồng.

Mảng xây lắp dù tạo ra doanh thu lớn, nhưng hiệu quả kinh doanh thấp và thường trồi sụt. Năm 2014, Tổng công ty lãi sau thuế 10 tỷ đồng mảng này, nhưng đến năm 2015 chỉ còn 1 tỷ đồng và nửa đầu năm nay, như đã nói, lỗ 28,861 tỷ đồng.

Nhìn theo chiều dài hiệu quả kinh doanh của Constrexim kể từ khi niêm yết, dễ nhận thấy đó là một chuỗi sụt giảm. Năm 2013 là ngoại lệ, khi Tổng công ty ghi nhận lãi tới trên 111 tỷ đồng. Mặc dù vậy, con số này cũng không lấy làm tự hào, bởi đóng góp vào con số hơn 138 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong năm tài chính này là khoản 160 tỷ đồng nghĩa vụ trả chi phí lãi vay phải nộp về Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp do SCIC quản lý mà Tổng công ty đã trích lập cho giai đoạn 2007 - 2011. Tức là, nếu loại bỏ đi yếu tố này, hiệu quả kinh doanh năm 2013 của Constrexim cũng âm lớn.

Và nhìn ở góc độ này, nếu loại bỏ đi yếu tố tác động của giai đoạn trước, từ năm 2013 đến hết nửa đầu năm 2016, hiệu quả kinh doanh các mảng hoạt động của Constrexim liên tục là con số âm. 

Áp lực thanh khoản

Tại Báo cáo soát xét báo cáo tài chính bán niên năm 2016 của Constrexim ký bởi Công ty TNHH Ernst&Young Việt Nam (E&Y Việt Nam) viết: “Tại ngày 30/6/2016, Tổng công ty chưa thanh toán cho ngân hàng các khoản gốc vay đã đáo hạn và lãi vay đã đáo hạn với số tiền lần lượt là 292,2 tỷ đồng và 8 tỷ đồng như đã trình bày trong Thuyết minh số 23 và Thuyết minh số 20. Các thông tin này cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể gây ra sự nghi ngờ đáng kể về khả năng tiếp tục hoạt động liên tục của Tổng công ty”.

Và trên thực tế, thanh khoản là vấn đề lớn của Constrexim.

Thuyết minh số 20 của Báo cáo tài chính hợp nhất bán niên soát xét Tổng công ty cho thấy, tại ngày 30/6/2016, Constrexim có 27,16 tỷ đồng chi phí lãi vay trích trước chưa trả, trong đó có 8 tỷ đồng lãi vay đã quá hạn thanh toán và 3,2 tỷ đồng chi phí phạt tính trên nợ gốc và lãi vay quá hạn. Cũng theo thuyết minh số 23 của báo cáo tài chính này, Constrexim cho biết đang đàm phán với ngân hàng để xử lý các khoản nợ gốc và lãi vay này. Vậy, điều gì xảy ra nếu ngân hàng không chấp nhận phương án giãn nợ?

Với đặc thù kinh doanh lĩnh vực xây lắp và bất động sản, nhu cầu vốn của Constrexim là khá lớn. Tại ngày 30/6/2016, Constrexim có 479 tỷ đồng vay dài hạn, 302 tỷ đồng vay ngắn hạn chưa kể các khoản phải trả, phải nộp, với tổng nghĩa vụ tài chính phải trả cùng thời điểm này lên tới gần 1.755 tỷ đồng.

Cuối năm 2015, Constrexim có Nghị quyết Hội đồng quản trị về việc phát hành 350 trái phiếu mệnh giá 1 tỷ đồng/trái phiếu cho tối đa 10 nhà đầu tư để bù đắp cân đối vốn triển khai thực hiện Dự án Tây Hồ Parkview. Tuy nhiên, thuyết minh báo cáo tài chính năm 2015 của Tổng công ty không thể hiện việc Tổng công ty đã huy động thành công trái phiếu này, dù trong quý IV/2015, Constrexim phát sinh thêm 266,645 tỷ đồng vay dài hạn ngân hàng (BIDV hơn 258 tỷ đồng và Vietinbank hơn 8,5 tỷ đồng), kèm 86,37 tỷ đồng vay các bên có liên quan.

Đến nửa đầu năm nay, theo báo cáo quản trị nửa đầu năm, vào ngày 2/2/2016, Constrexim tiếp tục có Nghị quyết Hội đồng quản trị về việc ký kết Hợp đồng hợp tác đầu tư phát triển Tòa nhà văn phòng và trung tâm thương mại tại lô đất D28 khu Đô thị mới Cầu Giấy, Hà Nội với Công ty cổ phần FPT và thông qua phương án phát hành trái phiếu không chuyển đổi của Tổng công ty với tổng giá trị tối đa bằng 50% giá trị tổng tài sản tại báo cáo tài chính công bố gần nhất. Nếu tính theo báo cáo tài chính công ty mẹ bán niên năm 2016, giá trị trái phiếu huy động có thể lên tới hơn 1.000 tỷ đồng. Nhưng tất nhiên, đến thời điểm ra báo cáo tài chính bán niên, Constrexim vẫn chưa huy động được tiền trái phiếu này.

Thuyết minh lưu chuyển tiền tệ cho thấy, trong nửa đầu năm, Tổng công ty vay nợ thêm được 114,444 tỷ đồng, và trả nợ gốc vay 28,16 tỷ đồng. Chưa rõ thời điểm nào, Constrexim có thể hoàn thành mục tiêu huy động vốn cho mình và câu chuyện đàm phán với chủ nợ về các khoản vay gốc và lãi đã quá hạn sẽ được giải quyết như thế nào.

Trong chiến lược phát triển của mình, Constrexim cho biết định hướng trở thành đơn vị phát triển bất động sản lớn. Tuy nhiên, ngoài lợi thế về quỹ dự án lớn, Công ty thiếu nhiều điều kiện để phát triển, khi mảng xây lắp trong tình cảnh èo uột, chưa kể thiếu nguồn vốn để đầu tư.

Ngoài hệ thống các công ty trực thuộc, Constrexim đang thể hiện một số dự án lớn trên báo cáo tài chính như: Dự án khu du lịch sinh thái biển cao cấp tại Quảng Nam, dự án Olalani, dự án Tòa nhà hỗ hợp Constrexim Complex, dự án Tòa nhà trung tâm thương mại và dịch vụ, dự án Tòa nhà Văn phòng và Thương mại Constrexim Plaza, tòa nhà Tây Hồ Park View, Champa Legend Resort & Spa,… Tổng giá trị hàng tồn kho các dự án này lên tới con số xấp xỉ 900 tỷ đồng tại ngày 30/6/2016. Trong số trên, chỉ có 2 dự án Tây Hồ Park View và Tòa nhà hỗ hợp Constrexim Complex tăng mạnh về số dư giải ngân tương ứng là 50 tỷ đồng và hơn 120 tỷ đồng cho nửa đầu năm, các dự án khác dường như còn dậm chân tại chỗ. 

Những ẩn số về nghĩa vụ thu - trả

Theo lưu ý của kiểm toán, Tổng công ty đang ghi nhận chi phí đầu tư xây dựng tầng 1 các tòa nhà CT3, CT4-5 và CT6 thuộc dự án Khu đô thị mới Yên Hòa là tài sản cố định hữu hình theo Quyết định số 153/2006/QĐ-UBND của Ủy ban Nhân dân TP. Hà Nội ngày 31/8/2006. Trong khi đó, theo Công văn số 985/UB-NNĐC do Ủy ban Nhân dân TP. Hà Nội ký ngày 31/8/2004 thì Tổng công ty có trách nhiệm bàn giao tầng 1 các tòa nhà cao tầng này cho Sở Tài nguyên và Môi trường của Thành phố. Đã nhiều năm nay, nhưng ý kiến Kiểm toán vẫn cho biết, Tổng công ty vẫn “đang làm việc với các cơ quan hữu quan”. Chưa rõ việc này khi nào sẽ thành hiện thực và sẽ tác động như thế nào đến kết quả kinh doanh của Constrexim.

Cũng theo thuyết minh, Constrexim đang nhận tạm ứng gần 93 tỷ đồng từ khách hàng để thanh lý hợp đồng chuyển nhượng bất động sản trong dự án Olalani Đà Nẵng. Theo hợp đồng ký kết, sau khi thanh lý hợp đồng, Tổng công ty ngoài trả lại tiền tạm ứng, còn có thể phải trả thêm tối đa 13% giá trị khoản tạm ứng. Nếu điều này xảy ra, Constrexim có thể sẽ phải ghi nhận một khoản chi phí phạt hợp đồng khoảng 12 tỷ đồng.

Ở chiều ngược lại Constrexim cũng có một khoản thu nhập tiềm tàng lên tới 186,3 tỷ đồng bao gồm 11,5 tỷ đồng phạt 5% giá trị hợp đồng và 174,8 tỷ đồng lãi phát sinh từ số tiền đã ứng cho Công ty cổ phần Mỹ Phát thực hiện hợp đồng chuyển nhượng dự án Olalani, theo quyết định của Tòa án ngày 8/1/2015. Hiện tại, Constrexim chưa ghi nhận khoản này trên báo cáo tài chính, nhưng nếu thu hồi được một phần khoản này, Tổng công ty có thể sẽ ghi nhận được con số lợi nhuận bất thường năm nay.    

Tin bài liên quan