Cơ hội làm lớn - vươn xa của doanh nghiệp xây dựng Việt

Cơ hội làm lớn - vươn xa của doanh nghiệp xây dựng Việt

(ĐTCK) Sau 27 năm phát triển từ một văn phòng xây dựng nhỏ trở thành nhà thầu xây dựng chuyên nghiệp hàng đầu Việt Nam, Hòa Bình có rất nhiều cơ hội hợp tác với các nhà thầu quốc tế, các công ty xây dựng hàng đầu khu vực.

Chúng tôi nhận thức thị trường xây dựng trong nước tuy phát triển nhanh, nhưng quy mô còn quá nhỏ so với khu vực. Trong năm 2013, thị trường xây dựng châu Á có quy mô khoảng 2.800 tỷ USD, chiếm 44% thị trường xây dựng thế giới và gấp gần 200 lần thị trường Việt Nam.

Trong các nước hàng đầu châu Á về ngành xây dựng, Hàn Quốc là một hình mẫu rất đáng khâm phục, khi mà thị trường xây dựng trong nước chỉ có quy mô khoảng 150 tỷ USD, nhưng các nhà thầu Hàn Quốc hiện đang chiếm thị phần rất lớn tại châu Á và trên thế giới. Từ vai trò thầu phụ cho các công ty Mỹ tại Việt Nam những năm 60, các công ty Hàn Quốc đã và đang đảm đương vai trò tổng thầu tại các dự án cao tầng và siêu cao tầng ở Việt Nam và trên toàn thế giới. Có được thành công này một phần là nhờ Chính phủ Hàn Quốc đã đầu tư bài bản để dẫn đầu thế giới về lĩnh vực nhà cao tầng, điển hình như việc thành lập viện nghiên cứu quốc gia để cung cấp các giải pháp thi công cho DN xây dựng Hàn Quốc.

Tuy nhiên, các nhà thầu Hàn Quốc đang dần đánh mất khả năng cạnh tranh do chi phí lương và chi phí quản lý tăng quá cao và đây là cơ hội để ngành xây dựng Việt Nam vươn lên khẳng định vị trí trong ngành xây dựng thế giới. Ngành xây dựng cần được xác định là mũi nhọn của kinh tế Việt Nam và đặt mục tiêu vươn lên hàng đầu châu Á trong vòng 20 năm tới. Chúng ta cần học tập mô hình của Hàn Quốc và các nước khác, để xuất khẩu xây dựng của Việt Nam không còn đơn thuần là xuất khẩu nhân công, mà trở thành xuất khẩu dịch vụ xây dựng. Khi đó, ngành xây dựng không chỉ đem lại ngoại tệ cho đất nước, tạo ra của cải vật chất cho xã hội, mà còn có thể nuôi sống cả chuỗi cung ứng cho ngành xây dựng Việt Nam, tạo ra công ăn việc làm và giá trị gia tăng cho xuất khẩu. 

Hiện nay, có rất ít ngành kinh doanh của Việt Nam có thể cạnh tranh ngang hàng với các nước trong khu vực và trên thế giới, nhưng các nhà thầu Việt Nam đã có thể thay thế các nhà thầu nước ngoài tại thị trường nội địa, không chỉ ở các công trình cao tầng mà cả những công trình siêu cao tầng, các dự án hạ tầng lớn như cầu dây văng, các nhà máy thủy điện, cầu cảng... Tại các công trình này, các nhà thầu nội địa đã tiết kiệm được hàng trăm triệu USD cho ngân sách quốc gia nhờ vào việc làm chủ công nghệ, công cụ quản lý, ứng dụng được các kỹ thuật thi công và vật liệu mới.

Tuy nhiên, để ngành xây dựng Việt Nam vươn xa hơn và đạt đến mục tiêu dài hạn nêu trên, chúng tôi nhận thấy cần có vai trò rất lớn từ phía Nhà nước, cụ thể là Bộ Xây dựng. Xuất phát từ kinh nghiệm xây dựng tại một số nước trong khu vực và học hỏi từ các công ty hàng đầu thế giới, chúng tôi kiến nghị 8 giải pháp sau:

- Đơn giản hóa thủ tục hành chính: Hiện các công trình xây dựng chịu sự quản lý chồng chéo của rất nhiều ban ngành, cùng một công việc cần phải giải trình nhiều lần. Chúng tôi kiến nghị cần quy định trách nhiệm rõ ràng, giảm bớt thủ tục rườm rà, cắt giảm các khâu xét duyệt không cần thiết, xử lý nghiêm các sai phạm bằng các biện pháp chế tài.

- Nhanh chóng triển khai ứng dụng các công cụ quản lý xây dựng hiện đại về chất lượng, môi trường, an toàn sức khỏe... bằng các hệ số chính xác theo chuẩn quốc tế. Tiến đến yêu cầu nộp bản vẽ 3D để quản lý bản vẽ bằng BIM một cách chi tiết và chính xác nhất.

- Cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin thị trường: có các biện pháp thu thập, phân tích, phổ biến thông tin về thị trường xây dựng và vật liệu xây dựng trong nước và quốc tế cho doanh nghiệp

- Áp dụng các phương thức đấu thầu theo chuẩn quốc tế: Phổ biến thông tin đấu thầu rộng rãi hơn trên các phương tiện truyền thông chính thống, khuyến khích các nhà thầu tư nhân có năng lực tham gia các công trình nhà nước. Ưu tiên sử dụng các nguồn vốn PPP để việc đấu thầu diễn ra công khai và minh bạch hơn.

- Xây dựng chiến lược quốc gia về đào tạo nguồn nhân lực theo chuẩn quốc tế: có hệ thống đào tạo và chứng nhận theo chuẩn quốc tế. Có hệ thống đo lường năng suất lao động, hệ thống quản lý thông tin nhằm khai thác, sử dụng và cung cấp thông tin về nguồn lao động.

- Tạo điều kiện cho DN tích lũy về tài chính: Có các giải pháp hỗ trợ, đền bù thiệt hại do các công trình nhà nước chậm thanh toán. Có chính sách hỗ trợ về vốn, về thuế, về thủ tục cho DN thi công ở nước ngoài. Có quy chế thưởng các nhà thầu đưa ra các giải pháp tiết kiệm.

- Đầu tư vào công nghệ: Có chiến lược nghiên cứu, đào tạo và ứng dụng các kỹ thuật thi công tiên tiến. Hỗ trợ DN làm chủ các công nghệ tiên tiến, lập biện pháp thi công, ứng dụng vật liệu mới...

- Khuyến khích sáng tạo: Có chế độ thưởng, khuyến khích các sáng kiến, các biện pháp thi công tiết giảm chi phí. Có chiến lược nhằm biến sáng tạo, cải tiến của DN thành công nghệ hàng đầu.

Tôi tin rằng với sự hỗ trợ đúng cách của Chính phủ, DN xây dựng Việt có khả năng làm lớn và vươn xa hơn nữa.

Tin bài liên quan