Cổ đông Sacombank thông qua phương án sáp nhập Southern Bank

Cổ đông Sacombank thông qua phương án sáp nhập Southern Bank

(ĐTCK) Sáng nay (11/7), Sacombank đang tiến hành ĐHCĐ bất thường thông qua phương án sáp nhập SouthernBank. Với tỷ lệ đồng ý lên tới 93% tổng số phiếu có quyền biểu quyết dự đại hội, phương án sáp nhập được thông qua.

Tại Đại hội, lãnh đạo của Sacombank đã trình bày phương án sáp nhập cũng như các kế hoạch xử lý nợ xấu, các vấn đề có thể nảy sinh sau sáp nhập, đặc biệt là điều chỉnh lại kế hoạch kinh doanh.

Theo đó, về phương án chuyển đổi cổ phiếu, HĐQT giữa 2 bên Ngân hàng Sacombank - SouthernBank đã tính toán rất kỹ về phương án sáp nhập cũng như tỷ lệ chuyển đổi cổ phiếu 1:0,75 dựa trên giá trị sổ sách của 2 ngân hàng cũng như giá trị thị trường.

Ngoài ra, trong 3 năm đầu sáp nhập, Sacombank đã dự kiến kết quả kinh doanh giảm so với dự kiến. Cụ thể, lợi nhuận trước thuế năm 2015 khoảng 1.002 tỷ đồng (sau thuế 782 tỷ đồng); năm 2016 là 1.132 tỷ đồng (sau thuế 883 tỷ đồng) và năm 2017 đạt 1.333 tỷ đồng (1.039 tỷ đồng sau thuế).Sacombank đã có kế hoạch để xử lý nợ xấu của SouthernBank trong 3 năm sau sáp nhập.

Ngoài ra tại Đại hội, lãnh đạo Sacombank cũng có tờ trình xin giảm thù lao 2014 của HĐQT và Ban Kiểm soát, phương án sáp nhập và đăng ký lưu ký, niêm yết bổ sung số cổ phiếu phát hành thêm...

Ngân hàng sau sáp nhập sẽ đăng ký vốn điều lệ mới là 18.853 tỷ đồng. Dự kiến trong quý III/2015, việc sáp nhập sẽ được NHNN chấp thuận nguyên tắc. Các thủ tục khác cũng được hoàn thiện trong quý này.

Trong quý IV, Sacombank sau sáp nhập sẽ xin lưu ký và niêm yết bổ sung cổ phiếu STB, đồng thời thực hiện sắp xếp lại mạng lưới hoạt động.

****
Các diễn biến chính tại Đại hội:

13h30

Kết thúc phần bỏ phiếu.

Với tỷ lệ đồng ý hơn 93%, cổ đông Sacombank đã thông qua chủ trương sáp nhập Ngân hàng Phương Nam với tỷ lệ một cổ phiếu Southern Bank đổi 0,75 cổ phiếu STB.

12h55 

Trả lời thắc mắc của cổ đông về việc làm thế nào để xử lý được nợ xấu của SouthernBank sau sáp nhập và mất thời gian bao lâu? Ông Kiều Hữu Dũng, Chủ tịch HĐQT Sacombank cho rằng, STB đã có kế hoạch để xử lý nợ xấu của SouthernBank trong 3 năm.

Theo ông Dũng, cùng với việc bán nợ xấu cho VAMC, thị trường bất động sản đang ấm ấn lên sẽ là cơ hội để xử lý nợ xấu nhanh hơn.

Ông Kiều Hữu Dũng cũng giải thích thêm về tỷ lệ chuyển đổi cổ phiếu trong thương vụ sáp nhập này. Theo ông, cho đến lúc này chưa có một công thức nào để tính toán tỷ lệ hoán đổi cổ phiếu trong các thương vụ M&A.

Tuy nhiên, ông Dũng cho rằng, HĐQT giữa 2 bên Ngân hàng Sacombank - SouthernBank đã tính toán rất kỹ về phương án sáp nhập cũng như tỷ lệ chuyển đổi cổ phiếu 1:0,75 dựa trên giá trị sổ sách của 2 ngân hàng.

12h45

Trả lời thắc mắc của cổ đông về tỷ lệ chuyển đổi cổ phiếu. Ông Nguyễn Miên Tuấn cho biết, căn cứ theo thị trường, giá sáp nhập của Southernbank hiện nay có thể dưới mệnh giá, chỉ khoảng 6.000 đồng, trong khi STB là gần 20.000 đồng, nhưng khi chuyển giao thì giá giao dịch phải cao hơn giá thị trường.

Từ cơ sở đó, HĐQT 2 ngân hàng cân nhắc cho thật hài hoà lợi ích của tất cả các bên và quyết định đưa ra tỷ lệ 1:0,75.

Cũng theo ông Tuấn, với tỷ lệ chuyển đổi trên cổ đông Southern Bank sẽ có lợi, vì sau khi hoán đổi cổ phiếu giá cổ phiếu STB có giảm, nhưng vẫn đảm bảo được quyền lợi của cổ đông.

Ông Tuấn cho biết thêm, HĐQT Sacombank cũng từng quan ngại về phản ứng của thị trường sau khi công bố thông tin giao dịch sáp nhập. Tuy nhiên, theo ông Tuấn kể từ khi công bố thương vụ sáp nhập thì giá cp STB diễn biến tích cực cả về giá và khối lượng tăng. Đặc biệt, lượng mua vào của nhà đầu tư nước ngoài cao chiếm đến hơn 70%.

Cổ đông Sacombank thông qua phương án sáp nhập Southern Bank ảnh 1

 Phần hỏi đáp diễn ra khá muộn nên nhiều cổ đông đã bỏ về sớm

12h35

Đại hội chuyển sang phần hỏi đáp

Một cổ đông đặt câu hỏi:  Việc xử lý nợ xấu của SouthernBank sẽ được xử lý ra sao sau sáp nhập?

Một cổ đông khác đề nghị giảm thù lao HĐQT, BKS xuống mức phù hợp vì 30% là quá cao, vị cổ đông này cũng bình luận về Đề án sáp nhập và tỷ lệ chuyển đổi cổ phiếu 1:0,75, dù cho biết tỷ lệ này được xem như ván đã đóng thuyền nên cũng sẽ đồng thuận thông qua tất cả. 

Tuy nhiên phần hỏi đáp khá "yếu" vì chỉ có 2 cổ đông đặt câu hỏi.
Cổ đông Sacombank thông qua phương án sáp nhập Southern Bank ảnh 2

Một chi tiết đáng chú ý trong đại hội là cho dù chưa tới phần bỏ phiếu, nhưng nhiều cổ đông ủng hộ ông Trầm Bê đã gửi phiếu lại cho ông Bê và đi về trước (ảnh: ông Trầm Bê đi gom phiếu bầu) 

12h07

Ông Lê Hùng Dũng, Chủ tịch HĐQT Eximbank - đại diện phần vốn 9,7% tại Sacombank phát biểu đánh giá cao phương án sáp nhập giữa Sacombank - SouthernBank.

Theo ông dũng, việc sáp nhập sẽ giúp Sacombank lớn mạnh, trở thành 1 trong 5 NHTM lớn nhất Việt Nam, cạnh tranh tầm khu vực.
Cổ đông Sacombank thông qua phương án sáp nhập Southern Bank ảnh 3Hện Eximbank đang nắm giữ 9,7% cổ phiếu Sacombank, nhưng theo một nguồn tin khả năng Eximbank sẽ thoái trong thời gian tới 
12h

Ông Phan Huy Khang đọc tờ trình Đề xuất thù lao và chi phí hoạt động của HĐQT và Ban kiểm soát là 40 tỷ đồng cho năm 2015.

Cụ thể, về tờ trình thông qua thù lao của Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát, năm 2014 ngân hàng đã được cổ đông thông qua việc chi 2% lợi nhuận trước thuế để trả thù lao, tương đương với số tiền là hơn 57 tỷ đồng.

Theo HĐQT Sacombank, do việc thực hiện triển khai đề án sáp nhập sẽ phát sinh một số chi phí, bao gồm các công tác liên quan đến mạng lưới, công nghệ thông tin, vận hành, đào tạo, nhân sự tài chính, quản trị rủi ro.

Tuy nhiên theo chủ trương tiết kiệm của Sacombank trong bối cảnh ngân hàng dự kiến đối mặt nhiều thách thức, đồng thời để đảm bảo mức chi trả cho quản trị và hoạt động tối thiểu để HĐQT và Ban kiểm soát triển khai hiệu quả hoạt động, HĐQT ngân hàng trình cổ đông chấp thuận mức thù lao và chi phí hoạt động cho HĐQT, BKS năm nay là 40 tỷ đồng, thấp hơn 17 tỷ đồng tương đương gần 30% so với năm trước.

11h11

Ông Phan Huy Khang đọc tờ trình về Dự thảo hợp đồng sáp nhập giữa STB - SouthernBank.

 Cổ đông đọc tài liệu tại đại hội

11h

Ông Nguyễn Miên Tuấn, Phó Chủ tịch HĐQT Sacombank đọc phương án phát hành cổ phiếu STB, hoán đổi cổ phần thực hiện giao dịch sáp nhập và đăng ký lưu ký, niêm yết bổ sung số cổ phiếu phát hành thêm.

Cụ thể, Sacombank trình cổ đông thông qua tỷ lệ hoán đổi cổ phiếu là 1:0.75, theo đó 1 CP Southern Bank sẽ đổi lấy 0.75 CP STB. Đồng thời, 1 CP của cổ đông cũ STB sẽ nhận thêm 0.387 CP STB bao gồm cổ phiếu nhận thêm từ tỷ lệ chuyển đổi CP Southern Bank (0,087 CP), trả cổ tức 8% bằng cổ phiếu từ lợi nhuận 2013 (0,080 CP), trả cổ tức 12% bằng cổ phiếu từ lợi nhuận sau thuế 2014 (0,120 CP), thưởng cổ phiếu từ chia cổ phiếu quỹ (0,0875 CP) và thặng dư vốn cổ phần (0,0125 CP).

Dự kiến ngân hàng sau sáp nhập sẽ đăng ký vốn điều lệ mới là 18.853 tỷ đồng.

10h55

Ông Nguyễn Miên Tuấn đọc bổ sung kết luận thanh tranh SouthernBank.

Cụ thể, theo kết luận của thanh tra NHNN TP. HCM, nợ xấu của SouthernBank đến cuối năm 2013 ở mức 18.786 tỷ đồng. SouthernBank đã thực hiện xử lý thu hồi nợ hơn 9.000 tỷ đồng, bán nợ cho VAMC gần 2.000 tỷ đồng; cơ cấu lại nợ 6.768 tỷ đồng.

Khoản đầu tư trái phiếu 2.420 tỷ đồng đến cuối năm 2014 đã tất toán hết. Khoản phải thu 1.118 tỷ đồng, trong đó có phải thu Công ty Vàng bạc đá quý Phương Nam 714 tỷ đồng đã quá hạn, các khoản phải thu còn lại được đánh giá có khả năng thu hồi.

Tài sản cấn trừ nợ tại SouthernBank cần phải khôi phục thành nợ quá hạn là 4.108 tỷ đồng. Số dư tài sản cấn trừ nợ là 7.572 tỷ đồng. SouthernBank sẽ xử lý các vấn đề này để hoạt động kinh doanh hiệu quả.

Số dư đầu tư repo cổ phiếu của SouthernBank là 4.528 tỷ đồng, trong đó còn lại 951 tỷ đồng repo bằng cổ phiếu STB, 3.578 tỷ repo bằng cổ phiếu các TCTD khác.

Cổ đông Sacombank thông qua phương án sáp nhập Southern Bank ảnh 5

 Tỷ lệ cổ đông tham dự ĐHCĐ bất thường của Sacombank chiếm 79,19% tổng cổ đông có quyền biểu quyết.

8h40

Ông Nguyễn Miên Tuấn, Phó Chủ tịch HĐQT Sacombank đọc báo cáo về tình hình kết quả hoạt động của Sacombank, SouthernBank năm 2014 và kế hoạch năm 2015.

Năm 2013, lợi nhuận trước thuế của SouthernBank chỉ đạt 18 tỷ đồng; năm 2014 lợi nhuân trước thuế sau trích lập dự phòng là 1,2 tỷ đồng. Trong khi, Sacombank lợi nhuận thu về trong những năm qua đều đạt khả quan, 2.800 - 3.000 tỷ đồng.

Thế nhưng, với việc sáp nhập Southern Bank sẽ khiến dự phòng rủi ro của Ngân hàng tăng, nên Sacombank đã dự kiến kết quả hoạt động trong 3 năm đầu sáp nhập giảm. Cụ thể, lợi nhuận trước thuế năm 2015 khoảng 1.002 tỷ đồng (sau thuế 782 tỷ đồng); năm 2016 là 1.132 tỷ đồng (sau thuế 883 tỷ đồng) và năm 2017 đạt 1.333 tỷ đồng (1.039 tỷ đồng sau thuế).

Hiện nợ xấu Sacombank là 1,5% trên tổng dư nợ, trong khi nợ xấu của Southern Bank xấp xỉ 6%. Điều này khiến cổ đông nhỏ, lẻ của Sacombank lo ngại sẽ ảnh hưởng đáng kể đến giá cổ phiếu STB của Ngân hàng.

8h30

Khai mạc Đại hội, trên bàn chủ tịch điều hành có ông Kiều Hữu Dũng, Chủ tịch HĐQT Sacombank và ông Trầm Bê, Phó Chủ tịch HĐQT Sacombank, ông Phan Huy Khang, Tổng giám đốc Sacombank. Theo báo cáo của ban tổ chức, tỷ lệ cổ đông tham dự chiếm 79,19% tổng cổ đông có quyền biểu quyết.

Ông Kiều Hữu Dũng phát biểu khai mạc Đại hội. 

Theo đề án sáp nhập do Sacombank công bố, tỷ lệ chuyển đổi cổ phiếu là 1:0,75. Sau khi đề án sáp nhập này thành công, quy mô Ngân hàng Sáp nhập sẽ tăng trưởng vượt bậc, vốn điều lệ sẽ đạt trên 18.800 tỷ đồng, tổng tài sản đạt trên 290.000 tỷ đồng, như vậy ngân hàng sẽ nằm trong Top 5 NHTMCP Việt Nam.

Việc hoán đổi cụ thể như sau: 1 cổ phiếu của cổ đông cũ Sacombank sẽ nhận thêm 0,387 cổ phiếu của Sacombank, bao gồm: cổ phiếu nhận thêm từ tỷ lệ chuyển đổi cổ phiếu SouthernBank (0,087 CP); trả cổ tức 8% bằng cổ phiếu từ lợi nhuận sau thuế của năm 2013 (0,080 CP), trả cổ tức 12% bằng cổ phiếu từ lợi nhuận sau thuế của năm 2014 (0,120 CP); và thưởng cổ phiếu từ chia cổ phiếu quỹ (0,0875 CP) và từ thặng dư vốn cổ phần (0,0125 CP).

Phó Chủ tịch HĐQT Sacombank ông Nguyễn Miên Tuấn cho rằng, việc sáp nhập sẽ nâng cao năng lực tài chính, quy mô của Sacombank trở thành một trong những NHTM có vốn điều lệ lớn nhất trên thị trường hiện nay. 

Ông Kiều Hữu Dũng, Chủ tịch HĐQT Sacombank cho biết, dự thảo đề án sáp nhập này đã được hai ngân hàng xây dựng và hoàn thiện từ tháng 2/2015. Dự kiến trong quý 3, việc sáp nhập sẽ được NHNN chấp thuận nguyên tắc và chính thức, đồng thời hai bên sẽ hoàn thiện các thủ tục khác trong thời gian này. Sang quý 4/2015 sẽ xin lưu ký và niêm yết bổ sung cổ phiếu Sacombank. Các thủ tục sau sáp nhập như sắp xếp mạng lưới chi nhánh, phòng giao dịch, sắp xếp nhân sự quản lý, điều hành… cũng sẽ thực hiện trong quý cuối năm nay.

Về nhân sự cấp cao, ngân hàng sáp nhập dự kiến giữ nguyên cơ cấu nhân sự hiện tại của Sacombank, sẽ bổ sung thêm các cá nhân có năng lực quản lý và chuyên môn cao từ Southern Bank. Cụ thể, HĐQT của ngân hàng sau sáp nhập sẽ là 9 người (như Sacombank hiện tại); ban kiểm soát sẽ tăng thêm 2 người lên 5 người và ban điều hành tăng thêm 5 người lên 25 người.

Tổng giám đốc của ngân hàng sáp nhập sẽ là Tổng giám đốc của Sacombank hiện nay. Hội sở chính của ngân hàng sẽ là hội sở chính của Sacombank hiện tại là ông  Phan Huy Khang – người trước đó từng giữ chức Tổng giám đốc SouthernBank.

Sacombank hiện có 12.608 nhân sự và Southern Bank là 2.902 người. Tổng cộng ngân hàng sau sáp nhập sẽ có 15.510 người.Tổng số điểm giao dịch sau khi sáp nhập thêm SouthernBank là 649 điểm, trong đó có 112 chi nhánh và 526 phòng giao dịch trong nước và có 2 ngân hàng con cùng 9 chi nhánh ở nước ngoài.

Tin bài liên quan