Cổ đông Sacombank bức xúc về cổ tức

Cổ đông Sacombank bức xúc về cổ tức

(ĐTCK) Sáng ngày 21/4, Sacombank tiến hành ĐHCĐ thường niên 2015, với chỉ tiêu lợi nhuận đưa ra ở mức 3.000 tỷ đồng trước thuế. Tỷ lệ cổ tức HĐQT trình cổ đông dự kiến chia ở mức 12%, nhưng đến nay vẫn chưa được NHNN thông qua.

Bà Lê Thị Kim Cúc (63 tuổi), một cổ đông lâu năm của Sacombank bức xúc: vì sao Sacombank chỉ chia cổ tức bằng cổ phiếu, mà không chia bằng tiền mặt. Bởi lúc này, cổ phiếu ngân hàng rất khó bán, nên cần thiết chia cổ tức bằng tiền mặt.

Cổ đông này cho rằng, HĐQT mới của Sacombank kể từ khi ông Trầm Bê nắm giữ không còn được như thời kỳ của ông Đặng Văn Thành. Nhiều người khác cũng cho rằng, ông Bê nắm giữ Bệnh viện Triều An đi xuống, điều hành SouthernBank, thì Ngân hàng cũng đi xuống vầ qua nắm quyền tại Sacombank thì Ngân hàng không được như trước.

Trả lời câu hỏi này của cổ đông, ông Trầm Bê, Phó Chủ tịch thường trực HĐQT Sacombank cho rằng, với Bệnh viện Triều An chính sách của ông đưa ra là phục vụ cho người nghèo, nên không tính đến việc lợi nhuận. Còn nếu tính đến chuyện lợi nhuận thì Triều An sẽ có lợi nhuận ngay.

Còn với cán bộ nhân viên của Sacombank, kể từ khi HĐQT mới điều được giữ nguyên. Riêng về ngân hàng là không cho phép việc thay đổi nhận sự quá nhiều, vì muốn có lợi nhuận phải có bộ máy nhân sự chuyên nghiệp, được đào tạo bài bản, nhất là trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng. Vì thế, 99% nhân viên cũ của Sacombank vẫn yên tâm hoạt động từ trước đến nay.

Các lãnh đạo của Sacombank đều hoạt động theo quy trình cũ và lương các cấp lãnh đạo cấp cao của Ngân hàng trong 3 năm qua đều không tăng.

Về vấn đề cổ tức, ông Bê lý giải, bản thân ông cũng muốn chia lãi ngay, nhưng trước tình hình khó khăn, NHNN cũng phải xem xét kỹ, nên đến thời điểm này Sacombank vẫn chưa thực hiện được. Ông Bê thừa nhận, chịu trách nhiệm về vấn đề này và Ngân hàng đang phải ngày, đêm giải trình lên các cơ quan ban ngành. Việc chia cổ tức bằng cổ phiếu, hay bằng tiền mặt và theo ý kiến của các cổ đông Sacombank, nên chia bằng tiền mặt, ông Bê cho rằng, để xin được NHNN chia cổ tức bằng cổ phiếu là điều không dễ dàng bằng chia tiền mặt. Nếu cổ đông nhận cổ tức bằng cổ phiếu muốn bán lấy tiền mặt có thể liên hệ với HĐQT Sacombank sẽ được mua lại và có tiền mặt ngay.

Cổ đông mã số 357: Nếu Sacombank chia cổ tức 12% thì cũng là điều đáng mừng cho Sacombank vì hiện các ngân hàng đều chia cổ tức ở mức thấp. Thế nhưng, HĐQT Sacombank cũng phải xem xét lại là “nói được thì phải làm được”. Trong khi đó, Sacombank đến nay vẫn chưa chia cổ tức năm 2013 ở mức 8% bằng cổ phiếu. Đến nay, kế hoạch chia cổ tức 2014 ở mức 12%, nhưng đó chỉ mới là kế hoạch, còn thực tế thì chia hay không cũng chưa biết. Trong khi, đầu tư vào cổ phiếu ngân hàng lúc này, cổ đông chỉ có trông chờ vào cổ tức, vì giá cổ phiếu ngân hàng giảm và khó bán. Thế nhưng, ngân hàng chỉ nói nhưng lại không chia cổ tức.

Cổ đông có mã số 1643: Việc sáp nhập SouthernBank theo tỷ lệ 0,75 : 1 là có hay không? Cổ đông của Sacombank sẽ bị thiệt, vì giá cổ phiếu SouthernBank ở mức thấp.

Sáp nhập thêm SouthernBank sẽ thiệt hại cho cổ đông. Vì giá cổ phiếu Sacombank hiện cao hơn nhiều so với SouthernBank. Đồng thời, SouthernBank trong nhiều năm qua không chia cổ tức, trong khi đó Sacombank lợi nhuận tốt, cổ tức cao. Do đó, sáp nhập SouthernBank vào Sacombank chỉ có thiệt và cổ phiếu STB sẽ bị kéo lùi.

Ông Trầm Bê: Sáp nhập SouthernBank có thể trước mắt sẽ chưa tốt cho Sacombank, nhưng cái gì cũng có nguyên do của nó, có được thì có mất. Sáp nhập SouthernBank, Sacombank có thêm mạng lưới. Nhưng với Sacombank, HĐQT mới vào cũng chưa thể hiểu hết, vì thế, ông Bê kêu gọi cổ đông của Sacombank hãy đồng lòng cùng Ngân hàng.

Nợ xấu của SouthernBank trên 5%, nhưng nợ xấu là khó tránh, kể cả những ngân hàng khác. Còn sáp nhập SouthernBank, Sacombank có thêm mạng lưới và 4.000 nhân viên đã được đào tạo mà muốn có được như vậy, Sacombank phải mất quá nhiều thời gian.

Báo cáo tại ĐHCĐ về tình hình kinh doanh 2014, ông Nguyễn Miên Tuấn, Phó chủ tịch HĐQT Sacombank cho biết, riêng ngân hàng đạt tổng thu nhập thuần 8.123 tỷ đồng, tăng 10,4% so với 2013; lợi nhuận trước thuế 2.851 tỷ đồng (nếu loại trừ các yếu tố bất thường do ảnh hưởng từ các khoản nợ bán cho VAMC, thì lợi nhuận trước thuế là 3.445 tỷ đồng). Tỷ lệ lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu ROE đạt 13,21%; lợi nhuận trên tổng tài sản ROA đạt 1,31%; lợi nhuận trên một cổ phần EPS đạt 1.931 đồng.

Hoạt động của các công ty con và đơn vị nước ngoài nhìn chung đều tốt, với lợi nhuận trước thuế lũy kế là 133,5 tỷ đồng. Trong số các công ty có Công ty Vàng bạc đá quý SBJ lỗ 39 tỷ đồng do đang tái cấu trúc hoạt động doanh nghiệp theo quy định của NHNN.

Về kế hoạch 2015, ngân hàng sẽ nâng tổng tài sản lên 214.550 tỷ đồng, tăng 14% so với năm trước; vốn điều lệ tăng 16,8% lên 14.510 tỷ đồng; vốn chủ sở hữu lên 19.900 tỷ đồng. Huy động vốn sẽ tăng 15% lên 191.200 tỷ; tín dụng tăng trưởng 13% đạt 141.000 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu kiểm soát 2,5%.

Ngân hàng đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế 3.000 tỷ đồng, cao hơn 5,2% so với thực hiện năm 2014. Tùy tình hình kinh tế vĩ mô thuận lợi hay bất lợi, mà chỉ tiêu này có thể được điều chỉnh tăng/giảm 10%.

Tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu dự kiến trên 9% theo quy định. Tỷ lệ nợ xấu kiểm soát ở mức không quá 2,5%; Tỷ lệ cổ tức phân phối là 8 - 10% vốn cổ phần. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Miên Tuấn, hiện Ngân hàng vẫn đang trong quá trình chờ NHNN thông qua.

Báo cáo của HĐQT Sacombank cũng cho biết, việc sáp nhập 2 ngân hàng (Sacombank - SouthernBank) về cơ bản hai bên đã xây dựng xong đề án và đang chờ được NHNN chuẩn y, thông qua chính thức.

Năm 2015, sau khi có ý kiến chấp thuận của NHNN, HĐQT Sacombank sẽ tiếp tục phối hợp với HĐQT SouthernBank tập trung chỉ đạo, triển khai kế hoạch sáp nhập một cách có hiệu quả nhất.

Ông Kiều Hữu Dũng, Chủ tịch HĐQT Sacombank cho biết, sau khi được NHNN chấp thuận về nguyên tắc, 2 bên đã tiến hành xây dựng đề án và từng bước triên khai các vấn đề còn lại. Vì thế, chỉ cần được NHNN chính thức thông qua sẽ sớm sáp nhập.

Tin bài liên quan