Chủ tịch HĐQT FPT Trương Gia Bình và TGĐ Bùi Quang Ngọc

Chủ tịch HĐQT FPT Trương Gia Bình và TGĐ Bùi Quang Ngọc

Cổ đông chất vấn lãnh đạo lớn tuổi, Tổng giám đốc FPT nói "không vấn đề"

(ĐTCK) "FPT đã có thử nghiệm đưa các bạn trẻ trở thành CEO, nhưng bài toán xảy ra là các bạn không nắm rõ ngóc ngách, vấn đề của các ngành, các khối. Ở FPT thì lãnh đạo phải là người đưa ra giải pháp và đôi khi phải trực tiếp triển khai..."

Chiều 31/3, CTCP FPT đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông 2017. Tại Đại hội, ông Bùi Quang Ngọc, Tổng giám đốc Công ty cho biết, FPT chưa thoái vốn khỏi mảng bán lẻ trong năm 2016 theo kế hoạch đã đề ra do muốn bán cả gói 2 công ty FPT Trading và FPT Retail. Tuy nhiên, các bên mua chưa thống nhất và không chốt được thương vụ  nên FPT sẽ điều chỉnh phương thức theo cách tách 2 công ty thành 2 gói riêng.

Tại đại hội, các cổ đông của FPT đã hỏi nhiều câu hỏi trực diện liên quan đến các mảng hoạt động và giá cổ phiếu FPT. Đầu tư Chứng khoán xin trích dẫn một số nội dung mà cổ đông quan tâm tại được ông Bùi Quang Ngọc trả lời trực tiếp.

Cổ đông chất vấn lãnh đạo lớn tuổi, Tổng giám đốc FPT nói "không vấn đề" ảnh 1

 Đại hội đồng cổ đông của FPT

Hỏi: Mảng phân phối và bán lẻ: 2016 có ý định thoái vốn nhưng chưa thành công. 2017 sẽ tiếp tục thực hiện. Tại sao phải thoái vốn khỏi hai mảng này? Chúng ta nói nhiều đến số hóa, FPT có sản phẩm chủ lực gì do FPT tạo ra hay không hay chỉ đơn thuần là đi phân phối?

Trả lời: FPT mong muốn có sự tăng trưởng nhanh và bền vững dài hạn. Thương mại có giới hạn tại Việt Nam. Chúng ta muốn trở thành tập đoàn công nghệ và rất nhiều lần cổ đông yêu cầu tách mảng thương mại và bán lẻ ra.

Hỏi: Tính đến hết 2016, khoản nợ xấu, nợ khó đòi có hay không và con số là bao nhiêu. Nếu nhiều thì có cách nào để thu hồi?

Trả lời: Trong báo cáo tài chính, đã có phần trích nợ dự phòng. Trong quá trình kinh doanh không tránh khỏi những phần nợ xấu. Trong mảng kinh doanh internet bao giờ cũng có phần khách hàng nợ cước, tỷ lệ này của FPT đang là tỷ lệ tốt trên thị trường, dưới 1%. Trong một số mảng còn lại có một số khoản nợ khó đòi nhưng tỷ lệ chỉ không cao. Việc quản lý nợ xấu của FPT tương đối tốt.

Hỏi: Thương vụ thoái vốn ở mảng Bán lẻ và Phân phối. Nếu thoái vốn mà vẫn còn chi phối thì không được ghi vào lợi nhuận. FPT sẽ thoái vốn ở hình thức nào? Lợi nhuận sẽ ảnh hưởng thế nào so với mục tiêu  2017 đã đặt ra?

Trả lời: Mục tiêu thoái vốn của FPT tại Bán lẻ và phân phối, sẽ không nắm giữ đa số tại hai đơn vị này. Lợi nhuận thu được từ thoái vốn sẽ được ghi vào lợi nhuận của Công ty. Số liệu cụ thể bao nhiêu còn phụ thuộc vào định giá của thương vụ. Số lợi nhuận này chưa được tính vào mục tiêu đã đặt ra của năm 2017, nếu thực hiện thành công thương vụ này thì lợi nhuận sẽ tăng lên đáng kể.

Hỏi: Công ty có những định hướng về số hóa các ngành, xu thế này đối thủ cạnh tranh cũng biết. FPT sẽ có những đối thủ nào phải cạnh tranh và đối thủ có những lợi thế nào, FPT có những lợi thế nào để cạnh tranh tốt?

Trả lời: FPT đang đồng hành cùng các Tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới như GE, AWS. FPT tiên phong trong kinh doanh số, tỷ trọng 28% trong năm vừa rồi, đi trước Ấn Độ 4 năm. KPMG đánh giá 4 năm sau tỷ trọng doanh thu của Ấn Độ là 28%, FPT hiện nay đã là 28%. Lợi thế thực sự của FPT là tiên phong, nguồn nhân lực và kinh nghiệm làm việc với nhiều tập đoàn lớn.

Hỏi: Cung cấp giải pháp số cho Chính phủ, nhưng Chính phủ đang nợ công vậy có hiệu quả không? Biên độ lợi nhuận của FPT có bị giảm hay không?

Trả lời: Thực tế FPT có nhiều dự án với Chính phủ, hầu hết các hệ thống công nghệ thông tin lớn của Chính phủ là do FPT triển khai. Hiện nay, Chính phủ cũng rất quan tâm đến vấn đề số hóa, riêng Hà Nội đặt mục tiêu chi 5.000 tỷ đồng mỗi năm để làm thành phố thông minh. Đó là sự quyết tâm cao của Chính phủ.

Hỏi: Tại sao Kế hoach lợi nhuận của FPT Telecom năm 2017 thấp?

Trả lời: Giữa 2016, doanh nghiệp nhận được một số quyết định của Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Thông tin và Truyền thông về một số khoản phí và lệ phí phải nộp trong năm 2017. Doanh nghiệp có khó khăn trong xác lập ngân sách phải đóng cụ thể là bao nhiêu. FPT Telecom đã trích lập dự phòng, nếu không tính khoản trích lập dự phòng này thì tăng trưởng khoảng 12%.

Hỏi: FPT Telecom có thử nghiệm 4G không và sự khác biệt là gì?

Trả lời: Đây là ước mơ của FPT Telecom trong nhiều năm nay. Phát triển 4G phải có băng tần trong khi FPT Telecom chưa có băng tần, đang chuẩn bị lực lượng nghiên cứu các sản phẩm dịch vụ để khi 4G ra công ty vẫn có thể phát triển mạnh. FPT Telecom hiện có 9 dịch vụ mới, đầu tư nhiều nguồn lực vào các dịch vụ sản phẩm mới tiếp tục tăng doanh thu.

Hỏi: Thoái vốn, tiến độ của hai thương vụ này, có nhiều nhà đầu tư quan tâm chưa? Chia sẻ về tình hình sản xuất kinh doanh quý 1?

Trả lời: Công ty đã điều chỉnh bài toán thoái vốn so với kế hoạch đặt ra ban đầu. Sau khi điều chỉnh đã có nhiều nhà đầu tư quan tâm và đang trong giai đoạn trao đổi để kết thúc. Có thể hoàn thành trong năm nay.

Kết quả quý I đạt kế hoạch đặt ra đạt theo kế hoạch phân kỳ của từng tháng.

Hỏi: Giá cổ phiếu FPT gần đây chưa có sự đột phá. FPT có chiến lược gì để thay đổi tình hình này?

Trả lời: FPT phấn đấu là tập đoàn hàng đầu về công nghệ với doanh thu 1 tỷ USD riêng mảng xuất khẩu phần mềm. Chúng tôi cố gắng theo định hướng như vậy, còn thị trường ứng xử như thế nào và so sánh như thế nào với một công ty nào đó thì tôi cũng không biết hỏi ai. Chỉ biết, chúng tôi làm tốt, minh bạch và chia sẻ mọi thông tin với nhà đầu tư. Sự khác biệt của FPT là tăng trưởng cao và bền vững.

Dự báo đà tăng trưởng tiếp tục rất lớn trong năm tới của mảng toàn cầu hóa sẽ đem lại kết quả tốt cho FPT.

Hỏi: Ban lãnh đạo của FPT không còn trẻ. Kế hoạch chuyển giao thế hệ như thế nào?

Trả lời: Tôi không quan tâm đến tuổi tác, mà quan tâm đến họ làm việc, sáng tạo như thế nào, đóng góp ra sao. Nếu tính về khía cạnh đó thì tôi thấy bộ máy hiện nay là hợp lý. Bên cạnh đó, lãnh đạo của FPT hiện nay rất trẻ, với phần đông là những người 35-45 tuổi và số đó mới đang thúc đẩy tăng trưởng của tập đoàn. Ngoài ra, để có thể nói chuyện được với lãnh đạo của các tập đoàn hàng đầu thế giới, với lãnh đạo chính phủ, cơ quan nhà nước thì tôi nghĩ bộ máy ở cấp tập đoàn của FPT như hiện nay là hợp lý.

FPT đã có thử nghiệm đưa các bạn trẻ trở thành CEO, nhưng bài toán xảy ra là các bạn không nắm rõ ngóc ngách, vấn đề của các ngành, các khối. Ở FPT thì lãnh đạo phải là người đưa ra giải pháp và đôi khi phải trực tiếp triển khai.

Ý kiến cá nhân của tôi thì tuổi tác của lãnh đạo không phải là vấn đề ảnh hưởng đến tăng trưởng. Hiện nay, chúng tôi cũng đã có kế hoạch chuyển giao thế hệ và được triển khai rất kĩ càng.

Khối phân phối và bán lẻ tăng trưởng âm 

Trong phần trình bày của mình, ông Bùi Quang Ngọc cũng cho biết, trong năm 2016, trong khi 2 Khối Công nghệ và Viễn thông kinh doanh rất khả quan, với cả doanh thu cũng như lợi nhuận đều tăng trưởng 2 chữ số thì Khối phân phối và bán lẻ lại tăng trưởng âm: doanh thu giảm 9% xuống 23.000 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế giảm 25% xuống 544 tỷ đồng.

Cổ đông chất vấn lãnh đạo lớn tuổi, Tổng giám đốc FPT nói "không vấn đề" ảnh 2

Phân phối điện thoại vẫn là mảng kinh doanh có doanh thu lớn của FPT 

Nguyên nhân chủ yếu đến từ mảng phân phối điện thoại và đây là kết quả đã được dự báo từ trước. Từ quý 4/2015, Apple thay đổi chính sách phân phối tại thị trường Việt Nam với việc cho phép các nhà bán lẻ lớn như Thế giới Di động hay FPT Shop được trực tiếp nhập khẩu sản phẩm iPhone, khiến doanh thu iPhone của lĩnh vực Phân phối giảm hơn 3.000 tỷ đồng.

Đại hội cổ đông FPT đã thông qua phương án phân phối lợi nhuận 2016 với mức chi trả cổ tức bằng tiền mặt là 20%. FPT đã thực hiện chi trả 10%, dự kiến trả nốt 10% còn lại vào quý II/2017.

Cổ đồng FPT cũng thông qua phương án chia cổ tức với tỷ lệ 15% bằng cổ phiếu từ nguồn lợi nhuận để lại vào quý 2/2017.

Một yếu tố khác, cũng là nguyên nhân chính dẫn tới việc doanh thu và lợi nhuận mảng phân phối suy giảm trong năm 2016 là việc Microsoft tuyên bố ngừng kinh doanh các sản phẩm điện thoại thông minh Lumia. Thông tin này khiến việc tiêu thụ các sản phẩm Lumia trở nên đặc biệt khó khăn.Việc giảm giá để giải phóng hàng tồn Lumia đã khiến lợi nhuận của lĩnh vực Phân phối trong năm 2016 giảm mạnh.

"Tuy nhiên, điểm tích cực là tính tới hết năm 2016, lượng tồn kho sản phẩm này đã được giải phóng hết, do vậy sẽ không còn ảnh hưởng tới lợi nhuận của năm 2017", ông Ngọc cho biết.

Tin bài liên quan