Các CTCK cần thận trọng khi tìm kiếm đối tác để hợp nhất, sáp nhập nếu không muốn nếm trái đắng

Các CTCK cần thận trọng khi tìm kiếm đối tác để hợp nhất, sáp nhập nếu không muốn nếm trái đắng

Chứng khoán Phú Hưng “chịu vạ” sau hợp nhất

(ĐTCK) Theo Công ty chứng khoán (CTCK) Phú Hưng (công ty hình thành sau hợp nhất với CTCK An Thành), bà Phạm Thị Mai Vân, từng là Kế toán trưởng của CTCK An Thành, đã lợi dụng chức vụ và quyền hạn để tạo bút toán giả, giấy nộp tiền khống, chiếm đoạt của CTCK An Thành 4,749 tỷ đồng.

Tuy đến nay bà Vân đã khắc phục được toàn bộ số tiền này cho CTCK An Thành, nay là CTCK Phú Hưng (PHS), nhưng PHS đã phải chịu điều tiếng và cần triển khai các giải pháp để không tái diễn sai phạm tương tự.

PHS vừa công bố tới thị trường, nhà đầu tư bản án phúc thẩm hình sự liên quan đến bị cáo Phạm Thị Mai Vân. Theo kết luận của bản án sơ thẩm, từ ngày 1/10/2009 - 15/12/2010, bà Vân đã tạo bút toán giả, giấy nộp tiền khống, tự hạch toán tiền của CTCK An Thành vào tài khoản chứng khoán mượn từ người thân và khách hàng để đầu tư chứng khoán, với tổng số tiền là 4,749 tỷ đồng và chiếm đoạt số tiền này. Bởi vậy, CTCK An Thành đã khởi kiện bà Vân. Tính đến thời điểm xét xử phúc thẩm ngày 5/9/2016, bà Vân đã khắc phục được hoàn toàn số tiền này cho CTCK An Thành, nay là PHS.

Theo bản án sơ thẩm, thủ đoạn mà bà Vân đã sử dụng để chiếm đoạt tiền của CTCK An Thành là: tạo bút toán giả, chèn trên phần mềm giao dịch của Công ty sau ngày giao dịch với nội dung hạch toán nộp tiền tại ngân hàng, nộp tiền tại công ty, chuyển tiền nội bộ từ tài khoản Công ty vào các tài khoản của khách hàng mà bà Vân mượn sử dụng.

Thực chất, bà Vân không nộp tiền vào ngân hàng hay Công ty, mà lập chứng từ giả nộp khống tiền vào tài khoản của khách hàng tại Công ty. Sau khi thể hiện trên các tài khoản mà bà Vân mượn để sử dụng là có tiền, bà Vân dùng tiền đó mua bán chứng khoán. Với thủ đoạn này, từ ngày 1/10/2009 - 15/12/2010, Phạm Thị Mai Vân đã sử dụng 9 tài khoản mượn giao dịch chứng khoán để chiếm đoạt của CTCK An Thành 4,749 tỷ đồng.

Do nhận thấy việc điều tra ở cấp sơ thẩm chưa đầy đủ, nên tại Bản án 518/2016 ngày 5/9/2016, Hội đồng xét xử phúc thẩm Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội đã tuyên hủy bản án hình sự sơ thẩm số 81/2015/HSST ngày 13/3/2015 của Tòa án nhân dân TP. Hà Nội và giao hồ sơ vụ án cho Viện Kiểm sát nhân dân TP. Hà Nội để điều tra lại.

Ở một khía cạnh có liên quan, là CTCK có vốn ngoại hình thành sau hợp nhất có kết quả kinh doanh chưa mấy khả quan, PHS phải chịu điều tiếng và giải quyết hậu quả của sự việc không mong muốn trên. Theo báo cáo tài chính quý III/2016, PHS ghi nhận lãi 4,2 tỷ đồng sau 9 tháng đầu năm nay. PHS hiện có vốn chủ sở hữu 324 tỷ đồng.

Sự việc này đã trở thành bài học đắt giá không chỉ với PHS, mà còn với các CTCK trên thị trường khi tìm kiếm các đối tác để hợp nhất, sáp nhập, nếu không muốn nếm trái đắng, nhất là khi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) đang thúc đẩy nhiều giải pháp để tiếp tục tái cơ cấu, thu hẹp số lượng CTCK.

Để không tái diễn các sai phạm tương tự, PHS khẳng định đến nay đã xây dựng hệ thống chính sách, cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin để đảm bảo tính chặt chẽ trong phòng ngừa các rủi ro như trên.

Tuy nhiên, có một thực tế là dù cơ chế quản trị rủi ro của các CTCK có kín kẽ đến mấy, nhưng một khi các nhân sự đảm trách nhiệm vụ chủ chốt cố tình vi phạm thì các công ty này lẫn khách hàng vẫn luôn phải đối mặt với nhiều rủi ro. Hành vi nhân sự hành nghề tại CTCK lạm dụng tài khoản của khách hàng thời gian qua xảy ra âm thầm, nhưng không vì thế mà kém phần nhức nhối. Khi sự việc xảy ra, để tránh mang tiếng xấu, các CTCK thường tìm cách hòa giải và đền bù thiệt hại cho khách hàng, chỉ trong trường hợp thương thảo bất thành, sự việc mới vỡ lở ra thị trường.

Vì tính chất nghiêm trọng của việc nhân viên CTCK lạm dùng tài khoản, tiền của nhà đầu tư, để tăng tính phòng ngừa và răn đe, Nghị định 145/2016 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 108/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán, được ban hành mới đây và sẽ có hiệu lực từ ngày 15/12/2016 đã sửa đổi điểm a, Khoản 6, Điều 26 của Nghị định 108/2013 theo hướng xử lý trực diện hành vi nhân viên CTCK lạm dụng tài khoản của nhà đầu tư.

Theo đó, phạt tiền từ 200 - 300 triệu đồng đối với hành vi lạm dụng, chiếm dụng chứng khoán, tiền thuộc sở hữu của khách hàng hoặc tạm giữ chứng khoán, tiền thuộc sở hữu của khách hàng theo hình thức lưu ký dưới tên CTCK.            

Tin bài liên quan