Ông Phan Trung Phương

Ông Phan Trung Phương

Chủ tịch F.I.T: “DAG là cơ hội đầu tư tốt…”

(ĐTCK) Bất ngờ trở thành cổ đông lớn của CTCP Tập đoàn Nhựa Đông Á (DAG) có phải là bước đi chuẩn bị cho kế hoạch thâu tóm công ty này của F.I.T?

Khẳng định cổ phiếu DAG là cơ hội đầu tư tốt, nhưng ông Phan Trung Phương, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư F.I.T (mã FIT) cho hay, việc trở thành cổ đông lớn của DAG xuất phát từ việc đánh giá cao cơ hội đầu tư tài chính vào đây, mà không đi kèm với kế hoạch thâu tóm doanh nghiệp này.

Thị trường đang xôn xao tin đồn Nhựa Đông Á sẽ là mục tiêu thâu tóm tiếp theo của F.I.T sau khi Công ty trở thành cổ đông lớn của DAG. Thực hư vấn đề này thế nào, thưa ông?

Đúng là thời gian vừa qua, F.I.T đã thực hiện mua vào 1,125 triệu cổ phiếu DAG và trở thành cổ đông lớn của công ty này. Chúng tôi cũng kỳ vọng sẽ tiếp tục gia tăng sở hữu tại đây khi có cơ hội, nhưng nếu nói F.I.T thâu tóm Nhựa Đông Á thì không đúng.

Ban lãnh đạo F.I.T đánh giá cao cơ hội đầu tư vào doanh nghiệp, nhưng nếu muốn thâu tóm thì phải đáp ứng một số yếu tố khác, mà tiêu chí đầu tiên chính là lĩnh vực đầu tư đầu tư sâu của F.I.T.

Như các bạn đã biết, F.I.T chủ trương sở hữu chi phối các doanh nghiệp tốt trong lĩnh vực ngành hàng cơ bản như nông nghiệp, thực phẩm, dược…, còn Nhựa Đông Á, dù có nhiều điểm tốt, nhưng lại kinh doanh trong lĩnh vực nhựa xây dựng - dân dụng, không phải là ngành hàng mà F.I.T muốn thâu tóm.

Đơn thuần coi là khoản đầu tư tài chính thì ít khi người ta chịu xuất đầu lộ diện. Vậy tại sao F.I.T lại chấp nhận trở thành cổ đông lớn của Nhựa Đông Á?

Câu chuyện cổ đông lớn hay nhỏ thì đơn thuần là vấn đề sở hữu, chứ không phải muốn hay không muốn. Dù là khoản đầu tư tài chính, nhưng như tôi đã nói ở trên, chúng tôi vẫn sẵn sàng tăng sở hữu tại đây nếu có cơ hội.

Theo kế hoạch Nhựa Đông Á sẽ phát hành tăng vốn cho cổ đông hiện hữu để bổ sung nguồn vốn cho phát triển sản xuất kinh doanh, chúng tôi đã làm việc với ban lãnh đạo DAG và đề xuất gia tăng tỷ lệ sở hữu thêm nếu các cổ đông hiện hữu từ chối quyền mua.

Tôi nghĩ rằng, sự khác biệt lớn nhất giữa đầu tư tài chính và tham gia thâu tóm là vấn đề can thiệp vào quản trị. Ở Nhựa Đông Á, chúng tôi đánh giá cao những gì mà Công ty đang có, từ hệ thống nhà máy, sản phẩm, thị trường, con người, quản trị… Chúng tôi đầu tư vào vì cho rằng, mức giá mà cổ phiếu DAG có thể đạt được sẽ cao hơn nhiều mức giá mà F.I.T bỏ tiền ra để mua.

Chủ tịch F.I.T: “DAG là cơ hội đầu tư tốt…” ảnh 1

 Tăng trưởng các chỉ tiêu kinh doanh DAG qua các năm

Dường như ông rất tự tin vào khoản đầu tư này! Vậy ông có thể chia sẻ một vài lý do mà ông cho rằng DAG xứng đáng được đánh giá cao hơn những gì thị trường đang nhìn thấy?

Thực ra thì từ khi F.I.T vào đến nay, giá cổ phiếu DAG đã tăng mạnh lên rồi. Nhưng về phía cá nhân, chúng tôi nhìn thấy ở Nhựa Đông Á nhiều yếu tố để cho rằng định giá cổ phiếu DAG vẫn ở mức hấp dẫn.

Trước hết là nền tảng kinh doanh của Công ty. Ngay khu vực Hà Nội này thôi, nếu bạn là người quan tâm lĩnh vực bất động sản và vật liệu xây dựng bạn sẽ thấy là hàng loạt dự án lớn tại Hà Nội đã và đang sử dụng sản phẩm của Nhựa Đông Á, như Dự án Eden của Vingroup, Handcorp Plaza, PCC1, Vinaconex Chợ Mơ… trong đó phải kể đến sản phẩm cửa hợp kim nhôm, cửa uPVC-có lõi thép gia cường, SMART WINDOW, SMART DOOR.

Đặc biệt, hiện nay DAG đang là nhà sản xuất lớn nhất Việt Nam về thanh profile uPVC - nguyên liệu cho ngành cửa nhựa có lõi thép gia cường với thị phần chiếm 40-45% toàn quốc.  

Tôi được biết, ở phân khúc các sản phẩm truyền thống như tấm ốp trần, cửa nhựa tấm, nẹp trang trí…, Nhựa Đông Á hiện đang là doanh nghiệp uy tín số 1, với thị phần lên tới 25-30% cả nước. Tôi cho rằng, bản thân con số này nói lên tất cả. Bạn biết đấy, trong M&A, đây là một yếu tố quan trọng giúp định giá doanh nghiệp được mua đẩy lên rất cao.

Ngoài các sản phẩm truyền thống nói trên, các sản phẩm khác do DAG sản xuất, đều đứng ở top đầu thị phần trên cả nước. Như tấm nhôm composite, tấm mica, tấm pp trong ngành bao bì nhựa, cả nước chỉ có khoảng 4 doanh nghiệp cung cấp sản phẩm, thì Nhựa Đông Á cũng chiếm thị phần lớn ở miền Bắc.

Nền tảng thị trường tốt, chất lượng sản phẩm được đánh giá cao, trong khi đó, các nhà máy của Công ty đều được đầu tư công suất lớn, đảm bảo đủ điều kiện để mở rộng thị trường lớn trong thời gian tới.

Một điểm nữa mà tôi nghĩ là các NĐT sẽ rất quan tâm, đó là vấn đề lợi nhuận. Trong 4 năm qua, Nhựa Đông Á luôn là tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận ấn tượng, dù thị trường bất động sản chưa thực sự hồi phục.

Với sự phục hồi ngày một ấn tượng của thị trường bất động sản, tôi tin hiệu quả kinh doanh của Công ty sẽ được hưởng lợi.

Đặc biệt, năm 2014, các chỉ tiêu kinh doanh của Công ty vẫn tăng trưởng tốt, dù chi phí nguyên vật liệu đầu vào tăng và Công ty chưa điều chỉnh giá bán.

Đây chính là một điểm sẽ tạo ra cú hích về tăng trưởng lợi nhuận năm 2015, ngay cả khi Công ty chưa tăng trưởng khối lượng hàng bán.

Tin bài liên quan