Chủ đầu tư cao tốc Hà Nội - Hải Phòng lỗ hơn 1.756 tỷ đồng

Chủ đầu tư cao tốc Hà Nội - Hải Phòng lỗ hơn 1.756 tỷ đồng

Sau hơn một năm vận hành, tuyến cao tốc hiện đại nhất Việt Nam đã mang về cho chủ đầu tư 1.430 tỷ đồng doanh thu, song khấu hao lớn đã bào mòn lợi nhuận của doanh nghiệp.

Báo cáo thường niên 2016 của Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex - Mã CK: VCG) vừa công bố cho biết kết quả kinh doanh năm 2016 của một số công ty kết, các đơn vị mà doanh nghiệp này góp vốn... đang đầu tư trong lĩnh vực hạ tầng giao thông.

Trong số này, Tổng công ty cổ phần Phát triển Hạ tầng và Đầu tư tài chính (Vidifi) là đơn vị đã vận hành tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng từ tháng 12/2015. Theo kết quả ghi nhận trong báo cáo của Vinaconex, trong năm 2016, Vidifi đạt doanh thu thuần 1.430 tỷ đồng, tăng nhiều lần so với mức 121 tỷ của năm 2015. Như vậy, trung bình mỗi ngày đơn vị thu về khoảng 4 tỷ đồng. Tuy nhiên, lợi nhuận trước thuế của công ty vẫn ghi âm 1.756 tỷ đồng.

Tổng tài sản tính đến cuối năm 2016 của Vidifi đạt hơn 38.700 tỷ đồng. Vốn điều lệ cùng thời điểm là hơn 3.700 tỷ, trong đó Vinaconex góp 40 tỷ đồng.

Một đơn vị liên kết khác của Vinaconex là Công ty cổ phần BOT Hà Nội – Bắc Giang đang vận hành tuyến cao tốc cùng tên trong năm 2016, thu về 241 tỷ đồng từ tiền phí. Tuy nhiên, công ty cũng báo lỗ 19,2 tỷ đồng trong năm qua. Đây cũng là dự án mà Vinaconex sở hữu 21% vốn điều lệ. 

Theo lý giải của đại diện BOT Bắc Giang, lĩnh vực hạ tầng giao thông khá đặc thù vì giá trị đầu tư ban đầu lớn nên chi phí khấu hao cao, thời gian khấu hao lại dài. Đó cũng là lý do khiến thời gian đầu, các dự án BOT nêu trên có thể chưa có kết quả khả quan.

Trước đó, dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ I đoạn Hà Nội - Bắc Giang theo hình thức hợp đồng BOT dài 45 km đã có tổng mức đầu tư hơn 4.213 tỷ đồng. Sau 2 năm xây dựng, dự án đã hoàn thiện và bắt đầu thu phí từ tháng 5/2016 với mức thu 35.000 đồng mỗi lượt xe tiêu chuẩn. 

Trong khi đó, cao tốc Hà Nội - Hải Phòng có 6 làn xe, tốc độ tối đa cho phép 120 km/h, được đánh giá là hiện đại nhất Việt Nam hiện nay. Cao tốc đi qua 4 tỉnh, thành gồm Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng với chiều dài 105 km, tổng mức đầu tư hơn 45.000 tỷ đồng (hơn 2 tỷ USD).

Tuyến cao tốc này được xây dựng với tổng mức đầu tư 45.000 tỷ đồng, phần lớn vay vốn lãi suất thương mại dao động 10,5-11,4%/năm trong thời gian 30 năm. Mức phí đang được áp dụng trên tuyến này hiện khá cao (thấp nhất 190.000 đồng một lượt cho xe dưới 9 chỗ ngồi chạy toàn tuyến). Lãnh đạo Vidifi cho biết mức phí được đưa ra theo lộ trình phù hợp với phương án tài chính xây dựng tuyến đường đã được các bộ ngành phê duyệt.

Tin bài liên quan