Cận cảnh danh mục đầu tư của Red River Holding

Cận cảnh danh mục đầu tư của Red River Holding

(ĐTCK) “Với tổng tài sản đang quản lý 253 triệu USD, từ năm 2008 đến nay, Red River Holding đã đầu tư vào khoảng 30 công ty đã và chưa niêm yết ở Việt Nam, với tỷ lệ sở hữu cổ phần tại các DN này từ 2 - 17%...”, ông Jean Eric Jacquemin, Giám đốc Quỹ Red River Holding trao đổi với ĐTCK.

Ông có thể cho biết cụ thể danh mục đầu tư của Red River Holding?

Red River Holding đã đầu tư vào hơn 20 DN niêm yết như CTCP Sữa Việt Nam, CTCP FPT, Tập đoàn Hòa Phát, CTCP Thủy sản Minh Phú, CTCP Ánh Dương Việt Nam, Tập đoàn Hoa Sen, Tổng công ty Khoan và Dịch vụ khoan Dầu khí... Tỷ lệ sở hữu cổ phần hiện tại của Red River Holding tại các DN này khoảng từ 2 - 17%.

Mục tiêu đầu tư của Red River Holding là phát triển DN, tham gia vào việc quản trị, nhằm tạo ra các giá trị cho DN và cổ đông. Chúng tôi tư vấn cho DN về chiến lược tài chính, tái cơ cấu, hoạt động mua bán sáp nhập... Những hoạt động mang lại giá trị gia tăng này góp phần nâng cao giá trị cho DN, làm tăng giá trị cho các khoản đầu tư của chúng tôi.

Với mục tiêu trên, Red River Holding đã thành công trong tham gia HĐQT của nhiều DN. Có trường hợp nào Quỹ gặp khó khăn trong việc ứng cử vào HĐQT, thưa ông?

Red River Holding có đại diện trong HĐQT của 9 DN, như Tập đoàn Hoa Sen, Tập đoàn FPT, CTCP Vĩnh Hoàn, Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, Công ty Bột giặt LIX, CTCP Everpia Việt Nam... Thông thường, chúng tôi được ban giám đốc, các cổ đông khác ủng hộ tham gia vào HĐQT, để đại diện cho quyền lợi của các cổ đông thiểu số. Chỉ có một trường hợp chúng tôi không thành công trong việc ứng cử vào HĐQT là CTCP Vicostones tại ĐHCĐ năm 2012. Tại ĐHCĐ 2014 này, chúng tôi sẽ ứng cử vào HĐQT cho nhiệm kỳ 2014 - 2019.

Đầu tư lượng vốn lớn như vậy vào các DN, trong khi thanh khoản của TTCK Việt Nam còn thấp, điều này có khiến Red River Holding gặp khó khi thoái vốn?

Giống như các NĐT chuyên nghiệp khác, chúng tôi linh hoạt trong lựa chọn phương thức thoái vốn, để tối đa hóa giá trị cho cổ đông. Hình thức thoái vốn có thể thực hiện qua sàn chứng khoán nếu thanh khoản tốt, hoặc có thể thoái vốn bằng cách bán cho đối tác chiến lược hoặc ban giám đốc.

Trong mùa ĐHCĐ 2014, Red River Holding đề xuất một số công ty, cụ thể như Everpia tăng tỷ lệ trả cổ tức. Điều này có phải do Red River Holding sắp rút vốn đầu tư khỏi DN, hay vì lý do nào khác?

Yêu cầu trả cổ tức không liên quan gì đến kế hoạch thoái vốn. Trên thực tế, chúng tôi đã phản đối trả cổ tức cao tại một số DN, khi họ cần nguồn vốn để phát triển và đầu tư thêm. Tỷ lệ trả cổ tức cao thường được áp dụng tại những DN có nhu cầu đầu tư thấp trong tương lai. Tỷ lệ giữ lại lợi nhuận cao cần được duy trì nếu DN có kế hoạch mua bán sáp nhập, hoặc có dự án đầu tư lớn. Nếu không, tỷ lệ trả cổ tức bằng tiền mặt thấp có thể là dấu hiệu của khó khăn tài chính và sự thiếu tự tin của công ty về khả năng tạo dòng tiền.

Everpia có tình hình tài chính lành mạnh, thời điểm 31/12/2013, tiền mặt và tiền gửi ngân hàng là 156 tỷ đồng, sau khi đã trừ đi nợ ngắn hạn. Các cổ đông đã đóng góp 90 tỷ đồng trong đợt phát hành riêng lẻ vào 2009, 150 tỷ đồng trong đợt phát hành riêng lẻ lần thứ hai vào năm 2010, để cấp vốn cho Everpia xây dựng nhà máy và văn phòng mới ở Hưng Yên. Trong giai đoạn đầu tư của Everpia, các cổ đông chấp nhận mức cổ tức thấp. Sau khi Everpia đã hoàn thành giai đoạn đầu tư vào 2012, các cổ đông có quyền nhận được lợi nhuận từ khoản đầu tư của họ. Do đó, Red River Holding và các cổ đông khác đã yêu cầu Everpia tăng cổ tức bằng tiền từ 11% lên 15% và yêu cầu Công ty trả thêm 20% cổ phiếu thưởng từ lợi nhuận chưa phân phối và quỹ thặng dư vốn cổ phần. Việc trả cổ phiếu thưởng không ảnh hưởng đến dòng tiền, nhưng làm tăng số lượng cổ phiếu, sẽ giúp tăng thanh khoản cổ phiếu EVE.

Theo ông, đâu là những điểm hấp dẫn của TTCK Việt Nam hiện tại?

Với sự cải thiện của nền kinh tế từ 2013, TTCK Việt Nam đang dần trở lại trong tầm ngắm của các NĐT quốc tế. Hiện chỉ số P/E trung bình của các DN niêm yết ở HOSE là 14.4x so với 20x ở TTCK Philippines và 21.9x ở Indonesia. Do đó, TTCK Việt Nam vẫn còn tiềm năng tăng trưởng.

Tuy nhiên, rất nhiều DN niêm yết ở Việt Nam có vốn hóa rất nhỏ và thanh khoản thấp, khó có thể thu hút được những NĐT lớn. Việc áp dụng chuẩn mực về quản trị DN và minh bạch thông tin vẫn còn chậm. Khuôn khổ pháp lý của Việt Nam hiện vẫn chưa hoàn toàn bảo vệ quyền cổ đông, nhất là các cổ đông thiểu số. Nếu Việt Nam thành công trong tái cơ cấu ngành ngân hàng, đưa ra những quy định chặt chẽ hơn để bảo vệ cổ đông, nâng cao sự minh bạch, niềm tin của NĐT vào TTCK Việt Nam sẽ được cải thiện.

Đâu là định hướng đầu tư của Red River Holding trong những năm tới, thưa ông?

Red River Holding đang tập trung vào cải thiện kết quả kinh doanh của các DN mà chúng tôi đầu tư để tăng giá trị. Chúng tôi cũng tìm cách thoái vốn khi thích hợp. Tùy diễn biến của TTCK và khuôn khổ pháp lý, cũng như khả năng đạt được lợi nhuận tốt, chúng tôi có thể xem xét tăng đầu tư vào TTCK Việt Nam. 

Tin bài liên quan