Đoàn tàu mới Bluetrains mới của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam

Đoàn tàu mới Bluetrains mới của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam

Bộ Giao thông xin nâng vốn điều lệ cho Tổng công ty Đường sắt lên 3.250 tỷ đồng

Sau hơn 5 năm giữ quy mô vốn điều lệ ở mức 2.268 tỷ đồng, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam muốn nâng vốn điều lệ thêm 982 tỷ đồng để có vốn đầu tư mua sắm 100 đầu máy, cải tạo toa xe.

Bộ Giao thông vận tải vừa đề nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận điều chỉnh tăng vốn điều lệ của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam lên 3.250 tỷ đồng nhằm đáp ứng đủ vốn cho hoạt động kinh doanh giai đoạn 2017 – 2019 và nhu cầu đầu tư trung, dài hạn.

Đề xuất này được xuất phát từ Tổng công ty Đường sắt Việt Nam sau hơn 5 năm giữ nguyên quy mô vốn điều lệ ở mức 2.286 tỷ đồng.

Được biết, việc tăng vốn điều lệ này sẽ giúp Tổng công ty có thêm nguồn lực để đầu tư dự án 100 đầu máy giai đoạn 2016 - 2020, phân kỳ đầu tư chuyển tiếp giai đoạn 2017 - 2019 (3 năm) là 60 đầu máy với giá trị đầu tư là 1.300 tỷ đồng; đầu tư mới đoàn tàu vận chuyển hành khách trên đoạn tuyến Sài Gòn - Nha Trang, đầu tư toa xe thay thế dần toa xe có tốc độ dưới 60 Km/h.

Tổng mức đầu tư của các dự án này dự kiến là 1.975 tỷ đồng, do các công ty cổ phần vận tải đường sắt Hà Nội, Sài Gòn (là các công ty con của Tổng công ty) làm chủ đầu tư.

Hiện nguồn vốn hiện có để bổ sung vốn điều lệ của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam là 788,85 tỷ đồng. Phần bổ sung vốn điều lệ còn thiếu khoảng 193 tỷ đồng, Tổng công ty đề nghị được bổ sung tiếp từ lợi nhuận sau thuế trích lập Quỹ đầu tư phát triển các năm tiếp theo (trong đó đã có tính đến lợi nhuận từ thoái vốn đầu tư tại các công ty cổ phần).

Theo Bộ Giao thông vận tải, việc đầu tư bổ sung vốn điều lệ sẽ tạo ra hiệu quả kinh tế cho Tổng công ty Đường sắt Việt Nam nhờ việc tăng doanh thu cho Tổng công ty từ việc điều tiết hợp lý và đảm bảo nhu cầu sức kéo đường sắt (tài sản đầu tư trong quá trình tăng vốn điều lệ là các đầu máy công suất lớn) cung cấp cho các doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt; tăng năng lực sức kéo trên toàn tuyến đường sắt do sử dụng sức kéo công suất lớn, giảm thời gian chạy tàu, từ đó tăng sản lượng và doanh thu vận tải đường sắt, tăng thị  phần vận tải đường sắt.

Tin bài liên quan