Áp chuẩn cứng về quản trị công ty sẽ thất bại

Áp chuẩn cứng về quản trị công ty sẽ thất bại

(ĐTCK) Lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) cho biết, kinh nghiệm quốc tế, cũng như thực tiễn tại Việt Nam cho thấy, nếu đưa ra nhiều quy định cứng về chuẩn quản trị công ty vào hệ thống văn bản quy phạm pháp luật để buộc các DN phải tuân thủ, thì dễ thất bại vì khó được thực thi trên thực tế.

Khó khả thi nên chưa thể phạt

Để gia tăng chất lượng quản trị công ty theo thông lệ và chuẩn mực quốc tế, đáp ứng nhu cầu của NĐT, thời gian qua, nhà quản lý đã nỗ lực đưa ra các chuẩn mực cao hơn về quản trị công ty đối với các công ty đại chúng, DN niêm yết trên TTCK so với các chuẩn quy định tại Luật Doanh nghiệp.

Tuy nhiên, có những quy định hầu như không được tuân thủ do khó thực hiện. Điển hiển là quy định công ty đại chúng phải có tối thiểu 1/3 tổng số thành viên HĐQT là thành viên không điều hành tại Thông tư 121/2012/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định về quản trị công ty áp dụng cho các công ty đại chúng. 3 năm trôi qua kể từ khi quy định này được đưa vào áp dụng, đến nay không chỉ các công ty đại chúng, mà nhiều DN lớn đang niêm yết vẫn không thể đáp ứng được yêu cầu.

Theo Chủ tịch UBCK Vũ Bằng, vì tính khả thi của quy định trên khó đảm bảo, nên đến thời điểm này, UBCK chưa xử phạt những DN vi phạm.

Cần hướng tiếp cận mềm

Ông Bằng cho biết, kinh nghiệm quốc tế cho thấy, việc quy định cứng các chuẩn mực về quản trị công ty trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, đồng thời đưa ra chế tài nhằm cưỡng chế DN thực hiện thường thất bại. Nguyên nhân là do DN có quy mô, đặc thù hoạt động, năng lực quản trị công ty ở các lĩnh vực không đồng đều, thậm chí rất khác nhau, nên đưa ra hệ thống chuẩn chung buộc các DN tuân thủ là khó khả thi.

Nếu đưa ra chuẩn thấp để các DN quy mô nhỏ đáp ứng được, thì xuất hiện tâm lý ỷ lại của các DN lớn, thậm chí thiếu động lực để họ nỗ lực nâng cao chất lượng quản trị công ty.

Chính vì vậy, các nước thường thành lập Viện quản trị công ty như là hạt nhân để thúc đẩy nâng cao chất lượng quản trị công ty. Đây là tổ chức độc lập với cơ quan quản lý. Ngoài tổ chức các chương trình đào tạo về quản trị công ty để cung cấp, cập nhật kiến thức về quản trị công ty, tổ chức này còn định ra các chuẩn mực về quản trị công ty.

Từ các chuẩn mực này, Viện quản trị công ty ở các nước triển khai các chương trình đánh giá, chấm điểm quản trị công ty, trong đó có đối tượng đánh giá là các DN niêm yết, sau đó công bố rộng rãi kết quả ra toàn thị trường. Qua đó, giới đầu tư có cơ sở để phân hạng thứ bậc DN về chất lượng quản trị công ty và cân nhắc trước khi đưa ra quyết định đầu tư.

Với cách tiếp cận mềm như trên, các DN đạt điểm tốt, xấu về quản trị công ty đều được công khai trên thị trường. Khi đó, thị trường sẽ “trừng phạt” các DN đạt điểm kém về quản trị công ty, thay vì nhà quản lý áp dụng các chế tài xử phạt.

Kinh nghiệm hình thành Viện quản trị công ty ở các nước cho thấy, tổ chức này đều do khu vực ngoài nhà nước đứng ra thành lập và vận hành. Lãnh đạo UBCK cho hay, Việt Nam cũng muốn đi theo mô hình này, nhưng do một số yếu tố đặc thù nên khó có thể thể trông chờ vào khu vực tư nhân đứng ra thành lập Viện quản trị công ty.

Do đó, UBCK, Bộ Tài chính đang cân nhắc phương án ban đầu là Nhà nước phối hợp với các tổ chức ngoài khu vực nhà nước thành lập Viện quản trị công ty. Sau quá trình tổ chức này đi vào hoạt động tốt theo thông lệ và chuẩn mực quốc tế, Nhà nước sẽ rút ra để nhường chỗ hoàn toàn cho khu vực ngoài nhà nước quản lý, điều hành hoạt động.

Khi Việt Nam có Viện quản trị công ty, không chỉ giúp nâng cao chất lượng quản trị công ty cho các DN niêm yết thông qua cung cấp các khóa đào tạo cho nhân sự quản trị tại các DN, mà còn tạo nguồn cho gia tăng số lượng các thành viên HĐQT độc lập, từ đó góp phần cải thiện chất lượng quản trị công ty.

Ông Nguyễn Hoàng Hải, Tổng thư ký Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) nhìn nhận, hiện nhiều thành viên HĐQT gọi là độc lập, nhưng thực chất không độc lập vì họ được bầu là do HĐQT cũ giới thiệu. Để có được thành viên HĐQT thực sự độc lập, thì những người này phải do các nhóm cổ đông không điều hành DN đề cử, hoặc họ tự ứng cử. Những ứng viên thực sự độc lập tham gia HĐQT hiện nay khá ít, nên nếu có quy chế quản trị tốt, chúng ta sẽ thu hút được nhiều người tài tham gia HĐQT của nhiều DN.   

Tin bài liên quan