Bên cạnh kết quả kinh doanh tốt, điểm đáng lưu ý là ACV có tới gần 20.000 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng, bao gồm gần 1.665 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng, 18.070 tỷ đồng tiền gửi có kỳ hạn dưới 1 năm. Với số dư này, ACV chỉ đứng sau Tổng công ty Khí Việt Nam – CTCP (GAS) về tổng số dư tiền gửi. Tại ngày 30/9/2017, số dư tiền và tương đương tiền của GAS (trên báo cáo tài chính hợp nhất) là hơn 26.000 tỷ đồng.
Số dư tiền gửi lớn, nhưng ACV cũng có số dư vay, nợ phải trả không hề nhỏ. Tại ngày cuối quý III/2017, báo cáo tài chính hợp nhất ACV phản ánh tổng nợ phải trả (bao gồm các khoản vay ngắn và dài hạn, nợ người bán, người mua trả tiền trước và các khoản phải trả, phải nộp…) là 23.430,7 tỷ đồng, trong đó vay dài hạn là 14.339 tỷ đồng chủ yếu bằng tiền JPY với mức lãi suất ưu đãi (vay vốn ODA).
Số dư tiền lớn, nợ vay lớn, nhưng ACV đang được hưởng lợi rất lớn từ yếu tố này. 9 tháng đầu năm nay, Tổng công ty ghi nhận lãi từ tiền gửi đạt 754 tỷ đồng, trong khi chi phí lãi vay là 71,7 tỷ đồng; lỗ chênh lệch tỷ giá thực hiện là 9 tỷ đồng; lỗ chênh lệch tỷ giá đánh giá cuối kỳ là gần 545 tỷ đồng.
Với cơ cấu này, mỗi năm, ACV đang được hưởng lợi dòng tiền lên tới cả nghìn tỷ đồng nhờ chênh lệch lãi vay và lãi tiền gửi, dù lãi hạch toán trên báo cáo tài chính không quá lớn. Tuy nhiên, kết quả kinh doanh sẽ ít nhiều phụ thuộc vào diễn biến tỷ giá JPY/VND trong tương lai.